TSKH Đặng Hùng Võ dự báo 2-3 năm tới giá nhà sẽ tăng mạnh - Ảnh: B.N.
Quá trình rà soát pháp lý khiến hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương bị đình trệ. Tình trạng này làm khan hiếm nguồn cung nhà ở thời gian tới, giá nhà đang có xu hướng tăng và sẽ tăng mạnh trong 2-3 năm tới.
Chỉ nên dành 20-25% thu nhập của mình để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản để tránh những rủi ro"
TS Cấn Văn Lực
Giá nhà Hà Nội, TP.HCM cùng tăng
Tại diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên - xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020 (tổ chức ngày 19-12 tại Hà Nội), TSKH Đặng Hùng Võ cho biết trong năm 2019, thị trường chững lại vì hàng loạt dự án đình trệ do phải rà soát pháp lý, thị trường condotel giữa đường đứt gánh.
"Trong 2-3 năm tới, nguồn cung nhà ở sẽ suy giảm và giá sẽ tăng. Giờ xu hướng tăng giá nhà ở đã bắt đầu", TSKH Đặng Hùng Võ dự báo.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản - cho biết năm 2019 tỉ lệ hấp thụ sản phẩm bất động sản rất cao do cầu lớn. Cầu lớn, các dự án ra hàng bán hết ngay, một dự án của Vingroup hơn 11.000 sản phẩm chỉ bán trong một quý hết sạch căn hộ. Vì vậy, nếu địa phương không phê duyệt thêm dự án mới sẽ khan hàng.
Hà Nội sẽ là thị trường đáng lo ngại nhất, hàng sẽ hết sớm hơn TP.HCM. Việc dừng nguồn cung không chỉ xuất hiện ở Hà Nội, TP.HCM mà tất các tỉnh có thị trường phát triển thời gian qua đều dừng dự án để rà soát pháp lý.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty CBRE Vietnam cho thấy nguồn cung TP.HCM trong năm 2019 giảm 52%, Hà Nội giảm 24%. Trong khi giá nhà tại Hà Nội tăng 6%, TP.HCM tăng 12%, quan hệ cung cầu mất cân đối.
Ông Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng trong năm 2020, thị trường bất động sản vẫn giữ nhịp thở như năm nay. Nhưng thị trường có những thách thức nằm ở chính sách phát triển dự án, thủ tục và giá đất ở các tỉnh bắt đầu tăng. Chính sách có thể làm hạn chế nguồn cung, tăng giá bất động sản.
TS Cấn Văn Lực cho rằng điều chỉnh tín dụng với bất động sản giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn - Ảnh: B.N.
Tín dụng ngân hàng chiếm 60%
Năm 2019, dòng vốn vào bất động sản tăng thêm khoảng 540.000 tỉ đồng, trong đó vốn tư nhân, FDI, phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp khoảng 240.000 tỉ đồng, tín dụng ngân hàng khoảng 300.000 tỉ đồng.
TS Cấn Văn Lực - giám đốc Trường đào tạo BIDV - cho rằng tỉ lệ vốn cho bất động sản gồm 60% tín dụng ngân hàng, 40% từ các nguồn khác sẽ tiếp tục duy trì trong năm tới.
Những động thái Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng với bất động sản thời gian qua, theo TS Cấn Văn Lực, sẽ đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường. Thứ nhất, sẽ định hướng tín dụng vào lĩnh vực thực tiễn, bớt đầu cơ. Thứ hai, giúp thị trường lành mạnh về lâu dài theo hướng khuyến khích cho vay xây nhà, mua nhà, chữa nhà.
TS Lê Xuân Nghĩa - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh - lại cho rằng tỉ lệ dòng vốn của ngân hàng vào bất động sản hơi thấp.
Tiền cho vay mua nhà hiện nay khoảng 50 tỉ USD, trong đó các dòng vốn ngoại lai như kiều hối, trái phiếu có khoảng 11 tỉ USD. So sánh 2 con số này thì tín dụng ngân hàng vào bất động sản hơi thấp. Cần phải coi trọng dòng vốn ngân hàng vì đây là dòng vốn dài hạn, đảm bảo cho ngân hàng và bất động sản phát triển một cách vững chắc.
Dưới góc nhìn của nhà phát triển bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà - chủ tịch HĐQT Landora Group - cho biết dù Ngân hàng Nhà nước có xu hướng siết tín dụng bất động sản nhưng năm 2020 tình hình kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản vẫn ổn định.
Khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nằm ở các chính sách, thủ tục cấp phép dự án. Thủ tục cần phải đơn giản nhất, đặc biệt trong cách tính thuế, cần cơ chế để doanh nghiệp làm việc với cơ quan chức năng được thuận lợi hơn. Đây là điều doanh nghiệp mong muốn nhất chứ không phải vốn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, có nhiều phương pháp để huy động vốn, doanh nghiệp biết cách làm sao để tự tồn tại được mà không phụ thuộc vào chính sách. Tiền trong dân rất nhiều, chỉ riêng tiền mặt, vàng và kiều hối khoảng hơn 16 tỉ USD. Nhưng dòng vốn vào bất động sản hiện đang tắc nghẽn vì pháp lý. Bất động sản là niềm tin, nếu tạo được uy tín, niềm tin của khách hàng thì sẽ nhận được sự đầu tư của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận