(Kính tặng thầy thuốc: Lê Đình Nhượng – nhà thuốc Quý Nhân. Địa chỉ: Thị Tứ – Gốm – xã Đồng Tiến – huyện Triệu Sơn – tỉnh Thanh Hóa)
Ở bài viết này tôi không thể chuyển tải hết những điều ấy, tôi chỉ muốn kể về cuộc đời một con người đã sống cho lý tưởng vì nhân dân, vì đồng đội... một công việc thầm lặng mà chứa đựng tất cả tấm lòng, ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Mầm thiện nhú chồi, nghề thuốc ăn sâu vào máu thịt của ông ngay từ thuở bé khi ông lân la theo người chú ruột làm nghề thuốc Đông Y gia truyền để thỏa trí tò mò, xem thuốc, biết thuốc rồi thích thuốc, đam mê nghề thuốc lúc nào không hay. Thế nên, 10 tuổi thôi, hầu hết tên mặt các vị thuốc Nam, Bắc ông đã thuộc nằm lòng.
Từ niềm yêu thích để đi đến quyết tâm học nghề có thể phải nói đến biến cố trong làng ông có nhiều người nghèo ra đi vì bệnh tật, cũng vì lẽ đó mà bố của ông đã qua đời lúc ông mới lên 6, mẹ cũng bỏ ông về với tổ tiên khi ông bước vào tuổi 12.
Ngày đó trái tim con trẻ cũng chưa hiểu biết nhiều nhưng nỗi đau cha mẹ mất sớm vì bệnh tật đã ám ảnh ông, cộng với tâm nguyện cuối cùng của người mẹ yêu dấu khi muốn ông sẽ trở thành thầy thuốc đã thôi thúc ông quyết tâm học nghề.
Đói cơm, thiếu áo, thiếu tình cảm ập đến xối xả không khuất phục được ý chí, nghị lực của ông. Người chú ruột thấy cháu có chí nên cố công rèn giũa, tận tâm truyền nghề Đông Y gia truyền cho ông.
Với nghĩa tình của anh chị, làng xóm cưu mang ăn học, ông đã cố gắng vừa học tốt văn hóa, vừa rèn giũa để học thuốc. Những dược tính của các vị thuốc, những công thức về các bài thuốc, cách chẩn đoán, bắt mạch ông nắm bắt rất nhanh và thấm nhuần sâu sắc trong tâm hồn. Khi chú ruột qua đời, ông khăn gói theo di chúc đi tìm thầy Lý Minh Tường – bạn đồng nghiệp của chú để xin học thêm nghề thuốc.
Thế nhưng, gác ước mơ trở thành thầy thuốc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, ông về đơn vị C150 trinh sát kỹ thuật – Quân đoàn 3 – Tình báo Quốc phòng chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc.
Những trang nhật ký của ông thấm đẫm máu, nước mắt của một thời oai hùng. Người lính ấy viết những dòng nhật ký ấy bằng nỗi đau tột cùng của sự mất mát hy sinh. Ông đau nỗi đau của đồng đội, bởi trong tất cả những nỗi đau đó có nỗi đau của ông. Nhìn đồng đội quằn quại trong đau đớn, thương lắm. Thế nên ông đã trăn trở, vận dụng những kiến thức Đông Y được truyền dạy, những kinh nghiệm dân gian từ cây lá rừng để chữa trị, làm vơi bớt đi những đau đớn của đồng đội.
Lật giở những trang nhật ký đau đáu với nỗi đau của đồng đội, tôi thấy hình ảnh ông trong những chuyến đi tìm cây thuốc để băng bó vết thương, để chữa bệnh sốt rét...
Sau khi non sông thu về một mối, ông trở về cuộc sống đời thường, xắn tay áo bước vào công cuộc xây dựng đất nước, lại chứng kiến biết bao bệnh tật của bà con quê hương. Trái tim khát khao được trị bệnh cứu nhân độ thế vẫn cháy bỏng, nên năm 1986 một lần nữa ông lại khăn gói lên cậy nhờ thầy Lý Minh Tường chỉ dẫn nghề thuốc và sau đó là học ở Tỉnh hội Đông Y Thanh Hóa.
Vừa học vừa thực hành nghề thuốc, đến tháng 1 năm 1989 ông bắt đầu độc lập nghề thuốc Đông Y. Ước mơ đã đạt, khát nước đã được uống. Nhưng ngày ấy khó khăn, hành trình để thực hiện nguyện vọng, mục đích, lẽ sống của ông cũng thật gian nan.
Ông bắt đầu đi tìm kiếm cây thuốc trong những cánh rừng ở xứ Thanh. Sau đó, năm 1990 ông quyết định trở lại chiến trường cũ. Nơi đây, ở Việt Đức 5 – Chư Quynh – Đắk Lắk, ông vừa lao động để sinh tồn, để có thêm kinh phí mua những vị thuốc, vừa cặm cụi đi đến những nơi rừng sâu để tìm nguồn thuốc bằng sự đam mê và trăn trở để sao chữa bệnh được cho nhiều người. Với người nghèo, ông chữa bệnh không lấy tiền.
Ngày tháng cứ trôi đi, ông đã sống cùng bà con nơi đây bằng tình người thân ái, bằng cái tâm của một người thầy thuốc. Hàng ngàn bệnh nhân mang trong mình nhiều căn bệnh đã tìm đến để được ông trị bệnh.
Vẫn đau đáu một tấm lòng với quê hương. Năm 2001, ông đã về quê nhà Thanh Hóa. Bằng sự tâm huyết và kinh nghiệm suốt nhiều năm làm nghề thầy, về quê ông đã chữa trị cho biết bao trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh. Những viên thuốc nghĩa tình, những lời thăm hỏi, căn dặn ân cần cách phòng ngừa, trị bệnh làm dịu bớt nỗi đau của những người bệnh. Cuộn gói trong từng thang thuốc ấy là tình thương yêu đồng loại, là uy tín và tấm lòng từ mẫu, lấy đức làm trọng, lấy nhân nghĩa làm lẽ sống, lấy sự an lành của người bệnh làm niềm vui.
Những năm sau đó, đơn vị C150 – Tình báo Quốc phòng tổ chức gặp mặt nhau vào dịp lễ 30–4 hàng năm ở Hà Nội. Ông trăn trở, khắc khoải biết bao đêm không chợp mắt được, bởi lẽ còn nhiều đồng đội của ông đến giờ vẫn phải chống chọi với những vết thương, những di chứng của chiến tranh để lại mà “Không trái gió, chẳng trở trời. Vết thương không loại một thời vẫn đau” và nhiều căn bệnh khác cứ bủa vây lấy cuộc sống.
Thế rồi, ông đến với đồng đội, với nhịp đập của con tim, sự thôi thúc của lương tri, tấm lòng người thầy thuốc, hơn hết đó là tình đồng chí, đồng đội khi hoạn nạn, khó khăn luôn có nhau.
Có lẽ trời sinh ra ông để làm nghề thầy thuốc. Trong suốt những năm làm thuốc, ông sống trong thuốc, ngủ trong thuốc, trăn trở với những căn bệnh.
Hiện nay, ở cái tuổi hơn 60, tôi vẫn thấy ông hăng hái đi đến hội Đông Y huyện, tỉnh để tham gia những buổi sinh hoạt, các hội thảo, chia sẻ những kinh nghiệm chữa bệnh hay, quý báu, tham gia các lớp học và hàng loạt chương trình của hội để đến khám cho những người dân nghèo. Đồng thời, hàng ngày vẫn cần mẫn khám chữa bệnh cho hàng chục lượt bệnh nhân tại nhà.
Không nhiều hình ảnh, bằng khen, giấy khen nhưng với ông phần thưởng, niềm vui, món quà quý giá nhất chính là nụ cười trên khuôn mặt mỗi bệnh nhân được ông chữa khỏi bệnh. Ông thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với người thầy thuốc là phải luôn nâng cao trình độ chuyên môn và y đức.
Ông không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm để giúp đời, giúp người. Tâm nguyện của người mẹ đã được ông thực hiện và bản thân ông cũng thỏa tấm lòng suốt đời sống vì điều nhân nghĩa.
Cảm động trước tài năng và nhân cách của ông, người em của đồng đội Trần Huy Biên là Trần Huy Thắng - quê ở Hải Dương - đã xin được làm học trò của ông. Hiện nay, vợ ông là cô giáo Lê Thị Ngoạn cũng xắn tay phụ ông làm thuốc, người con trai cả là Lê Đại Hồng cũng nối nghiệp cha, bởi cả cuộc đời ông là tấm gương để những đứa con hiểu tính nhân sinh và sự cao quý của nghề chữa bệnh cứu người.
Những trang đời của người lính, người thầy thuốc ấy cũng chính là người cha vô cùng tôn kính của tôi, đã - đang và mãi là hành trang nâng bước chân con trong mỗi chặng đường, dạy con biết lựa chọn, hành động đúng đắn, luôn rèn luyện, học nữa, học mãi... và cái tâm biết sống vì người khác, sao cho xứng đáng với quá khứ, hiện tại và tương lai - “hãy cho đi những nụ cười, ta sẽ nhận được gấp ngàn lần những niềm vui”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận