Khoảnh khắc người dân Thụy Điển hát vang Tiến quân ca mừng Việt Nam thống nhất - VIDEO: TRÍCH ĐOẠN TỪ PHIM VICTORY VIETNAM
Những thước phim quý báu
Trong những ngày đất nước sống trong không khí hào hùng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thụy Điển đã trao tặng cho Việt Nam một món quà vô giá: phim tài liệu Victory Vietnam (Chiến thắng của Việt Nam) ghi lại khoảnh khắc những người Thụy Điển yêu chuộng hòa bình chúc mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam.
Bộ phim màu dài khoảng 30 phút, do đạo diễn người Thụy Điển Bo Öhlén thực hiện cách đây nửa thế kỷ.
Trong niềm hân hoan ngày 30-4-1975 và những ngày sau khi Việt Nam thống nhất, hàng vạn người dân Thụy Điển đã xuống đường tại thủ đô Stockholm, bày tỏ niềm vui và sự ngưỡng mộ đối với quốc gia Đông Nam Á xa xôi mà họ đã dành hơn một thập kỷ ủng hộ.
Đạo diễn Öhlén, lúc đó là nhà quay phim của Đài Truyền hình Thụy Điển, đã cùng đồng nghiệp ghi lại những thời khắc lịch sử tràn đầy niềm vui này.

Cảnh phim Victory Vietnam ghi lại thời khắc nhân dân Thụy Điển xuống đường ở Stockholm, vui mừng và cổ vũ chiến thắng của nhân dân Việt Nam vào đúng ngày 30-4-1975 - Ảnh: THANH HIỀN
Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay khắp bầu trời thủ đô của Thụy Điển. Giữa biển người vang vọng những tiếng hô vang đầy khí thế: "Một chiến thắng huy hoàng!", "Việt Nam quang vinh muôn năm!", "Nhân dân Việt Nam quang vinh muôn năm!"... Họ cùng nhau cất cao bài Giải phóng miền Nam bằng tiếng Thụy Điển, hòa chung niềm vui chiến thắng.
Đặc biệt xúc động là cảnh quay ghi lại đêm liên hoan mừng thắng lợi đề ngày 3-5-1975, người Thụy Điển và các đại diện Việt Nam cùng hát vang giai điệu hùng tráng của Tiến quân ca bằng tiếng Thụy Điển.
Đó là khoảnh khắc mang đầy tính biểu tượng, vừa là minh chứng sinh động cho sự ủng hộ mà nhân dân Thụy Điển dành cho Việt Nam, vừa là minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai đất nước ở hai châu lục xa xôi.
Sau khi hoàn thành bộ phim, đội ngũ đạo diễn Öhlén chỉ tạo một bản sao duy nhất và gửi đến Việt Nam. Kể từ đó, ông không còn nghe được thông tin về bộ phim, cho đến khi tệp dữ liệu về bộ phim quan trọng này được tìm thấy ở Thư viện Hoàng gia Thụy Điển vào mùa thu năm 2024.
Sau nửa thế kỷ “thất lạc", Victory Vietnam đã lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng Việt Nam, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng 30-4-1975.
Tình bạn hơn nửa thế kỷ

Ông Olof Palme (giữa) cùng Đại sứ Nguyễn Thọ Chân (bên trái) trong cuộc tuần hành - Ảnh: vnembassy-stockholm.mofa.gov.vn
Tình hữu nghị giữa Việt Nam và Thụy Điển đã khởi nguồn từ hơn nửa thế kỷ trước, khi Việt Nam còn đang tiến hành cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước.
Ngày 11-1-1969, Thụy Điển đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mạnh và sớm nhất (từ tháng 8-1966).
Nói đến sự ủng hộ mà đất nước Bắc Âu này dành cho Việt Nam, không thể không nhắc đến cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme - người bạn lớn, người đã xuống đường biểu tình vì Việt Nam.
Đêm giá rét 21-2-1968, trên cương vị bộ trưởng Giáo dục, ông Olof Palme đã cùng với Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô Nguyễn Thọ Chân dẫn đầu cuộc rước đuốc tuần hành trên đường phố Stockholm để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
Sự kiện này đã gây chấn động dư luận tại Thụy Điển và quốc tế lúc đó. Bức ảnh ông Palme tham gia rước đuốc đã được đăng trên hàng trăm bài báo ở Mỹ, thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ và quốc tế.
Đó cũng là “ngọn đuốc của tình hữu nghị” Việt Nam - Thụy Điển mà ông Palme đã thắp lên từ gần 60 năm trước.
Trong giai đoạn xây dựng đất nước, Thụy Điển cũng hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhiều công trình quan trọng như Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Nhà máy giấy Bãi Bằng…
Thụy Điển là nước Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam giai đoạn 1967-2013. Từ 2013, quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn đối tác bình đẳng cùng có lợi.
Thụy Điển là một trong những nước sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA).
Mới đây vào ngày 25-4, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre của Thụy Điển ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỉ USD. Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Idisi cho biết đến nay các doanh nghiệp nước này đã đầu tư khoảng 3 tỉ USD vào Việt Nam.
Là một quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển xanh, Thụy Điển đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận