30/03/2013 08:09 GMT+7

Xuyên rừng già theo đường tuần tra

TỐ OANH
TỐ OANH

TT - 66km đường tuần tra biên giới xuyên vườn quốc gia Bù Gia Mập được bình chọn là cung đường “thiên đường” nhất hành trình với nền bêtông mới đổ, dốc lên dốc xuống đầy cảm giác mạnh, không khí mát rượi và vắng ngắt.

Kỳ 1: Điểm xuất phát: cột mốc 314 Hà Tiên... Kỳ 2: Nén nhang dọc đường biên giới

FdqglwLe.jpgPhóng to
Bộ đội biên phòng đồn Sêrêpốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đưa xe máy của đoàn nhà báo qua sông Sêrêpốk - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Chinh phục 14C đêm

Bữa cơm trưa giữa rừng tại đồn biên phòng Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) thật ấn tượng với thực đơn được chế biến từ gần chục loại rau. Cánh biên phòng cười tươi chia sẻ: “Lâu lắm mới có khách ghé nhà bọn mình đây. Mà còn đi xe máy tuốt từ Kiên Giang mới phục chứ. Bốn bề toàn rừng, đi cả ngày cũng chẳng thấy một bóng người. Mọi thứ ở đây gần như phải tự cung tự cấp. Ngán nhất là đám ve chó, ruồi vàng bé tẹo, nếu bị cắn vết thương sẽ làm độc đau nhức nhiều ngày, nhưng tinh thần thì tuần tra băng rừng suốt thôi”.

Tại điểm dừng Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) các “chiến mã” được chuẩn bị lại thật kỹ để bước vào cung đường băng rừng 14C thử thách nhất hành trình. Xăng đổ đầy bình xe, mỗi xe còn cột thêm can xăng dự phòng. Ngày xưa đường 14C chính là đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại chuyển xăng dầu tiếp tế cho miền Nam. Ngày nay 14C trở thành đường tuần tra biên giới chạy dọc Tây nguyên với hơn 300km băng qua hai cánh rừng Yok Đôn (Đắk Lắk), Chư Mo Ray (Kon Tum) và các con sông lớn Sêrêpốk, Ia Drăng, Sê San, Sa Thầy... Đây cũng là cung đường huyền bí đầy hấp dẫn giới ưa chinh phục, khám phá.

Đoạn đường tuần tra đi qua dòng sông Sêrêpốk vẫn chưa có cầu, nước cuồn cuộn chảy. Các chiến sĩ biên phòng đồn Sêrêpốk như những đặc công hết sức chuyên nghiệp hỗ trợ đoàn qua sông bằng chiếc xuồng nhỏ. Căng nhất là kéo từng xe nặng trịch từ sông lên bờ dốc cao. Chỉ kịp chúc đoàn tiếp tục hành trình còn rất nhiều khó khăn phía trước, các chiến sĩ lại tiếp tục vào nhiệm vụ tuần tra. Rồi những con dốc đứng dựng nối tiếp nhau, đường đất dày cứ xoắn lấy bánh xe chực ngã, vận tốc chậm rì. “Chiến mã” Vespa của nhà báo Nguyễn Công Thành trở thành tâm điểm lo lắng cho cả đoàn vì xe bánh nhỏ, gầm thấp và người cầm lái bị sây sát vì té quá nhiều.

Bóng đêm ập xuống thật nhanh, không một bóng nhà và người để hỏi thăm. Bốn xe bám đuôi nhau giữa rừng hoang vắng. Tận dụng tối đa đèn xe chiếu sáng cho nhau vượt qua những đoạn đường xấu. Đường nhiều ngã rẽ bất chợt, chỉ cần quẹo sai một chút là lạc ngay trong vùng không có sóng điện thoại. 21 giờ đêm thứ chín trên biên giới, chúng tôi đến được đồn biên phòng Ia Lân (xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Mọi người nghỉ đêm trong niềm hạnh phúc chiến thắng cung 14C đêm. Và trong sự thở phào hết lo lắng của anh em biên phòng đồn Ia Lân: “May mắn là đoàn đi không gặp mưa. Đường 14C mưa xuống thì cất xe máy, đi bộ còn nhanh hơn”.

gYUQYG7v.jpgPhóng to
Các em học sinh dân tộc Rơ Mâm ở Trường tiểu học Mô Ray, làng Le, xã Mô Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum thích thú với những tấm ảnh vừa được chụp, in tặng ngay tại chỗ - Ảnh: Tố Oanh

Món quà bất ngờ

Vốn là thành viên chương trình chụp ảnh chân dung tặng người khó khăn tại TP.HCM mấy năm qua (chương trình Help Poirtrait), Nguyễn Phước Hòa nghĩ: “Sao không làm một buổi chụp ảnh, in ảnh làm quà tặng bà con vùng biên giới ít có điều kiện chụp ảnh?”. Ý tưởng đưa ra trước giờ khởi hành được cả đoàn ủng hộ ngay. Hành lý của Hòa nặng thêm với máy in, giấy ảnh.

Sáng ngày thứ mười, ba tay máy ảnh Nguyễn Công Thành, Nguyễn Phước Hòa và Trần Lân cùng sự hỗ trợ của đồn biên phòng Ia Lân tổ chức buổi chụp ảnh chân dung cho đồng bào dân tộc Rơ Mâm sống tại làng Le, chân núi Chư Mo Ray. Đây là đồng bào dân tộc bản địa ít người nhất của khu vực Tây nguyên đang được bảo tồn với khoảng 400 người.

Cả làng rộn ràng. Tại các điểm trường học, nhà rông văn hóa, cụm nhà dân... người rụt rè bẽn lẽn, người mạnh dạn làm dáng chụp ảnh, người chuẩn bị đi rẫy vai đeo gùi tranh thủ chụp lại bức ảnh kỷ niệm, người đề xuất được chụp chung một bức có cả chồng, con... Cầm ảnh của mình trên tay, ai cũng nở nụ cười thật vui.

Già làng A Blong móm mém: “Ô! lần đầu tiên làng có được nhiều hình như thế. Ai cũng được thấy mình trong ảnh. Vui quá! Ở đây rất hiếm có chụp ảnh vì ở xa thị trấn quá, đường sá đi lại rất khó khăn.Nhiều người cả đời không có một bức ảnh. Cảm ơn món quà bất ngờ của những người bạn vùng xuôi”.

Bồi hồi đích đến

Trời đã chìm hẳn trong màn đêm của ngày thứ mười hành trình, ngã ba Đông Dương đã ở trước mặt. Đích đến cột mốc số 1 của hành trình ngược đã thật gần. Việc xin phép đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y được đến tham quan cột mốc ba mặt trong bóng đêm khiến cả đồn phì cười, nhưng không giấu được xúc động.

18km đường dốc lên núi đến đích sao mà hồi hộp, bồi hồi quá. Sương giăng trắng, gió rít phần phật, ánh đèn pin rọi cột mốc đầu tiên biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào. Giây phút thiêng liêng giữa đất trời Tổ quốc, các thành viên ôm chầm lấy nhau như những đồng đội vượt qua chặng đường gian khó. Một hơi ấm lan tỏa trên độ cao 1.068m so với mặt nước biển.

Vẫn mang cảm giác bồi hồi, 4 giờ sáng ngày cuối cùng ở biên giới, chạy xe trong khí trời lạnh buốt, chúng tôi lần nữa leo núi trở lại điểm đích, lặng lẽ ngắm nhìn những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu rọi vào cột mốc chủ quyền ngã ba biên giới Đông Dương, và hẹn nhau một hành trình khám phá đất nước mới: đi dọc tuyến biên giới miền Trung giáp với đất nước Lào.

Làng Bến Tre ở biên giới

Sớm ngày thứ chín hành trình, cả đoàn bất ngờ được dừng lại giữa làng Bến Tre ở biên giới thuộc thôn 6, xã Ia Rve, huyện Ia Súp, tỉnh Đắk Lắk. Làng có khoảng 400 hộ dân từ tỉnh Bến Tre tình nguyện xây dựng kinh tế và bảo vệ biên giới từ năm 2004.

Bà Nguyễn Thị Bé Nhỏ - thôn phó, vốn là cựu chiến binh chiến trường K - cho biết: “Những ngày đầu không điện, nước phải ra suối, nắng nóng, mưa lũ Tây nguyên khó khăn trăm bề. Xác định chọn quê hương thứ hai nên mọi người quyết kiên trì bám trụ, người này động viên người kia. Dần thành quen, thành yêu mến. Và trên hết còn là trách nhiệm giữ biên cương Tổ quốc”. Cả xã Ia Rve hiện có khoảng 1.000 hộ dân Bến Tre. Đã có tuyến xe đi thẳng từ Ea Súp về Bến Tre mỗi ngày. “Ở đây chúng tôi có được bài học quý giá: muốn chiến thắng được thiên nhiên thì trước hết phải chiến thắng được bản thân. Giờ thì đường, trường học, trạm y tế... xã đều có đủ”, những cư dân làng Bến Tre lạc quan nói.

______________

Con đường tuần tra biên giới đã ra đời như thế nào? Trong số báo tới, mời bạn đọc theo chân nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đến với biên giới phía Bắc.

Kỳ tới: Con đường khát vọng

TỐ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên