24/02/2019 09:43 GMT+7

Người thầy thuốc 'sẽ được người Cơ Tu nhắc đến mãi mãi'

TRẦN MAI - THÁI BÁ DŨNG
TRẦN MAI - THÁI BÁ DŨNG

TTO - 37 năm làm thầy thuốc ở lưng rừng đỉnh núi, bác sĩ Thông thạo tiếng Cơ Tu như người bản địa sau một thời gian đi qua hết các bản làng khám bệnh.

Người thầy thuốc sẽ được người Cơ Tu nhắc đến mãi mãi - Ảnh 1.

Bác sĩ Thông (giữa) khám bệnh cho ông A Rấc Tùng - Ảnh: TRẦN MAI

Huyện phải cảm ơn bác sĩ Thông rất nhiều. Sự sâu sát, gần dân và yêu thương người khác của ông sẽ còn được người Cơ Tu nhắc đến mãi mãi.

Ông Bh’riu Liếc (bí thư Huyện ủy Tây Giang)

“Ring ring ring...”, nghe tiếng chuông báo hiệu vang lên, bác sĩ Nguyễn Huy Thông (giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, Quảng Nam) lao ra khỏi phòng làm việc để xuống ngay phòng bệnh, đặt ống nghe y tế vào lồng ngực bệnh nhân A Rấc Tùng (74 tuổi, xã A Vương, huyện Tây Giang).

Ông trao đổi với bệnh nhân bằng tiếng Cơ Tu, nhanh chóng đưa ra can thiệp y khoa giúp hơi thở đứt đoạn của ông Tùng được phục hồi. "Ông cụ bị viêm phổi mãn tính, sức khỏe cực yếu, không can thiệp kịp là toi..." - bác sĩ Thông nói.

Cuộc chia tay và lời hứa quay lại

Ông Tùng ổn trở lại cũng đã quá trưa, ăn vội chén cơm, bác sĩ Thông tiếp tục theo đoàn khám chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí thẳng về biên giới, nơi những người dân xã Ch’Ơm đang chờ mình. 

Trước khi đi, ông đi dọc qua các phòng bệnh, hỏi thăm từng bệnh nhân, căn dặn anh em nhân viên những ca bệnh khó rồi dặn dò: "Chú ý kỹ, hỏi thăm liên tục tiến triển bệnh của họ nhé".

37 năm làm thầy thuốc ở lưng rừng đỉnh núi, bác sĩ Thông thạo tiếng Cơ Tu như người bản địa sau một thời gian đi qua hết các bản làng khám bệnh. 

Từ Z’lao (xã Dang), Aur (A Vương) đến các thôn Atu 1, Ch’nóc (xã biên giới Ch’Ơm), người dân đều kể về bác sĩ Thông như một sử thi của đồng bào mình và dành những tình cảm quý báu nhất cho ông.

Hơn 30 năm trước, ở xã Bha Lêê diễn ra một cuộc chia tay đẫm nước mắt ở lưng chừng núi giữa người dân và một y sĩ trẻ tên Thông. Đó là ký ức đẹp nhất mà người thầy thuốc này mang theo cả đời mình. Bác sĩ Thông kể ngày đó ông lên Bha Lêê công tác với nhiệm vụ xóa bệnh tật bằng y học thay vì thầy cúng.

Sau hai năm, đôi tay người thầy thuốc trẻ đã giúp thay đổi nhận thức của người dân. Rồi cấp trên điều động ông rời khỏi cơ sở, xuống phố học để nâng cao chuyên môn. Ngày anh y sĩ rời đi mưa phủ ngang núi, già trẻ người Cơ Tu ở Bha Lêê đứng dọc đường đưa tiễn. 

"Tôi vẫn còn nhớ trên tay ai cũng cầm nải chuối hoặc nắm rau rừng tặng tôi. Người làng khóc, tôi cũng khóc, cuối cùng tôi phải nói bà con để tôi về phố học cho hoàn thành nhiệm vụ, sau này sẽ trở lại Tây Giang" - bác sĩ Thông kể.

Người Cơ Tu thật thà, tình cảm của họ cũng nguyên sơ như cây rừng, khi đã quý mến một con người thì luôn rộng vòng tay chào đón. Bác sĩ Thông hiểu rõ điều đó, lời hứa ra đi để trở lại nơi đỉnh dốc Bha Lêê đã gắn cuộc đời ông mãi với biên thùy. Đến bây giờ, ông vẫn kể lại câu chuyện ấy như một phúc phận của đời mà mình có được...

Cả đời với vùng biên viễn

Ngày cứ đến và đêm cứ xuống, người thầy thuốc trẻ ngày nào giờ tóc đã lún phún sương. Chừng ấy thời gian đủ cho một bác sĩ hiểu rõ nỗi cực khổ của miền biên viễn. Vùng biên giới Tây Giang hơn 10 năm trước là sự cách trở khủng khiếp, những con đường không nối được tới bản làng. 

Mỗi lần nghe có người bệnh nặng, bác sĩ Thông lại vạch rừng lội bộ vào làng cấp cứu. "Có khi mình đang đi vào làng thì người dân vừa khiêng người bệnh ra, thế là cấp cứu ngay giữa rừng" - bác sĩ Thông chia sẻ.

Rồi có những lúc hai lái xe của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đều bận chở bệnh nhân lên tuyến trên cấp cứu trong khi một ca cấp cứu mới vừa được thông báo ở tít tận xã A Xan, chẳng còn cách nào khác, bác sĩ Thông phải đi mượn xe rồi tự lái về phía biên giới để cứu người.

Những chuyến xuyên rừng, tự lái xe đi cứu người ông chẳng nhớ hết vì đó là trách nhiệm, chứ không phải là thành tích để mang ra kể. 

Ông nói vui rằng ở biên giới, làm nghề cứu người thì phải đa năng, bác sĩ không chỉ thực hiện một chuyên môn mà phải "đa khoa" - từ nội đến ngoại (khoa) đều phải biết. "Thậm chí lái xe, khiêng cán, vận dụng lá rừng... đều phải thuần thục, có cách nào cấp cứu được là phải làm" - ông nói.

Xã A Xan cách Trung tâm Y tế huyện Tây Giang 35km, nhưng đi ôtô cũng phải mất hơn hai giờ mới đến nơi, việc cấp cứu sẽ không kịp nếu chờ xe từ trung tâm huyện lên. Vì vậy, nhiều năm rồi, bác sĩ Thông biến trạm y tế xã A Xan và xã Ch’Ơm thành trạm "trung chuyển" người bệnh. 

Ở đây, khi tiếp nhận bệnh nhân khiêng cáng từ rừng ra phải sơ cứu và cấp cứu ngay trong lúc chờ bác sĩ và xe cứu thương đến nơi đưa họ về Trung tâm Y tế tiếp tục cứu chữa. Để có được trang thiết bị và thuốc men cơ bản nhất cho việc cấp cứu, ngoài việc cấp phát của ngành, bác sĩ Thông còn phải vận động các công ty dược, vật tư y tế giúp đỡ.

"Những tấm lòng chung đã giúp các trạm y tế A Xan, Ch’Ơm có được trang thiết bị tốt hơn. Nhờ đó mà ngành y tế của huyện đã tận dụng thời gian vàng để cứu chữa tốt nhất cho bệnh nhân" - bác sĩ Thông chia sẻ.

Rất nhiều chuyện về bác sĩ Thông được người dân ở Tây Giang truyền miệng. Họ xem ông như ân nhân. Nhiều đứa trẻ chào đời xem ông như cha. Mới đây nhất vào tháng 8-2018, sản phụ Tơ Ngôl Thị Xuân Lưu (thôn Arầng 1, xã A Xan) vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. 

Chị Lưu mang thai lần thứ 2 với thai kỳ 39 tuần, có tiền sử sinh mổ cách đây 9 năm. Theo quy định, sản phụ có tiền sử sinh mổ nguy cơ vỡ tử cung rất cao, phải được chuyển về bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh phẫu thuật cấp cứu. 

Tuy nhiên, nếu chuyển về tuyến trên sẽ có nguy cơ vỡ tử cung dọc đường đe dọa đến tính mạng cả sản phụ và con, nên một cuộc hội chẩn khẩn cấp được thực hiện để bác sĩ Thông quyết định mổ tại chỗ. "Tôi và êkip trực đã quyết định phẫu thuật tại trung tâm. Ca phẫu thuật thành công, đã cứu sống được sản phụ và con mà không phải chuyển lên tuyến trên" - bác sĩ Thông nói.

Người thủ lĩnh của y tế Tây Giang giờ không còn khỏe như xưa, nhưng ông luôn sắp xếp thời gian để có thể vào làng thăm khám sức khỏe cho người dân mỗi tuần. Với ông, công tác phòng bệnh vẫn được đặt lên hàng đầu. 

Song song với khám bệnh, ông luôn căn dặn người làng ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường, ngủ phải bỏ chăn mùng... Những chăm sóc nhỏ dành cho người dân Cơ Tu đã để lại sự yêu quý ông trong lòng họ...

Tất cả vì người bệnh

Ngoài chữa bệnh cho người Việt, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang còn khám chữa bệnh cho người Lào.

Năm 2017 là hơn 600 bệnh nhân, năm 2018 là hơn 400 bệnh nhân. 100% chi phí chữa bệnh đều được miễn phí cho người dân nước bạn. Ngoài khám chữa bệnh, bác sĩ Thông còn đi xin thuốc cho người bệnh, xin giường cho người nhà của họ.

nguoi thay thuoc cua bien thuy (5) 3(read-only)

Bác sĩ Thông và tủ đồ miễn phí dành cho bệnh nhân nghèo ở Trung tâm Y tế huyện Tây Giang - Ảnh: TRẦN MAI

Trong Trung tâm Y tế Tây Giang còn có tủ đồ miễn phí phục vụ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Một bếp ăn miễn phí vừa được thành lập. Với những đóng góp lớn cho y tế miền núi, bác sĩ Thông nhận nhiều bằng khen và kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế, bằng khen của UBND tỉnh cùng nhiều danh hiệu khác. Năm 2017, ông được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Hào hùng trang sử biên thùy Hào hùng trang sử biên thùy

TT - Năm tập phim đầu tiên của bộ phim Những trang sử biên thùy sẽ lên sóng HTV9 từ 14g ngày 3 đến 7-3 trên HTV9, đúng dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập lực lượng Bộ đội biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2014) và 25 năm Ngày biên phòng toàn dân.

TRẦN MAI - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên