30/10/2023 13:25 GMT+7

27 năm 'đuổi' gió trên đỉnh đồi hoang

Một mình lên đỉnh Cu Vơ chăn trâu, thấy khu vực này màu mỡ nhưng gió làm cho trở nên quá hoang tàn, ông Hồ Văn Ổ miệt mài trồng rừng suốt 27 năm qua 'ngăn cái gió lại để mình làm kinh tế'.

Vợ chồng ông Ổ bên gốc cây trẩu lớn nhất có đường kính 30 - 40cm - Ảnh: HOÀNG TÁO

Vợ chồng ông Ổ bên gốc cây trẩu lớn nhất có đường kính 30 - 40cm - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ông Hồ Văn Ổ, 72 tuổi, cùng vợ là hộ dân đầu tiên lên lập nghiệp ở đỉnh đồi Cu Vơ (xã Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị) 27 năm trước. Đến nay, ông trồng được 12ha rừng trẩu (một loài cây bản địa) và 2ha rừng tràm làm kinh tế.

Trồng rừng để chăn thả trâu, nuôi con cái

Năm 1996, gia đình ông Ổ sinh sống ở thôn Miệt (cũ), xã Hướng Linh. Khu vực này bằng phẳng nhưng chật hẹp, không có nơi chăn thả gia súc. Nhớ những lần đi nhặt phế liệu ở ngọn đồi hoang Cu Vơ, thấy địa thế ở đó rộng rãi, ông Ổ (bấy giờ còn là một trung niên lực điền) quyết đi tìm vùng đất mới để phát triển kinh tế gia đình.

"Bố lên đây tìm đất, vùng này rộng rãi, màu mỡ nhưng gió mạnh khủng khiếp. Gió thổi ràn rạt cả ngày, không cây gì lên được. Nhìn hết tầm mắt chỉ thấy mỗi lau lách vi vu trong gió. Từ hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, gió và nắng thổi nhức cả mắt", ông Ổ nhớ lại.

Nhận thấy địa thế có thể lập nghiệp, tính kế sinh nhai lâu dài, ông Ổ mượn anh chị em, ba mẹ hai bên gia đình một khoản tiền lớn rồi mua 15 con trâu, lùa lên vùng đồi hoang chưa có người sinh sống. Lão nông Vân Kiều chọn vùng thung lũng thấp trũng để làm bãi chăn thả. Nhưng vùng đất này vẫn quá gió, khỏe như ông vẫn đi liêu xiêu trước gió.

Nhiều đêm không ngủ, ông bàn với vợ phải trồng cây che chắn gió thì trâu mới tồn tại được. Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi, ông Ổ suy tính phải tìm được loài cây bản địa sức sống mãnh liệt, nhanh lớn và chống chịu được gió. Đắn đo rồi vợ chồng ông chọn cây trẩu để trồng.

Để có giống trẩu, vợ ông - bà Hồ Thị Kho, 61 tuổi - mang gùi sau lưng, bới theo cơm nước ngày ngày vào rừng sâu nhặt hạt giống. Hành trang mang theo không thể thiếu một chai muối hạt giã nhuyễn với ớt tươi, xà phòng mang bên hông để chống vắt. Lâu lâu, phát hiện vắt bu vào chân, bà Kho dùng cái cây chấm dung dịch này rồi quét vào con vắt.

"Sên vắt, muỗi cắn rồi bị ngã là chuyện thường rồi", bà Kho cười to kể. "Ngày trước cây trẩu rất hiếm, đi từ sáng sớm đến tối muộn nhưng nhặt không được bao nhiêu hạt, chỉ được 2-3kg", bà Kho nói.

Hạt nhặt về, hai vợ chồng phơi khô rồi tích trữ dần dần. Tháng 9 - 10 hằng năm, khi những hạt mưa đầu mùa rơi xuống, ông Ổ mang hạt khô ra đổ xuống suối, hạt nào trôi theo dòng nước thì bỏ, hạt lặn xuống đáy thì nhặt lên mang đi trồng.

Cả hai vợ chồng kiên trì ngày này qua tháng nọ, vợ nhặt hạt, chồng gieo trồng. "Phát hết lau lách, bụi rậm, cứ ba hạt tôi đào một lỗ để ba cây non nương tựa nhau trước gió mà sinh sôi", ông Ổ nhớ lại.

Cây trẩu cứ như vệt dầu loang, mở rộng dần ra 1-2ha mỗi năm, từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác. Đi nhặt hạt và trồng rừng 7 năm liền, khi diện tích đủ rộng để chăn thả trâu bò, ông trồng ít rừng lại. Đến nay, cây trẩu lớn tuổi nhất có đường kính 30 - 40cm.

Nhờ rừng trẩu, đàn trâu có chỗ che chắn, từ 15 con ban đầu sinh sôi lên 70 con lúc cao điểm. "Bố là người nuôi nhiều trâu nhất xã - ông Ổ tự hào - Nhà bố có 8 con, 2 trai, 6 gái. Phải nuôi chúng nó ăn học thành người nên phải cố gắng làm lụng".

Đến nay, 7 người con đầu đều học hết bậc phổ thông, con gái út đang học lớp 12. Đó là thành tích đáng nể mà không phải gia đình người Vân Kiều nào ở miền tây Quảng Trị cũng có thể đạt được.

Ông rất tích cực trong bảo vệ rừng, mùa hè thì chữa cháy, mùa mưa thì tuần tra. Ban quản lý và huyện từng nhiều lần tặng ông giấy khen.
Anh NGUYỄN HỮU XUÂN

Chung tay giữ rừng cho con cháu

Đến năm 2007, bản làng cũ trở thành lòng hồ thủy lợi thủy điện Rào Quán, ông đưa cả gia đình lên ở hẳn trên đỉnh đồi Cu Vơ. Ngoài trồng rừng ở khu vực đất trống đồi trọc, quanh nhà ông Ổ còn rất nhiều diện tích rừng tự nhiên. Từ năm 1998 - 2021, ông là thành viên tổ bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông.

Thấy gia đình ông Ổ lên đây khai hoang ruộng lúa màu mỡ, đàn trâu béo tốt, nhiều gia đình Vân Kiều khác cũng lũ lượt kéo lên Cu Vơ dựng nhà, vỡ đất làm ruộng. Dân số tăng dần, đỉnh điểm lên 75 hộ. Kéo theo đó, áp lực với rừng cũng tăng lên, nhiều thanh niên vào rừng đốn cây để về làm nhà.

"Bố đi đến từng nhà kể lại câu chuyện trồng rừng che chắn gió mới có thể tồn tại được trên đỉnh ngọn đồi hoang Cu Vơ cho mọi người nghe, rồi dẫn họ ra trước gió để biết được tác hại của chặt cây, phá rừng" - ông Ổ nhớ lại việc vận động người dân không đốn cây, không phá rừng.

Những ngày đầu nhiều người không tin tưởng, có ý muốn phản đối. Bản tính sống dựa vào rừng, không vào rừng đốn cây thì lấy gì để dựng nhà, nhiều người lập luận. Dù vậy, ông Ổ vẫn kiên trì thuyết phục. 

Ông đưa ra những câu chuyện sinh động, những dẫn chứng cụ thể từ chính công cuộc chinh phục đồi gió Cu Vơ của bản thân, mọi người dần tin tưởng vào lời ông, tìm cách khác để dựng nhà.

Không chỉ thế, ông còn vận động người dân trồng thêm trẩu. Bản làng mới lập, thiếu màu xanh của cây cối, ông nói người dân vào rừng trẩu của ông nhặt hạt về trồng quanh nhà, quanh vườn rồi dần mở rộng ra.

Nhiều gia đình nghe theo ông, nhờ thế mà sau này có một nguồn lợi lớn hằng năm từ hạt trẩu. Khoảng 4 năm trở lại, hạt trẩu được thương lái thu mua với giá từ 7.000 - 9.000 đồng/kg hạt tươi. Từ tháng 7-9 hằng năm, người dân vào rừng nhặt hạt trẩu, mỗi mùa cũng thu về hơn chục triệu đồng.

"Con đã lớn, chúng tự lập hết rồi. Gia đình bố không thiếu cái ăn nữa. Rừng trẩu của bố trồng lên, theo tập quán của người Vân Kiều thì chỉ có bố mới được nhặt hạt, nhưng bố vẫn vui vẻ mời bà con vào nhặt hạt", ông Ổ cười xòa khi nói về việc chia sẻ nguồn lợi từ rừng trẩu.

"Nhiều người đến muốn mua rừng trẩu nhưng bố không bán, bố muốn giữ rừng cho con cháu", ông Ổ bộc bạch. Hiện 12ha rừng trẩu trở thành rừng cộng đồng của thôn.

Ông Ổ còn vận động người dân không lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm nương rẫy: "Ruộng của mình một sào thì mình làm một sào, đừng mở rộng thêm, đừng lấn đất nhà nước".

Anh Nguyễn Hữu Xuân, nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Hướng Phùng, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, cho hay già làng Ổ là một điển hình làm kinh tế khu vực này, cũng là một tấm gương trong bảo vệ rừng. "Ông rất tích cực trong bảo vệ rừng, mùa hè thì chữa cháy, mùa mưa thì tuần tra. Ban quản lý và huyện từng nhiều lần tặng ông giấy khen. Đến nay, tuổi cao nên ông được cho nghỉ", anh Xuân cho hay.

Từ năm 2020 - 2021, đồi Cu Vơ với những ngọn gió cuốn bay đi tất cả được nhiều dự án điện gió về đầu tư, xây dựng. Hiện nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động như Phong Huy, Phong Liệu... đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Quảng Trị.

Trẩu là cây gỗ trung bình, đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, có thể lấy nguyên liệu trong thời gian ngắn, sớm tạo thu nhập cho người trồng.

Quảng Trị có 2.950ha rừng trẩu, mỗi năm cho khoảng 1.000 tấn hạt. Từ nay đến 2026, Quảng Trị phấn đấu trồng mới 500ha trẩu mỗi năm, thu nhập từ hạt trẩu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.

Giữ mái nhà an toàn cho voi rừngGiữ mái nhà an toàn cho voi rừng

Với người dân sống quanh Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thuộc huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), những chú voi giờ đây đã là bạn, là báu vật thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Người dân từ chỗ xâm hại, xua đuổi thì nay đã cùng tham gia bảo vệ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên