
Đề xuất tăng mức xử lý hành chính và hình sự đối với vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm là lời nhắc nhở người kinh doanh, từ cá nhân đến doanh nghiệp, từ bán lề đường đến trên mạng phải tôn trọng sức khỏe người tiêu dùng - Ảnh: TỰ TRUNG
Bà Trần Việt Nga - cục trưởng Cục an toàn thực phẩm - cho hay thời gian qua Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an xử lý nghiêm các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm.
Hai bộ dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có nội dung về tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng mức phạt, sửa luật an toàn thực phẩm
Theo quy định hiện nay, mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với mọi hành vi vi phạm, đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy phép, buộc tiêu hủy thực phẩm, thu hồi thực phẩm, buộc chịu chi phí xử lý ngộ độc thực phẩm, và nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật vi phạm nếu tang vật không còn.
Theo bà Nga, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, việc triển khai xử phạt sẽ quy định theo hành vi. Trong đó, các hành vi có mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên tới 100 triệu đồng, đối với tổ chức mức cao nhất tới 200 triệu đồng.
Thực tế Cục an toàn thực phẩm đã nhiều lần xử phạt và áp dụng mức xử phạt này, có đơn vị bị xử phạt tới gần 11 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng tuyên truyền là giải pháp căn cơ đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là thay đổi nhận thức của người dân, song cần nâng mức phạt hơn nữa để tăng tính răn đe.
Bộ Y tế đã xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm, đồng thời mong muốn các bộ ngành thành viên ban chỉ đạo cập nhật dữ liệu vào hệ thống này.
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang đề xuất sửa đổi Luật an toàn thực phẩmP theo ba nhóm chính bao gồm: quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thực phẩm, trong đó tập trung vào các vấn đề về đăng ký và tự động công bố sản phẩm, kiểm tra thực phẩm, kiểm tra nhà nước và quản lý các sản phẩm kiểm tra phải đặc biệt; quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phân công, phân cấp cơ sở quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Luật an toàn thực phẩm được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập về an toàn thực phẩm thời gian qua.

Mục tiêu của doanh nghiệp cung cấp suất ăn là ngày càng chất lượng và chuyên nghiệp - Ảnh: TỰ TRUNG
Một số quy định không còn phù hợp
Một trong những "lỗ hổng" về quản lý các sản phẩm thực phẩm bổ sung hiện nay là quy định tự công bố sản phẩm.
Theo Luật an toàn thực phẩm và nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm đã phân công rõ trách nhiệm quản lý, bảo đảm việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Tại văn bản này quy định Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng. Đồng thời, tùy thuộc vào từng nhóm ngành hàng sẽ có đơn vị quản lý khác nhau.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, theo nghị định 15 về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ năm 2018, các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Trong đó, các cơ sở phải có phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế quy định.
Từ năm 2018, sau khi nghị định 15 được áp dụng, cũng là thời điểm các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung và các thực phẩm thông thường không cần phải đợi cơ quan chức năng kiểm định chất lượng mà chỉ cần nộp hồ sơ theo quy định và đưa sản phẩm ra thị trường.
Sau khi sản phẩm được lưu hành trên thị trường, các cơ quan chức năng như Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Chi cục Quản lý an toàn thực phẩm, các đơn vị liên quan sẽ kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo các tiêu chuẩn vẫn được duy trì.
Qua công tác hậu kiểm, thời gian qua nhiều sản phẩm phát hiện có chứa chất cấm, ghi nhãn dán không đúng... để xử phạt và cảnh báo những quảng cáo sai sự thật đến người dân.

Nhiều người nổi tiếng đang trở thành gương mặt quảng cáo cho vô số loại thực phẩm chức năng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Kiểm tra, hậu kiểm các sản phẩm trên thị trường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Văn Trung - trưởng phòng thanh tra Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho hay theo kế hoạch hằng năm ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm sẽ ban hành kế hoạch về thanh tra kiểm tra, hậu kiểm các sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, địa phương cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra.
"Tùy thuộc vào từng địa phương sẽ tính toán dựa trên các nhóm sản phẩm có nhiều nguy cơ vi phạm an toàn thực phẩm để kiểm tra. Đồng thời sẽ kiểm tra khi có phản ảnh, tố cáo của người dân... Nếu phát hiện vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, hay sản phẩm không đảm bảo chất lượng, cơ sở sản xuất sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành", ông Trung thông tin.
Ông Trung cũng cho rằng việc lấy mẫu giám sát còn khá hạn chế và khuyến cáo bên cạnh cơ quan chức năng, người dân, các chuỗi cung ứng sản phẩm như siêu thị cũng cần tăng cường kiểm tra các sản phẩm.
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến để sửa đổi nghị định 15 vì một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trong đó sẽ bổ sung thêm nhiều quy định mới nhằm tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm và các doanh nghiệp không trung thực khi tiến hành công bố sản phẩm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca ngộ độc thực phẩm những năm qua liên tục gia tăng. Cụ thể năm 2022 cả nước có 54 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.359 người ngộ độc, 18 người tử vong.
Năm 2023 số ca ngộ độc là 125 vụ với 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong. Đến năm 2024, số vụ ngộ độc đã tăng 131 vụ khiến 4.796 người bị ngộ độc và 21 trường hợp tử vong...

Thực phẩm chế biến bán lề đường khó kiểm soát tình trạng an toàn thực phẩm - Ảnh: TỰ TRUNG
Cần thêm giải pháp đồng bộ, sát với thực tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở an toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng siết quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm không chỉ nằm ở việc tăng chế tài, mà cần thêm những giải pháp đồng bộ, sát với thực tế.
Theo bà Lan, hiện mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đã được cho tăng nhiều so với trước và thật sự nếu chỉ tính khung, mức xử phạt ít nhiều đã có tính răn đe. Nhưng ngoài chế tài, phải nhìn thực trạng, có bắt được vi phạm, có xử lý được vi phạm hay không...
Cụ thể, hiện lực lượng thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực còn khá mỏng, thậm chí thời gian tới sẽ mỏng hơn vì tinh gọn. Ngoài ra, quyền hạn của lực lượng thanh tra cũng bị hạn chế.
Cụ thể, các hành vi vi phạm thường lén lút, giấu kín, phải vào nhà mới bắt được quả tang, nhưng điều này chỉ có lực lượng công an làm được, còn thanh tra chuyên ngành thì không. Thực tế kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện chủ yếu dẫn đến việc thanh tra kiểm tra gặp khó. Ví dụ những người bán vỉa hè khi kiểm tra bỏ chạy thì phạt bằng cách nào.
Mức phạt có cao đi chăng nữa nhưng nếu lực lượng mỏng, cơ chế và quyền lực cho thanh tra ít thì khó để phát hiện xử lý các vi phạm, không phát huy hết được ý nghĩa của việc tăng chế tài.
Ngoài ra, vi phạm trong an toàn thực phẩm đã được xử lý hình sự, nhưng việc xử lý hình sự chỉ đếm trên đầu ngón tay do việc chuyển hình sự theo quy định thì lại rất phức tạp, qua nhiều khâu, thời gian khá lâu... nhiều ngành chức năng không đủ nguồn lực để có thể đi tới cùng.
Chưa kể cơ chế để phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm vẫn còn hạn chế. Điển hình như người sản xuất trộn chất cấm này kia thì họ biết rất dễ nhưng cơ quan quản lý thì buộc phải lấy mẫu kiểm nghiệm, nhưng hầu hết kiểm nghiệm theo lối mòn, cơ bản, chung chung như thịt, cá... chủ yếu kiểm tra vi sinh, có nhiễm độc tố không...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho rằng chế tài trong lĩnh vực hiện đã được tăng nhiều so với trước.
Cụ thể với hành vi không đeo găng tay, một hành vi rất cơ bản, là đã bị phạt 3 triệu đồng; không có giấy phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì mức phạt trung bình 25 triệu đồng. Đối với người kinh doanh nhỏ lẻ, vỉa hè thì mức phạt này không nhỏ.
Do đó ngoài chế tài, điều rất quan trọng là khâu thanh tra kiểm tra, phát hiện phải làm mạnh, làm đúng và làm nhiều hơn nữa.
Ngoài ra vẫn có trường hợp vi phạm chỗ này bị xử lý thì người vi phạm chuyển sang chỗ khác để đăng ký kinh doanh, hoạt động lại, thậm chí làm rầm rộ hơn. Do đó công tác đăng ký kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực cần được siết chặt hơn.
Chưa kể khi mức phạt càng cao thì nguy cơ tiêu cực trong công tác thanh tra kiểm tra thường càng nhiều, nên cần cơ chế đồng bộ trong khâu giám sát đơn vị thực thi.
"Rất đau lòng"
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hà Ngọc Cường - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - cho hay hằng ngày tiếp xúc với những người dân nhẹ dạ, những người không may bị ngộ độc "rất đau lòng".
"Đặc biệt là người bệnh nan y, mãn tính... tin vào những lời quảng cáo mà bỏ tiền ra mua các sản phẩm rồi phải đến viện trong tình trạng nặng, thậm chí nguy kịch.
Tôi nghĩ rằng với những vi phạm các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe cần tăng nặng hình phạt để răn đe.
Không chỉ là xử phạt hành chính và thu hồi sản phẩm, mà còn phải xử lý hình sự để những người có ý định buôn bán, quảng cáo các sản phẩm này biết sợ mà dừng lại", bác sĩ Cường nói.
Khi nguy kịch mới biết là sử dụng chất cấm
Mới đây, nữ bệnh nhân 27 tuổi (ở Thanh Hóa) được chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng mẩn ngứa, sưng phù, giảm thị lực, suy thận và thay đổi về nhận thức, tinh thần.
Các xét nghiệm, chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị tổn thương não nặng cả hai bên, tắc động mạch mắt hai bên dẫn đến mất khả năng nhìn. Cô gái gặp tình trạng này sau hơn ba tuần sử dụng thực phẩm chức năng giảm cân mua trên mạng.
Mẫu sản phẩm bệnh nhân sử dụng được gửi xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy có chứa chất sibutramin. Đây là chất cấm rất có hại cho sức khỏe. Đáng nói, thực phẩm bảo vệ sức khỏe này thuộc sản phẩm tự công bố. Và chỉ khi người sử dụng nhập viện nguy kịch, cơ quan chức năng mới biết sản phẩm chứa chất cấm.

Bán hàng rong lề đường hiện nay vẫn chưa được kiểm soát chặt nên xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Luật sư Trương Ngọc Liêu (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
Nâng trách nhiệm người kinh doanh lĩnh vực ăn uống
Bộ Công an trình Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để thay thế Bộ luật Hình sự hiện hành. Theo đó, liên quan đến nhóm các tội phạm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nếu so sánh với Bộ luật Hình sự hiện hành.
Điểm mới nổi bật, dễ nhận thấy của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là cả về định lượng tối thiểu cấu thành vật chất gồm: số tiền thu lợi bất chính, giá trị hàng giả tương đương, thiệt hại về tài sản và mức phạt tiền đều tăng gấp đôi so với Bộ luật Hình sự hiện hành.
Ví dụ, Dự thảo quy định "Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng (quy định hiện hành là từ 100 triệu đến 500 triệu) thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm (khoản 2 Điều 193). Tại Khoản 5 Điều 193 Dự thảo quy định "Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đến 200 triệuđồng (quy định hiện hành là từ 20 triệu đến 100 triệu đồng). Mức phạt đề xuất áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng tăng từ mức tối thiểu 1 tỷ lên 2 tỷ đồng và mức phạt tối đa tăng từ 18 tỷ lên 36 tỷ đồng (tức mức tăng gấp 02 lần).
Tôi đánh giá cao chủ trương xây dựng và từng nội dung cụ thể được quy định tại các Điều luật đã liệt kê liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm mà Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đề xuất.
Những quy định này, nếu được thông qua sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của những người có liên quan đến các quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt là những người kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống.
Quy định như Dự thảo sẽ vừa có căn cứ xử lý khi có hành vi vi phạm xảy ra, đồng thời với chế tài nghiêm khắc cũng sẽ có tính răn đe, phòng ngừa chung đối với những người có ý định làm ăn bất chính, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và đặc biệt là khi họ sử dụng các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử, một loại hình kinh doanh, phân phối phi biên giới, phi địa lý có thể tiếp cận lượng người tiêu dùng lớn.
* Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM):
Truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm bẩn
Đề xuất sửa đổi điều 317 Bộ luật Hình sự, trong đó đáng chú ý là tăng mức phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng, phạt tù tối thiểu nâng từ 1 năm lên 3 năm và đề xuất bỏ cụm từ "mà biết" cho thấy quyết tâm rất lớn trong việc xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Đây là một bước đi đúng đắn, phù hợp với thực tế khi thực phẩm bẩn, hóa chất cấm... đang âm thầm tàn phá sức khỏe cộng đồng.
Nhưng cũng chính vì luật sửa mạnh tay nên lại càng cần phải kỹ lưỡng. Việc nâng mức phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng, gấp 6 lần mức tối đa hiện nay, rõ ràng mang ý nghĩa răn đe mạnh. Với những doanh nghiệp sản xuất và cung cấp thực phẩm bẩn quy mô lớn, đây là mức phạt đủ sức nặng để họ phải dè chừng.
Tuy nhiên, nếu không có sự phân biệt rạch ròi giữa người kinh doanh lớn có chủ đích vi phạm với người nhỏ lẻ vô ý dính vi phạm thì có nguy cơ áp lực của con số 3 tỉ đồng sẽ đè lên những người này.
Một điểm nữa là luật cần làm rõ trách nhiệm của những người ở đầu chuỗi như người sản xuất, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu để có thể xử lý tận gốc, không dừng ở xử lý người bán cuối.
Bởi chính các "ông lớn" này mới là những người chủ động tạo ra thực phẩm bẩn. Tóm lại, sửa điều 317 là cần thiết nhưng phải đảm bảo ba yếu tố: xử lý đúng người, phân biệt rõ lỗi và truy trách nhiệm tới tận gốc chuỗi cung ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận