Đơn giản bởi mấy cụm từ vừa nêu ấy là “từ khóa” đấy.
Các báo (nhất là báo mạng) cứ nghe có cơ quan chức năng phát hiện một vụ việc nào đó là lập tức rần rần rộ rộ vào cuộc ngay.
Thoạt nghe đó cũng là chuyện bình thường thôi, bởi miếng ăn đều liên quan đến họa với phúc cả. Ăn trúng thứ dính chất cấm, chẳng mấy chốc mà dính ung thư và ngược lại, ăn được đồ sạch thật sự, sức khỏe nhờ đó mà đến.
Vì vậy, quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm là đúng và các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để bảo đảm miếng ăn sạch cho người dân cũng là trách nhiệm buộc phải làm.
Nhưng quyết liệt không phải là bạ đâu bắt đó; rồi mọi chuyện chưa rõ ràng lại vội vã đi tung hê cho báo chí. Xin lấy ví dụ câu chuyện của những chiếc xúc xích chẳng hạn.
Cách đây hơn 20 ngày, xúc xích Vietfoods bị quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ với lý do chứa chất cấm, gây ung thư. Chất cấm đó là gì? Đó là sodium nitrat 251 mà dân gian thường gọi là muối diêm, tác dụng của nó là giữ màu và bảo quản.
Trước tiên, phải nói rằng nếu muốn những hóa chất dùng để bảo quản đừng chui vào bao tử mình thì dứt khoát chỉ mua đồ tươi sống về chế biến ngày nào xử ngay ngày đó. Chứ đã đụng đến các loại thực phẩm chế biến kiểu công nghiệp, đương nhiên là phải có chất bảo quản chứ làm sao để qua tháng này năm nọ được.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là hàm lượng nhiều ít thế nào. Chính vì vậy mới cần đến các nhà chuyên môn, các cơ quan quản lý. Và xưa nay, nói đến việc kiểm soát hàm lượng chất bảo quản trong thực phẩm, ai cũng biết khắc nghiệt nhất thế giới là các nước khu vực châu Âu, nơi “khó chịu” hơn cả Mỹ!
Thế nhưng thử tìm hiểu xem với các loại xúc xích, cơ quan quản lý về vệ sinh thực phẩm của lục địa già chấp nhận hàm lượng được phép có trong xúc xích là bao nhiêu? Xin thưa, không được quá 300 mg/kg. Nghĩa là với sodium nitrat 251, ở châu Âu chấp nhận mức tối đa là 300mg có trong 1kg xúc xích.
Trong khi đó hơn 2 tấn xúc xích của Vietfoods bị quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ có hàm lượng là bao nhiêu? Xin thưa là mẫu cao nhất cũng chỉ 100 mg/kg. Chính vì vậy, đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định trên báo Tuổi Trẻ rằng: doanh nghiệp không sai!
Doanh nghiệp không sai, nhưng tại sao quản lý thị trường Hà Nội lại bắt? Câu trả lời là do văn bản còn có nhiều ngôn từ mập mờ, gây hiểu lầm.
Ôi trời, chỉ vì sự mập mờ về ngôn từ trong các văn bản dẫn đến việc bị hiểu sai, nhưng doanh nghiệp đang muốn tán gia bại sản. Kể từ ngày lô hàng hơn 2 tấn bị bắt tại Hà Nội, hơn 100 công nhân của Vietfoods đã phải ngồi chơi xơi nước.
Chủ doanh nghiệp thì xất bất xang bang chạy tới chạy lui kêu cứu khi nhà máy trị giá gần trăm tỉ đồng của họ bị ngưng trệ, trong khi đó lãi ngân hàng do họ phải đi vay vốn làm ăn thì đâu có ngưng cho ngày nào.
Trong những ngày vừa qua, Thủ tướng đã phải liên tục có những hoạt động nhằm tạo niềm tin, gỡ khó, thúc đẩy các doanh nghiệp lao vào làm ăn sao cho hiệu quả. May mà xúc xích không biết nói năng, còn không Thủ tướng mà nghe xúc xích Việt kể khổ về chuyện nó bị phân biệt đối xử so với vô vàn xúc xích ngoại nhập khẩu, chắc khối hàm răng của công chức đã chẳng còn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận