25/10/2018 11:14 GMT+7

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 2: Chặn bước liên quân

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Nhờ sự đồng tâm hiệp lực của người dân mà ý định "lấy thủ làm tiến" của tướng Nguyễn Tri Phương đã giúp quân dân Đà Nẵng kéo dài cuộc chiến với liên quân Pháp - Tây Ban Nha hơn 18 tháng, làm thất bại ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của chúng.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 2: Chặn bước liên quân - Ảnh 1.

Hình ảnh Pháp tấn công vào thành Điện Hải được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG chụp lại

Trong bản điều trần gửi Pháp hoàng Napoléon III, đô đốc Rigault de Genouilly (người được ủy quyền khởi động cuộc tấn công vào Đà Nẵng năm 1858) phải thú nhận rằng: "Chính phủ Pháp đã nhầm lẫn về tính chất cuộc chiến can thiệp ở Việt Nam.

Người ta nói rằng xứ này không có binh lính, quân đội nhưng thật sự thì quân đội ở đây rất dũng cảm và dân quân gồm tất cả những người khỏe mạnh nhất trong dân chúng".

Từ bài học của cha ông

Theo nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô, tác giả cuốn sách Buổi đầu đánh Pháp (1858-1860), thì ngay trong những cuộc giao tranh đầu tiên với quân nhà Nguyễn đầu tháng 9-1858, quân đội viễn chinh đã chiếm ưu thế hoàn toàn.

Đơn giản bởi đội quân nhà nghề có các chiến hạm hỏa lực mạnh và độ chính xác cao nhờ sự chuẩn bị chu đáo, quá trình do thám bằng khinh khí cầu.

Sau trận bắn phá mở màn ngày 1-9, ngày hôm sau đồng loạt 5 chiến hạm của Tây Ban Nha cùng nổ súng vào thành Điện Hải khiến hệ thống phòng ngự ở tả ngạn sông Hàn gần như tê liệt. Quân Pháp bắt đầu đổ bộ lên bờ đánh chiếm thành Điện Hải và các đồn phụ cận.

Lợi thế "tàu đồng đạn sắt" giúp liên quân Pháp - Tây Ban Nha nhanh chóng đổ bộ chiếm lấy toàn bộ bán đảo Sơn Trà. Vua Tự Đức liền cử đô thống Lê Đình Lý và tham tri Phan Khắc Thận đem 2.000 cấm binh tăng cường cho mặt trận.

Mất các vị trí trọng yếu ven sông, một sở chỉ huy mới được lập tại làng Nghi An dọc đường thiên lý. Đến khi tình thế khó khăn, vua Tự Đức quyết định cử thống chế Nguyễn Tri Phương làm thống chế quân vụ.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 2: Chặn bước liên quân - Ảnh 2.

Tranh vẽ quân Pháp bị quân và dân Đà Nẵng bắt được - Ảnh tư liệu

Sử sách nhà Nguyễn ghi lại các cuộc thọc sâu vào phía trong sông Hàn vào tháng 12-1858 của quân Pháp đã bị "bẻ gãy" tại các đồn Nại Hiên và Hóa Khuê.

Từ những kinh nghiệm chống trả này, quân tướng nhà Nguyễn cho xây thành đắp lũy kiên cố, nhờ vậy mà quân Pháp nhiều lần tấn công đều bị đánh lui.

Đối mặt với một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, ông Lưu Anh Rô cho rằng vua quan triều Nguyễn đã vận dụng rất khéo bài học từ cha ông là vận động nhân dân thực hiện chủ trương "vườn không nhà trống".

Theo ông Rô, rất nhiều các ghi chép của quân viễn chinh đều có điểm chung là ở những nơi bị chiếm trên khắp Đà Nẵng, khi người dân di tản, thời gian kéo dài nhưng liên quân không thể tìm thấy thực phẩm tươi sống cần thiết cho sức khỏe của binh lính.

"Có rất nhiều báo cáo mà sau này tôi tìm hiểu được, chính viên chỉ huy Rigault de Genouilly trong báo cáo gửi về Pháp cũng xác nhận khi tiến ngược dòng sông hướng về Faifo (tức ngã ba sông Cổ Cò dẫn vào Hội An), họ chỉ gặp cảnh vắng lặng không một bóng người ở hai bên bờ sông" - ông Rô kể.

Quốc sử quán triều Nguyễn cũng ghi lại tư duy đánh giặc này thông qua phương kế thống chế Nguyễn Tri Phương trình vua Tự Đức. Đó là "Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn lũy để dần dần tiến gần giặc" cũng như "giữ cho kỹ để làm kế giằng dai".

Muôn nẻo cầm chân giặc

Chúng tôi tìm về ngôi làng Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), nơi một thời sách sử triều Nguyễn ghi nhận đây là sở chỉ huy quân nhà Nguyễn sau khi thất thế ở các đồn ven sông Hàn.

Người xưa đã khuất và cảnh vật ghi chép 160 năm về trước này không còn nữa. Chỉ còn đó những câu chuyện nửa hư nửa thực được truyền miệng trong làng nhiều đời nay.

Ông Nguyễn Ban, một người cao niên trong làng, khi nghe tôi hỏi về những di tích ở đây bất chợt đọc lên câu vè: "Sơn Trà - Cẩm Lệ - Miếu Bông/Cùng nhau nghĩ cách sang sông giết giặc/Hội ni ngó bộ không xong/Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng".

Ông Ban kể từ thời thơ ấu đã nghe chuyện "mù u đánh giặc" từ người lớn kể lại.

Chuyện như sau: Để tham gia cùng binh lính nhà Nguyễn đánh ngoại xâm, nhiều nhân sĩ, dân nông trong làng nghĩ ra nhiều phương kế.

Ở làng Phong Lệ, người ta dùng gióng rải ra đường, quân Pháp đi lùng ban đêm không thấy rõ đường làng tre trảy um tùm nên vướng gióng té ngã. Gần đó là bót Liên Trì, người dân còn nghĩ ra kế dùng bè gắn bùi nhùi để cản chân vịt những chiếc thuyền quân viễn chinh đi trên sông.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 2: Chặn bước liên quân - Ảnh 3.

Súng thần công của quân đội nhà Nguyễn sử dụng trong buổi đầu đánh Pháp năm 1858 ở thành Điện Hải - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Làng này nghĩ kế này thì làng kia nghĩ kế khác. Ông bà người làng Nghi An nghe tới việc quân Pháp đi giày da trơn bóng nên tìm cách rải trên đường đầy trái mù u (loại cây mọc ở làng) để làm quân thù té ngã. Nhờ thế quân ta có dịp nhảy ra đánh giáp lá cà khiến quân Pháp bỏ chạy.

Dù Nghi An nay không còn gốc mù u nào, nhưng những bậc cao niên như ông Ban đều tin rằng câu chuyện mù u là có thật.

"Với lòng yêu nước ngàn đời thì kiểu gì khi giặc đến nhà ông bà mình cũng nghĩ ra muôn vàn cách đánh giặc. Có lẽ cũng vì được hun đúc từ tinh thần như thế mà chính ngôi làng này đã sản sinh ra những nhân vật yêu nước chống lại ách thống trị của Pháp như Thái Phiên, Trịnh Long, Trịnh Mai..." - ông Ban nói.

Theo chính những ghi chép của viên tướng chỉ huy liên quân Rigault de Genouilly thì ngoài lực lượng quân nhà Nguyễn trực tiếp tham gia chiến đấu, dân quân Quảng Nam lúc bấy giờ cũng là một lực lượng góp sức hùng mạnh.

Kế hoạch kêu gọi "nội ứng" từ những người Việt theo đạo Thiên Chúa giáo ban đầu của quân viễn chinh cũng không như tính toán, dù Rigault đã chiếm Đà Nẵng trong thời gian dài nhưng không có dân Công giáo nào nổi dậy hưởng ứng.

Không những vậy, người dân xứ Quảng còn cùng quan quân thực hiện những cuộc chặn bước liên quân trên đường thủy bằng cách chở đất đá về ngăn sông Vĩnh Điện để đánh chiếm La Qua mà sau này được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại.

Ý đồ "đánh nhanh thắng nhanh" của Pháp thất bại

Chính nhờ sự đồng tâm hiệp lực của người dân bản xứ mà ý định "lấy thủ làm tiến" của tướng Nguyễn Tri Phương đã giúp quân dân Đà Nẵng kéo dài cuộc chiến với liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong hơn 18 tháng, làm thất bại ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của chúng.

Sau thời gian dài không khuất phục được quân dân ở Đà Nẵng, quân viễn chinh Pháp buộc phải rút bỏ và phá hủy các cơ sở đồn trú tại bán đảo Sơn Trà ngày 23-3-1860 để tìm hướng tấn công khác.

Kỳ tới: Chứng tích máu xương

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên