15/06/2022 12:23 GMT+7

Mẹ rừng: Giữ gìn cho cả mai sau

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TTO - Xúc động là cảm giác đầu tiên, trùm phủ khi người viết xem xong bộ phim tài liệu dài 22 phút do My Vietnam thực hiện. Phim có tên 'Mẹ rừng', nói về cuộc sống người Cơ Tu - một trong những dân tộc ít người cư trú lâu đời ở tỉnh Quảng Nam.

Mẹ rừng: Giữ gìn cho cả mai sau - Ảnh 1.

Điệu múa Da Dăh của người Cơ Tu trong phim Mẹ rừng. Phim sẽ được phát trên YouTube hôm nay (15-6) và sẽ được chiếu ra mắt tại Tây Giang, Quảng Nam nhân sự kiện Ngày hội văn hóa Cơ Tu diễn ra từ ngày 17 đến 19-6 - Ảnh cắt từ phim

Xúc động hơn khi biết phim được quay trong đúng giai đoạn thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh căng thẳng, mọi thứ phải tinh gọn, tiết chế...

Mẹ rừng của đạo diễn Hoàng Linh lấy bối cảnh miền núi Tây Giang, nơi có cộng đồng dân tộc sống hòa hợp với thiên nhiên từ bao thế kỷ. 

Người Cơ Tu không chỉ yêu rừng, yêu cây mà còn xem rừng là "Mẹ", là cội nguồn sự sống; đã hy sinh không ít xương máu để bảo vệ mảnh đất đại ngàn, đóng góp những giá trị vô cùng quý báu làm nên tính đa dạng của bản sắc văn hóa Việt. 

Văn hóa Cơ Tu là văn hóa gắn liền rừng, tha thiết yêu rừng; và điều đó làm người xem xúc động, đặc biệt trong bối cảnh rừng tự nhiên ở nước ta đang suy giảm nghiêm trọng do sự tàn phá tham lam, ích kỷ, vô lương tâm. Ngay từ cái tựa, các tác giả đã muốn nhấn mạnh tình yêu, trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ rừng.

Phim tài liệu “Mẹ Rừng” - Nguồn: My Vietnam

Không quy mô đồ sộ như có thể, không mang tính sử thi, nghiên cứu dân tộc học, Mẹ rừng là bài thơ dịu ngọt về sự gắn kết giữa thiên nhiên với con người. 

Phim được quay rất đẹp, đặc biệt các toàn cảnh đại ngàn thăm thẳm, các đặc tả chim muông hoa lá...; cho thấy những người làm phim phải thật sự yêu quý, đồng cảm với nhân sinh quan của đối tượng mình quan sát. 

Ở đây là sự trân trọng, bảo tồn thiên nhiên của người Cơ Tu, thông qua những chia sẻ chân chất của các già làng, dân chúng: "Tất cả mọi thứ trong rừng đều liên quan đến đời sống con người", "Cây cối đại diện thần linh", "Người Cơ Tu chỉ dùng cây ngã đổ để làm quan tài. Bà con giữ gìn rừng cho con cháu mai sau", "Con người và tự nhiên là anh em, sống hài hòa với nhau. Rừng mất con người cũng suy vong".

Với quan niệm "vạn vật hữu linh", từ xa xưa, người Cơ Tu đã truyền dạy con cháu phải luôn biết ơn và trân trọng rừng. Với họ, giữ rừng là văn hóa truyền đời, tự nhiên như đạo đức. 

Chỉ với hơn 22 phút phim, Mẹ rừng đã làm nổi bật tinh thần đó thông qua lễ Tạ ơn rừng trong năm mới, qua ngôn ngữ, nhân dáng, màu sắc, hình ảnh thiên nhiên ưu đãi con người... Bằng những cú máy khoáng đạt, bay bổng của phim, người xem như được hòa nhập vào các sinh hoạt ấm áp của đồng bào Cơ Tu, vào thiên nhiên bát ngát của rừng núi Tây Giang. 

Bên cạnh văn hóa giữ rừng, Mẹ rừng - như điệu múa Da Dăh nhẹ nhàng nhưng vững chãi - còn giúp người xem hiểu thêm về cuộc sống, phong tục, văn hóa truyền thống của người Cơ Tu - một văn hóa đáng yêu, đáng cảm phục.

Mẹ rừng: Giữ gìn cho cả mai sau - Ảnh 3.

Hậu trường một cảnh quay phim Mẹ rừng - Ảnh: My Vietnam

Ngôn ngữ và nhiều hình ảnh chân thật của phim khiến người xem rung cảm sâu sắc với tác phẩm, với tinh thần tài liệu của phim. Chính vì rung cảm chân thật đó, người viết lấy làm tiếc khi vài kỹ thuật hình ảnh duy lý nhằm tăng hiệu ứng đã lệch khỏi cảm xúc tài liệu, cảm xúc an nhiên tĩnh tại người xem đang thưởng thức; ảnh hưởng tính thống nhất phong cách nghệ thuật tiên khởi. 

Nếu tiết chế tìm tòi duy lý, bớt câu thúc thông điệp đầu phim; những hình ảnh áp kết có lẽ gây cảm xúc mượt mà hơn, đọng lại trong ký ức lâu hơn so với cái kết đang có.

Dù sao đó chỉ là chút tiếc nuối cá nhân, chủ quan, hoàn toàn có thể hiệu đính. Mẹ rừng, với tư cách một bộ phim chân thực, trau chuốt đã hoàn thành đẹp đẽ sứ mệnh lan tỏa tình yêu, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau. Là bộ phim, khán giả hơn một lần muốn xem lại...

Đây có lẽ là bộ phim tài liệu đầu tiên của Việt Nam sử dụng toàn bộ tiếng Cơ Tu - đặc điểm nổi bật nhưng cũng là thử thách lớn đối với đoàn phim khi đối mặt rất nhiều rào cản ngôn ngữ.

Việc sử dụng toàn bộ tiếng Cơ Tu trong phim như bản sắc, linh hồn của một dân tộc cũng là chọn lựa nghệ thuật khiến Mẹ rừng, ngoài giá trị tư liệu quý cho thế hệ trẻ Cơ Tu, lưu giữ văn hóa dân tộc, còn tạo nên cảm xúc chân thật nơi khán giả.

'Sao mình cũng người Cơ Tu mà không biết về văn hóa dân tộc mình?'

TTO - Với bà con, đặc biệt là các bạn trẻ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, Trần Thị Một là thủ lĩnh Đoàn nhiệt huyết - người truyền lửa cho họ giữ hồn văn hóa Cơ Tu đi cùng sự phát triển của xã hội.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên