Các bạn trẻ xem clip trên YouTube của nhóm DAMtv - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Google, Facebook, YouTube đã chạy quảng cáo trên các chương trình do P. viết và trả cho P. hơn 41 tỉ đồng trong hai năm 2016-2017. Tính ra trung bình một tháng số tiền mà P. nhận được lên đến 1,7 tỉ đồng.
Thu nhập 20-30 tỉ đồng
Cũng theo Cục Thuế TP.HCM, khi được cơ quan thuế mời đến làm việc, P. cho biết có một nhóm xây dựng chương trình, đầu tư từ vài năm trước và mới có nguồn thu kể từ năm 2016-2017.
Họ khá ngỡ ngàng vì không biết rằng các khoản thu nhập được chi trả từ các tổ chức trên phải nộp thuế và cho biết "tại VN còn ít nhất 4-5 trường hợp khác cùng trong giới game có thu nhập tương đương hoặc khủng hơn, nhưng vì sao chỉ mình bị nộp thuế".
Một người khác có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam tên V.T. cũng có thu nhập 20-30 tỉ đồng từ Google, Facebook... chưa kê khai và nộp thuế nhưng không còn ở địa chỉ tạm trú tại TP.HCM, nên Cục Thuế TP.HCM đã chuyển hồ sơ về Cục Thuế tỉnh Quảng Nam để truy thu thuế.
Sau khi có thông tin truy thu thuế với hai trường hợp này, ghi nhận cho thấy trên mạng xã hội đã xuất hiện một số cảnh báo đến những trường hợp đang có các nguồn thu nhập tương tự về việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Càng nhiều view, càng nhiều tiền
Với một kênh trên trang YouTube, làm video chuyên về giới thiệu các sản phẩm, chương trình công nghệ đang hoạt động, chỉ sau hơn một năm, Q. (đề nghị không nêu tên) cho hay anh đã có lượng người đăng ký theo dõi hơn 100.000.
Số tiền kênh YouTube của Q. thu về trung bình 600 - 700 USD mỗi tháng. Theo Q., những kênh có lượng người đăng ký theo dõi hơn 1 triệu có thể kiếm được 6.000 - 12.000 USD mỗi tháng tùy lượng view (xem).
Không chỉ có các cá nhân tại Việt Nam, nhiều người Việt tại nước ngoài cũng kiếm bộn tiền từ các clip dạy nấu ăn trên YouTube. Như tài khoản V.K. chuyên dạy nấu ăn có những clip có đến 3,7 triệu view.
Hay một blogger chuyên về du lịch và ẩm thực có biệt danh K.L.T. đưa các clip lên YouTube đều có lượt truy cập vài trăm nghìn, có clip gần 1 triệu người xem. Các tài khoản được nhiều người theo dõi này đều được chạy quảng cáo và nhận được tiền.
Theo một chuyên gia mảng kinh doanh số, "với Google, cứ mỗi truy cập quảng cáo, người viết nội dung có thể kiếm 0,02 - 0,03 USD, tương đương 400 - 600 đồng. Còn với Facebook, khoảng 1.000 lượt xem bài Instant Articles có thể mang về 0,3 USD, tương đương 7.000 đồng. Tuy nhiên, con số này không bao giờ cố định mà còn tùy thuộc vào nội dung, thời điểm...".
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Duy Vĩ - giám đốc marketing Trung tâm lữ hành quốc tế Tugo, những hình thức kiếm tiền từ Facebook hay Google không dễ, đòi hỏi người muốn kiếm tiền phải sở hữu được nội dung (video, game, ứng dụng) chất lượng.
Nên rất nhiều bạn trong giới MMO sao chép lại nội dung có sẵn và đưa lên lại trên trang mình để kiếm tiền. Có người còn cố tình làm méo tiếng hoặc lồng thêm nhạc... vào video để qua mặt hệ thống quét bản quyền của Google...
Theo chia sẻ từ một số chuyên gia trong lĩnh vực, ngoài những chiêu thức kiếm tiền, nhiều cá nhân, tổ chức tại Việt Nam còn có chiêu "né" thuế. Đó là sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc các ví điện tử với các loại tiền ảo. Tại Việt Nam luôn có sẵn các cá nhân cung cấp dịch vụ mua bán để đổi từ tiền ảo sang tiền Việt, ngoại tệ...
PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO (trưởng khoa Tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM):
Nên mở rộng rà soát thuế
Từ vụ truy thu thuế Nguyễn Hà Đông nhiều năm trước, có thể thấy suốt thời gian dài vừa qua ngành thuế đã bỏ lơ với lĩnh vực "béo bở" là kiếm tiền trên mạng. Không nên chỉ dừng lại ở cấp Cục Thuế TP.HCM, Tổng cục Thuế ở cấp cao hơn nên đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước để mở rộng ra cả nước cũng như tạo cơ chế phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin cho ngành thuế.
Thúc đẩy trách nhiệm nộp thuế
Giám đốc một doanh nghiệp truyền thông tiếp thị số có trụ sở tại quận 3, TP.HCM ước tính số tiền các đại gia như Google, YouTube... trả cho các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam mỗi tháng lên đến hàng triệu USD. Trong đó một nửa thuộc về một công ty truyền thông đa kênh, một nửa còn lại chia cho các tổ chức, cá nhân.
Trong một trả lời công khai, đại diện Facebook tại Việt Nam từng cho biết Việt Nam có khoảng 50 triệu phú tự thân ở độ tuổi 19-20, kiếm tiền từ Internet. Thậm chí đại diện Facebook còn dẫn một ví dụ về trường hợp một bạn trẻ 19 tuổi nhưng đã thu về con số 100.000 USD mỗi tháng nhờ mô hình này.
Vừa qua, chỉ qua rà soát 4 ngân hàng, đã có trên 500 tỉ đồng được Google, Facebook trả cho các cá nhân tại Việt Nam (trong khoảng năm 2016-2017), tương tự như vậy với các tổ chức. Số cá nhân được nhận thu nhập từ các tổ chức trên qua rà soát tại 4 ngân hàng đã lên đến hàng ngàn người.
Chuyên gia Nguyễn Thái Sơn đặt vấn đề từ trường hợp truy thu 4,1 tỉ đồng một cá nhân, nếu mở rộng rà soát tại tất cả ngân hàng trên cả nước sẽ ra số tiền rất lớn.
Trước xu hướng mới này, ông Sơn cho rằng cần xem lại ngành thuế hiện có quá tập trung vào thanh tra doanh nghiệp, hay cần thực hiện có trọng tâm vào những lĩnh vực mới như thương mại điện tử hoặc các giao dịch xuyên biên giới. Nhân việc này, ngành thuế nên mở rộng ra cả nước, chứ không nên chỉ dừng lại ở 1-2 vụ.
Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người nộp thuế nắm quy định. Trên thực tế nhiều trường hợp có nguồn thu từ các tổ chức như Google, Facebook nhưng không biết nghĩa vụ, hoặc nghĩ rằng ngành thuế không quản lý được.
Theo luật sư Đức, "cũng giống như thu thuế với nghệ sĩ hơn 10 năm trước, trong giai đoạn đầu, theo tôi, cần có giải pháp để khuyến khích họ kê khai mà chưa xử phạt. Như vậy vừa có thể phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu".
Đa dạng cách kiếm tiền trên mạng
Cách làm nội dung để kiếm tiền trên mạng khá đa dạng, từ dạy tập thể dục đến dạy học, tâm sự... miễn là thu hút nhiều người xem.
Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng 10 video nổi bật trên YouTube 2017 tại Việt Nam do Google công bố, hầu hết là những tên tuổi các nhà sáng tạo, nghệ sĩ khá quen như: Huỳnh Lập, Vanh LEG hay ca sĩ Lâm Chấn Khang...
Một cách làm phổ biến nữa ở Việt Nam là lập trang web. Theo Bảo Suzu - người nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, những nhà quản trị website và tạo nội dung sẽ cho đặt nơi hiển thị phân phối quảng cáo của Google/Facebook lên website hoặc các phương tiện hiển thị nội dung của họ. Khi độc giả vào xem, Google/Facebook sẽ tính, trả tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận