24/10/2018 13:48 GMT+7

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ 1: Thành lũy 'thử lửa'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - 160 năm về trước, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nổ những phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam tại cửa biển Đà Nẵng.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ 1: Thành lũy thử lửa - Ảnh 1.

Sắc phong chức quan trấn thủ Thành Điện Hải của vua Minh Mạng năm 1840

Lần đầu tiên đối diện với quân đội phương Tây trong cuộc chiến kéo dài hơn 18 tháng, Đà Nẵng đã làm thất bại âm mưu đánh thắng nhanh của Pháp.

Việc cửa biển Đà Nẵng bị tấn công có thể dự liệu được chứ không có gì bất ngờ, vì năm 1845 chiến thuyền Constitution của hải quân Mỹ từng đến đây với ý định buộc triều đình Huế thả một giám mục người Pháp bị tuyên án tử hình.

GS Ngô Vĩnh Long

"Tai nghe súng nổ cái đùng/Tàu Tây đã tới Vũng Thùng bữa qua?"- đó là câu ca dao của người dân xứ Quảng vào thời điểm những tay súng thực dân nổ súng vào Đà Nẵng 160 năm trước. 

Vũng Thùng, tên gọi của vịnh Đà Nẵng xưa kia, chính là nơi đầu tiên chứng kiến dã tâm xâm lăng vào dải đất hình chữ S.

Đà Nẵng đã trở thành thành lũy "thử lửa" của cả nước!

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ 1: Thành lũy thử lửa - Ảnh 3.

Hình vẽ trung tướng Rigault de Genouilly, người chỉ huy cuộc tấn công vào Đà Nẵng năm 1858

Hệ thống phòng thủ ven vịnh

Ngược về quá khứ, vùng thị cảng xứ Quảng từng là cửa ngõ giao thương thế giới của xứ Đàng Trong nhiều thế kỷ liền. 

Hội An sau thời kỳ phồn thịnh dần bị thay thế bởi cảng Đà Nẵng cách đó không xa. 

Lý do này được nhiều lữ khách phương Tây nhận định vào đầu thế kỷ 19: vì vịnh cảng Đà Nẵng rộng và đẹp, ngoài kín gió, cảng này là nơi nước sâu đủ sức dung tàu cỡ lớn.

Vai trò "giao du" với người Tây của cảng Đà Nẵng tương quan nghịch biến với cảng Hội An một phần cũng từ lời khẩu dụ của vua Minh Mạng năm 1835, rằng: "Lệ tàu Tây đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn, phép nước rất nghiêm, chẳng nên trái... 

Từ nay về sau, người Tàu phải đi tàu buôn nước Tàu mới cho vào cửa biển buôn bán; người Tây phải đi tàu Tây vào cửa Hàn thông thương, không được ghé vào cửa biển khác".

Có lẽ nhận thấy tầm quan trọng của cửa Hàn mà một hệ thống đồn lũy phòng thủ chặt chẽ vịnh Đà Nẵng đã được nhà Nguyễn xây dựng trong một thời gian dài. 

Nhất là khi nhận diện được mối nguy hiểm từ phương Tây, hệ thống này được "đẩy lên" thành nơi có đồn lũy lớn nhất nước lúc bấy giờ.

Trải qua bao thời cuộc, vết tích đồn lũy xưa nay đã biến mất. Ngoài Thành Điện Hải (tòa thành học phong cách phòng thủ của phương Tây), còn có một tấm bản đồ chiến sự mà Pháp còn lưu giữ ở Viện Viễn Đông Bác Cổ. 

Tấm bản đồ được chú thích bằng tiếng Pháp có nghĩa "Tịch thu ở nhà một vị quan An Nam vào ngày 15-9-1859" cho thấy thế trận quân và dân Đà Nẵng chống lại quân xâm lược với những mô tả khá rõ về bố phòng như chiến hào, công sự, thành, đồn, trạm tuyền tin...

Theo nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú, nếu như có hơn 100 chú thích địa danh trên bản đồ thì có tới 80% là chú thích vị trí quân sự như các đồn, thành, trạm, lũy, điếm canh... 

"Đây là tấm bản đồ do chính người Việt vẽ, sau đó người Pháp chú thích bằng ba ngôn ngữ. Điểm đặc biệt quý giá của nó là chúng ta hôm nay có thể hình dung được thế trận mà quân dân Đà Nẵng chống giặc. Hầu như toàn bộ Đà Nẵng xưa là thành lũy, chiến hào chiến đấu" - ông Tú nhận xét.

Đối chiếu tấm bản đồ với những sử liệu ghi chép, thạc sĩ Võ Nguyên Phong cho rằng việc phòng thủ vịnh Đà Nẵng trước đây có thể chia thành bốn khu vực. 

Trong đó vùng núi Sơn Trà (có pháo đài, ụ pháo) với chức năng quan sát vịnh, kiểm soát mặt nước; 

Khu vực ven sông Hàn với hai thành chủ lực An Hải và Điện Hải, sau này có các trường lũy nối từ sông vào núi và các hệ thống đồn dọc đường thiên lý; khu vực phòng thủ sông Cu Đê và khu vực đèo Hải Vân mang nhiều chức năng về truyền tin.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ 1: Thành lũy thử lửa - Ảnh 4.

Tấm bản đồ chiến sự do nhà Nguyễn vẽ được người Pháp tìm được Ảnh: TRường Trung chụp lại

"Tàu Tây đã tới Vũng Thùng"

Hơn một thế kỷ trước khi Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, giáo sĩ Pierre Poivre, một người nhiều lần đặt chân đến vùng Viễn Đông, đã nhìn thấy được vị trí chiến lược của thương cảng Đà Nẵng. 

Ông viết: "Đặt trong xứ Đàng Trong và nhất là ở Đà Nẵng, nơi rất dễ phòng thủ một đồn binh nhỏ. 

Từ đó có thể làm ra "pháp luật" và cắt đứt giao thông từ tỉnh này qua tỉnh nọ thì sự kháng cự của người bản xứ sẽ rất yếu".

Theo GS Ngô Vĩnh Long (ĐH Maine, Hoa Kỳ), lý do chính mà chính phủ của liên quân Pháp - Tây Ban Nha đưa ra trong việc hợp tác đánh vào cửa sông Hàn là vì một năm trước đó, nhà Nguyễn đã xử tử hai nhà truyền giáo Tây Ban Nha. 

Họ chọn Đà Nẵng vì vị trí địa lý của cửa Hàn trong thế kỷ 19 quá đặc biệt do rất thuận lợi cho tàu chiến tiến sát bờ cũng như cắm neo lâu ngày. Đà Nẵng cũng gần kinh thành Huế nên rất thuận tiện để "dọa nạt" triều đình.

Thông qua cớ "mở cửa tự do buôn bán và truyền đạo", người Pháp tấn công đất Đà Nẵng hướng tới thiết lập một nền bảo hộ lâu dài tại vùng đất mới. 

Theo GS Nguyễn Văn Kim (ĐH Quốc gia Hà Nội), lúc bấy giờ thương cảng Đà Nẵng đã có một vị trí địa lý và quân sự trọng yếu của cả khu vực. 

Sự dòm ngó của các cường quốc hàng hải phương Tây là tất yếu, nhất là đối với người Pháp.

Trước sự cạnh tranh của Anh và Hà Lan, lúc bấy giờ mặt dù thương thuyền, chiến hạm Pháp thường xuyên qua lại vùng biển Đông Á nhưng hải quân Pháp chưa có một "điểm dừng chân" lâu dài chắc chắn nào ở vùng Viễn Đông. 

GS Kim nhận định: "Tấn công Đà Nẵng để xác lập một cứ điểm có thể đáp ứng những yêu cầu về kỹ thuật hàng hải, thế phòng thủ - tấn công và nhu cầu tìm kiếm nguồn lợi kinh tế. 

Nếu cuộc đổ bộ được thực hiện tại cảng Đà Nẵng thì sẽ ít tốn phí tổn để thiết lập một cửa ngõ vững chắc và tiện lợi nhằm bảo vệ lối vào cảng, đảm bảo đường lui trong trường hợp cần thiết".

Pháp tấn công Đà Nẵng bằng 14 chiếc thuyền

Sử Việt ghi rằng tháng 8-1858, đoàn chiến hạm 14 chiếc với 2.500 quân viễn chinh gồm liên quân Pháp - Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của trung tướng Rigault de Genouilly từ đảo Hải Nam đến cập cảng Đà Nẵng.

Sau khi ra tối hậu thư cho viên trấn thủ Đà Nẵng yêu cầu giao nộp pháo đài cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha không thành, đầu tháng 9-1858, Rigault đã lệnh cho 14 chiến thuyền chia làm hai cánh đồng loạt tiến vào cửa Hàn bắn phá các pháo đài của người Việt.

Kỳ tới: Chặn bước liên quân

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên