13/11/2021 12:18 GMT+7

Xuân này sẽ mang cả hương vị Nam ra Tết Bắc

THU HUYỀN (Hà Nội)
THU HUYỀN (Hà Nội)

TTO - Hai năm nay cứ 26 tết anh lại chạy xe máy đèo mẹ và vợ từ Hà Nội về nhà ngoại, tới ngày 30 mới quay ngược lại nhà mình để cúng tất niên, giao thừa rồi mùng 2 lại sang.

Xuân này sẽ mang cả hương vị  Nam ra Tết Bắc - Ảnh 1.

Chợ hoa Tết Tân Sửu 2021 tại công viên Lê Thị Riêng (TP.HCM) - Ảnh: GIA TIẾN

Ai hỏi sao không về nội, anh cười bảo: "Thì về cũng có còn ai. Ở đằng ngoại đón tết vui hơn". Anh không có bố, mẹ một mình nuôi anh nên người. Hai mươi bảy năm qua, anh đón tết cùng mẹ. Tết thứ hai mươi tám, anh có thêm chị về vui vầy.

Tết hai mươi chín gõ cửa, cô con gái đầu lòng ra đời đẹp như một bông hoa đào tô điểm mùa xuân hạnh phúc của anh. Mỗi mùa tết đến lại thêm một người quan trọng trong đời anh xuất hiện. Với anh, tết có ý nghĩa đặc biệt hơn cả niềm vui sum họp gia đình.

1. Mấy năm trước anh làm phụ bếp trên tàu du lịch ngoài Quảng Ninh, mẹ với vợ thì làm trên Hà Nội. Nhà ba người hai nơi nhiều lúc cũng đâm lo. Anh chị tính chịu khó xa nhau mấy năm để kinh tế ổn định rồi mới thu về một mối.

Nhưng dịch Covid đến bất ngờ, khiến anh trở tay không kịp. Không có khách, ông chủ treo tàu, anh buộc phải "lên bờ". Về Hà Nội, anh làm đủ mọi nghề: xe ôm, chở hàng, bán bảo hiểm... mà cũng chẳng ăn thua.

Nghe bạn bè rỉ tai các tỉnh phía Nam đang có cơn sốt đất, anh ôm chí "Nam tiến". Vợ gàn: "Thời buổi bệnh dịch, anh vào trong đó rồi có ra ngoài này được không?". "Nếu căng quá thì tết anh về với hai mẹ con, em khỏi lo!", anh nói.

Cuối tháng 4 anh ôm mẹ, ôm vợ, thơm cô con gái chưa tròn một tuổi lên máy bay vào Bình Phước. Đầu tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát rồi lan rộng ra các tỉnh phía Nam. Bạn bè, anh em từ Bắc vào làm ăn tất tả chạy dịch.

Chị lo lắng gọi điện giục anh về. Anh tiếc mấy mối làm ăn còn dang dở nhưng vẫn nghe lời chị. Hành lý thu dọn xong, phòng trọ cũng báo trả, chỉ chờ ngày lên xe thì đùng một cái anh lăn ra… sốt. Sợ mình mắc Covid-19, anh đóng cửa chẳng dám đi đâu. Một mình nằm trong phòng nghĩ tới mẹ và vợ con ở nhà mà anh rơi nước mắt.

Hôm sau trên tay anh bắt đầu nổi lên những phổng nước hình tròn, anh mới thở phào biết mình mắc thủy đậu. Chờ cho bệnh khỏi hẳn thì cơ hội về quê lần một của anh cũng theo những nốt đậu không cánh mà bay.

2. Những ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 chỉ quanh quẩn trong phòng, anh nhớ và lo cho gia đình quay quắt. Cả mẹ anh và bố mẹ vợ đều đã có tuổi lại nhiều bệnh nền, con gái thì nhỏ quá, vợ đi làm phải tiếp xúc khách hàng thường xuyên.

Nếu chẳng may ai trong số họ mắc bệnh thì anh ở trong này làm sao về kịp chăm sóc? Hiểu tính anh hay cả nghĩ, ngày nào chị cũng gọi điện vào động viên. Con gái mới chỉ biết ê a nhưng vẫn ngoan ngoãn nghe lời bà vẫy tay chào bố.

Không muốn để vợ con lo lắng, anh nuốt phiền muộn vào trong mà tếu táo: "Anh ở trong này không đi làm, suốt ngày ăn với ngủ nên tăng cân vùn vụt, không biết về nhà em có nhận ra không?".

Mong mỏi về thăm gia đình thôi thúc anh mua vé về quê ngay sau khi dịch tạm ổn định. Khi đã chuẩn bị đầy đủ, anh bất ngờ nhận thông báo: cơ sở y tế anh tới xét nghiệm để đáp ứng điều kiện di chuyển có ca F0, anh được đề nghị tự cách ly 14 ngày. Hành trình về quê lần hai đành ngậm ngùi gác lại.

3. Đầu tháng 10, TP.HCM và các tỉnh phía Nam bắt đầu mở cửa. Lần này anh quyết định ở lại. Anh đi làm xa là để kiếm thêm thu nhập phụ giúp vợ con, nếu cứ tay không mà về thì anh không đành. Chị tôn trọng anh, chỉ cẩn thận nhắn nhủ: "Anh ở trong đó chú ý an toàn, tết nhớ phải về nhà". "Ừ, anh biết. Tết thế nào anh cũng về".

Gần ba tháng nữa mới tới tết ta mà anh đã nghĩ chuyện tết nhiều lắm. Về Bắc lần này có lẽ anh phải cách ly y tế hai tuần nên sẽ sắp xếp về sớm để có nhiều thời gian bên gia đình. Quà biếu bố mẹ và tặng vợ anh đã nghĩ xong.

Quà cho con gái đã đầy đủ trong balô: quà 1-6, quà Trung thu, quà sinh nhật. Giờ thêm cả quà tết. Đếm sơ sơ năm nay anh đã bỏ lỡ ba dịp lễ không được bên con, anh không cho phép mình vắng mặt trong dịp quan trọng nhất.

4. Thời gian cách ly vừa rồi anh được bà con cùng khu trọ giúp đỡ, "tiếp tế" nhiệt tình nên năm nay ngoài bánh chưng anh cũng sẽ gói thêm cả bánh tét. Trước hết là để ghi nhớ ân tình của bà con lối xóm, hai là để cả nhà thưởng thức hương vị miền Nam.

Hôm trước gọi điện anh cũng dặn chị nhớ tháng 11 âm tuốt lá cây đào ngoài vườn để cho hoa đúng dịp. Lúc về, anh sẽ cố mang theo một cành mai vàng cho thêm không khí xuân. Trong khu trọ có hai anh hàng xóm người Đồng Nai kẹt lại, đợt dịch vừa rồi dạy anh nấu rất nhiều món đặc trưng miền Nam, tết này anh sẽ xung phong trổ tài.

Kịch bản về quê lần ba anh đã lên chi tiết lắm, nhưng bụng vẫn lo ngay ngáy bị hủy vào phút chót. Ngày nào đi làm về anh cũng để ý nghe thời sự để cập nhật tình hình dịch bệnh.

Anh biết trên khắp cả nước cũng có hàng triệu người như anh đang mong ngóng sum họp bên gia đình ngày tết. Mong rằng khi năm 2022 tới, dịch bệnh mau chóng qua đi để người người nhà nhà có thể thuận lợi đoàn viên, hân hoan gửi tới nhau những lời chúc năm mới an lành và may mắn.

Xuân này sẽ mang cả hương vị  Nam ra Tết Bắc - Ảnh 2.
Đoàn viên sau đại dịch: Tôi hy vọng Đoàn viên sau đại dịch: Tôi hy vọng

TTO - Hoa sắp nở trên đường về nhà, nồi bánh nội gói sắp sôi trên bếp lửa, phải không? Tôi hy vọng COVID-19 dù có thế nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn có một nơi để trở về mừng năm mới. Và nếu có ai đó còn chưa được trở về, tôi mong bạn sẽ được bình an.

THU HUYỀN (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên