Ngày 29-5, ông Nguyễn Thiên Văn - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết ngành chức năng địa phương đang hoàn tất báo cáo gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy vụ khu biệt thự trên đất rẫy xảy ra nhiều năm nay.
Mới có chủ trương đã xây khu biệt thự trên đất rẫy
Theo ông, việc Công ty TNHH xây dựng Nam Sơn (Công ty Nam Sơn) xây khu biệt thự trên đất rẫy tại khối 7, phường Tân Lợi diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết dứt điểm.
Theo hồ sơ, vào các ngày 10 và 16-12-1987, UBND thị xã Buôn Ma Thuột ban hành hai quyết định giao 16,5ha đất khai hoang cho Hợp tác xã Nam Sơn trong 20 năm để trồng cà phê.
Tiếp đó, ngày 28-6-2003, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp 2 sổ đỏ cho Công ty TNHH Nam Sơn (lúc này đã chuyển đổi từ hợp tác xã thành công ty), tổng diện tích gần 17,5ha (gồm 16,5ha đất được giao trước đó cộng diện tích hồ nước), thời hạn sử dụng đến năm 2023.
Tuy nhiên, ngày 3-2-2005, UBND tỉnh Đắk Lắk lại ban hành quyết định thu hồi 2 quyết định cấp sổ đỏ đó cho Công ty Nam Sơn.
Do Công ty Nam Sơn khiếu nại, nên ngày 10-11-2005, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định giải quyết, chấp nhận một phần đơn khiếu nại.
Theo đó, trên diện tích 17,5ha, giao UBND TP Buôn Ma Thuột cấp sổ đỏ cho 14 thành viên Công ty Nam Sơn tổng diện tích 4,2ha (mỗi hộ 0,3ha); Công ty Nam Sơn 0,3ha; bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số gần 11ha; hồ nước 2ha.
Tuy nhiên, sau đó UBND TP Buôn Ma Thuột đề nghị giao quỹ đất 11ha (dự kiến thu hồi cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số) này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để làm quỹ đất phát triển đô thị.
Ngày 27-8-2006, Công ty xây dựng Nam Sơn có tờ trình xin giao 11ha đất này để làm hạ tầng phát triển khu đô thị và UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý về mặt chủ trương.
Do nhiều vướng mắc, gần 10 năm sau (tháng 7-2016), UBND TP Buôn Ma Thuột mới phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án nhà ở thương mại tại tổ dân phố 7, phường Tân Lợi do Công ty Nam Sơn lập. Ngày 28-3-2018, UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương và giao cho Công ty Nam Sơn làm chủ đầu tư dự án nêu trên.
Theo quyết định, dự án triển khai trên diện tích 8,6ha, xây dựng 256 căn biệt thự, nhà liên kế, nhà ở xã hội với tổng vốn hơn 222 tỉ đồng.
Vừa có chủ trương, Công ty Nam Sơn đã rầm rộ xây dựng hàng chục hạng mục đường, hệ thống nước ngầm, nhiều căn biệt thự đã hoàn thiện.
Do chưa được cấp phép, dự án phải dừng lại từ năm 2020 đến nay. Hàng chục cuộc thanh kiểm tra, rà soát, hàng trăm cuộc họp đã diễn ra nhưng vẫn chưa có lối ra…
Xử lý "tiền hậu bất nhất"
Ông Trần Xuân Quảng - giám đốc Công ty Nam Sơn - thừa nhận doanh nghiệp có sai nhưng đã đầu tư rất nhiều tiền vào dự án. "Rất mong các vướng mắc, vi phạm được xử lý sớm để tránh lãng phí đất đai, tiền bạc của doanh nghiệp đã bỏ ra để xây dựng dự án", ông Quảng mong mỏi.
Doanh nghiệp sai đã đành, nhưng việc xử lý của tỉnh Đắk Lắk cũng tiền hậu bất nhất, khiến dự án kéo dài, sai phạm không được xử lý triệt để. Ví dụ như việc năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi đất của Công ty Nam Sơn nhưng không bồi thường, nên công ty vẫn giữ sổ đỏ và canh tác bình thường.
Đáng nói hơn, dù xác định nguồn gốc đất, việc cấp đất có nhiều vướng mắc nhưng UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn đồng ý cho doanh nghiệp lập dự án xây dựng khu đô thị thương mại trên chính khu đất này. Khi xảy ra việc xây dựng trái phép, tỉnh lại thành lập tổ rà soát và việc giải quyết lại… đảo chiều.
Năm 2005, tỉnh ra quyết định thu hồi 2 sổ đỏ đã cấp cho Công ty Nam Sơn. Nhưng đến tháng 3-2019, tỉnh lại có quyết định thu hồi 2 quyết định thu hồi sổ đỏ của 14 năm trước, nghĩa là 2 sổ đỏ từng được cấp cho doanh nghiệp này được khôi phục giá trị (dù trên thực tế diện tích đã giảm 4,2ha do đã cấp cho 14 hộ - PV).
Song, tại kết luận thanh tra ngày 14-7-2023, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh thu hồi 2 sổ đỏ đã cấp cho Công ty Nam Sơn vì khu vực này đã lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở thương mại, trong khi đất cấp năm 2003 để sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
Ngoài ra, ngành chức năng Đắk Lắk xác định Hợp tác xã Nam Sơn và Công ty TNHH xây dựng Nam Sơn là hai pháp nhân độc lập, việc cấp đất trước đây là cho Hợp tác xã Nam Sơn chứ không phải Công ty Nam Sơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận