Toa tàu tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên do Nhật sản xuất được chuyển đến depot Long Bình (Q.9, TP.HCM) - Ảnh: M.HÒA
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình xoay quanh chuyến thăm đặc biệt này cũng như vai trò mới của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của các nước khu vực Đông Bắc Á.
* Theo ông, vì sao Thủ tướng Suga và trước đó là ông Abe đều chọn Việt Nam làm địa điểm công du đầu tiên?
- Thông thường khi một thủ tướng mới được bầu, Chính phủ Nhật Bản sẽ lựa chọn các đối tác lớn nhất để đi công du. Đó có thể là Mỹ, vì quan hệ với Mỹ là "hòn đá tảng" trong chính sách ngoại giao của Nhật; có thể là Trung Quốc - đối tác kinh tế lớn nhất - hoặc khối EU. Do đó, việc ông Shinzo Abe, và bây giờ là ông Suga Yoshihide, chọn Việt Nam đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Kể từ năm 1992, khi Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam, có thể nói quan hệ giữa hai nước chỉ theo chiều hướng tốt đẹp hơn và ngày càng chắc chắn.
Khi tái đắc cử cuối năm 2012, Việt Nam lại trở thành là nước đầu tiên ông Abe chọn công du. Lần này, đương kim Thủ tướng Nhật Bản Suga tiếp tục nối gót người tiền nhiệm. Theo tôi, điều này thể hiện sự tin cậy lẫn nhau của hai nước và bao trùm lên tất cả là lợi ích song trùng.
Mặc dù có sự chênh lệch trong trình độ phát triển, Việt Nam và Nhật Bản không hề có đối kháng, tranh chấp, ngược lại có thể chia sẻ và bổ sung cho nhau.
Vốn, công nghệ cao, kinh nghiệm quản lý kinh tế và kinh nghiệm quản lý nhà nước nói chung là các lĩnh vực mà Nhật Bản có thể chia sẻ cho Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam, với dân số gần như tương đương với Nhật Bản và lao động trẻ, là nguồn nhân lực tốt và thị trường đầy tiềm năng.
Việc chọn đi thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga thể hiện lợi ích mật thiết giữa hai nước, đồng thời phản ánh vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á khi nắm giữ vai trò chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Bên cạnh đó, chuyến thăm này thể hiện hướng tiếp cận mới của Nhật Bản trong vấn đề đối ngoại hiện nay và có thể là những năm tới khi quan hệ với Mỹ, Trung Quốc hay EU gặp phải nhiều khó khăn.
Việc chọn thăm Việt Nam, và sau đó là Indonesia, có thể coi là “đột phá khẩu”, tạo bước đà thuận lợi để Nhật Bản có thể vượt qua những thách thức hiện tại.
* Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay, đâu là ưu tiên mà Nhật Bản và Việt Nam cần tập trung để bảo đảm lợi ích quốc gia hai nước?
- Cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay tạo ra thách thức rất lớn cho các nước bởi vì đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự đấu tranh này biểu hiện ở kinh tế nhưng sâu trong đó là vấn đề chính trị - chiến lược, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia có quan hệ với hai bên bao gồm cả Nhật Bản và Việt Nam.
So với Việt Nam, có thể nói Nhật Bản đang bị đặt vào tình thế khó khăn hơn do Trung Quốc là thị trường đầu tư thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Những chính sách quyết liệt của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ tạo ra ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến Nhật. Do đó, một điều rõ ràng là Nhật Bản đang và sẽ phải tìm lối ra.
Nhiều khảo sát với các doanh nghiệp Nhật gần đây cho thấy nếu cần chuyển giao đầu tư ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam là nơi đáp ứng tốt nhất nhờ ưu điểm địa lý và có đến 3 hiệp định thương mại mà hai nước là thành viên, bao gồm Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ngược lại, Việt Nam cũng cần những nguồn lực và kinh nghiệm mà Nhật Bản có thể chuyển giao. Hai nước có thể tìm thấy nhau như là một con đường, tận dụng lợi thế của nhau để vượt qua khó khăn.
2 lý do của ông Suga
Ngày 16-10, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở Tokyo, một quan chức của bộ trên cho biết có hai lý do khiến Thủ tướng Suga chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Trước hết, đó là vì quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN năm 2020, đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN.
Quan chức trên cũng cho biết phía Nhật Bản hi vọng chuyến thăm này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản hướng tới sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; tăng cường hợp tác song phương trong việc giải quyết các vấn đề khu vực; và phát triển quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước.
Cũng theo quan chức trên, trong chuyến thăm đến Việt Nam, Thủ tướng Suga có thể đưa ra cam kết về việc Tokyo sẽ đi đầu trong việc đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ông dự kiến sẽ khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Nhật Bản đối với “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (AOIP).
(TTXVN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận