06/07/2020 09:53 GMT+7

'Sao mình cũng người Cơ Tu mà không biết về văn hóa dân tộc mình?'

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Với bà con, đặc biệt là các bạn trẻ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, Trần Thị Một là thủ lĩnh Đoàn nhiệt huyết - người truyền lửa cho họ giữ hồn văn hóa Cơ Tu đi cùng sự phát triển của xã hội.

Sao mình cũng người Cơ Tu mà không biết về văn hóa dân tộc mình? - Ảnh 1.

Chị Một (trái) tham gia một buổi tập huấn hướng dẫn pha màu dệt thổ cẩm - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Sự nhiệt tình của chị Một đã làm đổi thay thanh niên trong thôn. Tỉ lệ lập gia đình sớm giảm hẳn, nhiều bạn trẻ tích cực tham gia hoạt động xã hội với chi đoàn, thực hiện nhiều hoạt động xã hội, giúp ích cho quê hương.

Bùi Văn Quang (19 tuổi, đoàn viên thôn Giàn Bí)

Tuy còn trẻ tuổi nhưng Một rất năng nổ và có quyết tâm lớn giữ gìn bản sắc văn hóa Cơ Tu. Những nỗ lực của Một trong việc phục dựng dệt và điệu múa truyền thống đã góp phần rất lớn cho phát triển du lịch của địa phương.

Bà Bùi Thị Ga (chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Bắc)

Trần Thị Một (28 tuổi) là người con đầu tiên của đồng bào Cơ Tu ở Đà Nẵng vừa vinh dự nhận danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2020.

Mang khái niệm hoạt động Đoàn về bản

Từ năm 2017 trở về trước, nói đến hoạt động Đoàn là thanh niên trong làng xua tay. Hoạt động Đoàn không làm ra bắp ngô, hạt lúa. Thôn Giàn Bí hầu hết là người Cơ Tu, thanh niên trong làng bỏ học đi rẫy sớm, cưới vợ gả chồng từ khi tuổi còn rất nhỏ.

Từ năm 2017, Một đảm nhận chức vụ phó bí thư chi Đoàn thôn Giàn Bí, ngày ngày lặn lội đường núi đến gặp từng thanh niên, vận động các bạn trẻ tham gia hoạt động Đoàn. 

Những buổi sinh hoạt Đoàn đầu tiên được tổ chức nhưng vẫn khó kết nối được với thanh niên. Chị bắt đầu tổ chức những hoạt động thiện nguyện trong xã, từ dọn vệ sinh đường làng ngỏ xóm, trồng hoa bên đường, cải tạo nhà sinh hoạt cộng đồng, thu gom ve chai bán gây quỹ... 

Số tiền bán ve chai được dùng để làm kinh phí tổ chức các buổi sinh hoạt Đoàn.

Từ những buổi sinh hoạt Đoàn không phải đóng phí, thanh niên thoải mái tham gia hơn. Qua những lần gặp gỡ, Một động viên người trẻ cố gắng học hành để sau này có công việc ổn định, không phải cực khổ lên rẫy lên nương, đi sớm về tối; học để lo cho con cái sau này đỡ cực. 

Thấy tỉ tê trong các buổi sinh hoạt gặp khó vì các bạn trẻ ngại ngùng, Một bỏ tiền túi mời các bạn ra quán nước, từng người thoải mái nói ra suy nghĩ của mình. 

Cũng chính những cuộc trò chuyện, tâm sự đó, chị nắm rõ tâm tư của các đoàn viên, người trẻ trong thôn làng. Một trở thành đầu mối chia sẻ tâm tư với người trẻ.

Nay thôn Giàn Bí đã có khoảng 20 đoàn viên hoạt động sôi nổi. Nhìn trẻ em Cơ Tu không có nhiều điều kiện vui chơi, học tập, giải trí, Một lặn lội đi quyên góp từng đồng bạc lẻ để gây quỹ tổ chức các hoạt động vui chơi, trao quà cho trẻ vào những ngày lễ tết, động viên các em học tập. Những việc làm của chị nhận được sự chung sức của đoàn viên, thanh niên trong thôn.

Giữ hồn văn hóa Cơ Tu trong lớp trẻ

Hai thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) vốn có vẻ đẹp hoang sơ và khí hậu mát mẻ, nổi tiếng với suối Vũng Bọt và Khe Đương. Nhưng phong cảnh hữu tình chưa đủ để níu chân du khách. Một bảo rằng chính những giá trị văn hóa ngàn đời của người Cơ Tu mới là nét đẹp giữ chân du khách. 

Cùng với những nỗ lực đầu tiên của chính quyền nơi này, chị là người tiên phong trong việc phục dựng những nét văn hóa Cơ Tu đặc sắc vốn đã bị mai một dần.

Một nhớ lại: "Năm 2017, một lần lên Tây Giang (Quảng Nam) tham dự liên hoan văn hóa người Cơ Tu, nhìn đồng bào Cơ Tu ở đây "sống" với văn hóa của họ, tôi tự hỏi vì sao mình cũng là người Cơ Tu mà không biết về văn hóa dân tộc mình".

Rồi Một bắt đầu học múa, tìm hiểu về dệt thổ cẩm của người Cơ Tu. Năm 2018, Một được bầu làm tổ trưởng tổ múa, điệu "tung tung da dá" truyền thống của đồng bào Cơ Tu dần sống lại cùng nhiệt huyết của người con gái trẻ. 

Không chỉ dạy múa cho bà con trong thôn, hằng đêm khi bóng tối phủ mịt mùng núi, Một xách xe máy chạy qua hơn chục cây số xuống tận các trường học để dạy múa, dạy hát tiếng Cơ Tu cho học sinh.

Điệu múa truyền thống được nhiều người con Cơ Tu ở vùng núi Hòa Bắc biết đến không chỉ qua các lễ hội, người Cơ Tu mang "vũ điệu dâng trời" này đi biểu diễn ở các hội thi, chương trình lớn để quảng bá. Vũ điệu "tung tung da dá" được kết nối với các homestay, biểu diễn phục vụ du khách.

Cùng với trải nghiệm văn hóa qua điệu múa, du khách đến xã Hòa Bắc còn được trải nghiệm ẩm thực và dệt thổ cẩm. Khác với những năm trước, nay đến thôn Giàn Bí đã nghe tiếng khung dệt rộn ràng khắp thôn bản. 

Những ngày cuối tuần, không khí càng vui hơn khi bà con tập trung ở nhà Gươl dệt và hướng dẫn du khách trải nghiệm. 

"Tôi mừng lắm vì ngày càng có thêm nhiều người biết đến văn hóa, biết đến bản làng. Những người trẻ cũng hiểu và mong muốn gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người Cơ Tu"- chị Một bộc bạch.

Khôi phục nghề dệt thổ cẩm

Ý tưởng khôi phục nghề dệt thổ cẩm của chị Một được UBND xã Hòa Bắc ủng hộ. Giáo viên người Cơ Tu ở Tây Giang được mời xuống dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho chị em. Năm 2018, tổ hợp tác dệt thổ cẩm Cơ Tu ra đời. Tổ dệt không chỉ thu hút các đoàn viên nữ mà các chị, các mẹ trong thôn cũng hăng hái tham gia.

Nghề dệt thổ cẩm vốn vất vả đã bị mai một từ lâu. Phụ nữ trong thôn không mấy mặn mà. Học dệt đã khó, đi bán sản phẩm lại càng khó hơn, thu nhập không đủ để họ trang trải cuộc sống nên sau thời gian ngắn chị em đa phần bỏ ngang. Không để chị em bỏ nghề, Một lại kiên trì động viên, tìm cách kết nối du lịch trải nghiệm để bà con kiếm thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, Một tìm xin cơ chế kết nối đầu ra, tránh việc tồn đọng hàng khiến bà con chán nản. Dần dà, bà con hiểu giá trị của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, lại vừa sống được từ nghề nên càng thêm tin tưởng vào công việc mình làm. Một còn động viên chị em dệt may túi xách đi học cho học sinh, may tặng trang phục truyền thống cho học sinh để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Những người truyền lửa đọc sách Những người truyền lửa đọc sách

TTO - Thành viên của các câu lạc bộ (CLB) Sách và hành động như cánh tay nối dài của thư viện, giúp gia tăng lượt đọc - mượn thông qua nhiều hoạt động truyền thông độc đáo.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên