09/01/2022 09:37 GMT+7

Xu hướng sắm Tết thiết thực, tiết kiệm

NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRÍ
NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRÍ

TTO - Bước vào mua sắm Tết, nhiều người cân nhắc, đong đếm sao cho ăn Tết tiết kiệm, hợp với thu nhập và còn dự phòng bất trắc.

Xu hướng sắm Tết thiết thực, tiết kiệm - Ảnh 1.

Khách chọn lựa các giỏ quà Tết với đa dạng mẫu mã tại một siêu thị trên đường Hoa Sứ, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chính vì lý do trên nên nhiều người chủ động mua sắm Tết sớm, mua rải ra tránh tập trung đông vào giáp Tết cũng như chọn mua những thứ thật thiết yếu.

Các doanh nghiệp cũng nắm bắt được xu hướng này, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh hàng ra thị trường, đưa hàng lên kệ từ sớm và tính sao để hợp túi tiền với số đông.

Hàng Tết thực chất hơn

Bà Tạ Thị Minh Hợp - giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ - cho biết nhà bán lẻ đã dự báo sức mua Tết Nhâm Dần 2022 giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021 vì trong năm nhiều người bị giảm thu nhập, tỉ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như: hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu... phục vụ cho việc đón Tết.

Ước tính, lượng hàng hóa hệ thống này chuẩn bị cho giai đoạn Tết tăng 40-50% so với lượng bán bình quân trong năm. "Chúng tôi tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực để có giá ổn định ngay cao điểm Tết vì người tiêu dùng sẽ tính toán hơn rất nhiều so với mọi năm" - bà Hợp cho biết. Ngoài ra, để phù hợp với tài chính của khách hàng, ngay trong dịp Tết hệ thống cũng tổ chức các chương trình khuyến mãi lớn, tăng giá trị giỏ hàng bằng các quà tặng hấp dẫn.

Hệ thống siêu thị của Sài Gòn Co.op cũng đã bước vào ba tuần cao điểm Tết phục vụ người dân mua sắm. Theo ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc đơn vị, các siêu thị tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu để người dân có một cái Tết thực sự đủ đầy, không thiếu thốn trong dịp Tết. Dù Tết diễn biến theo chiều nào thì người dân cũng cần có đủ những món thịt kho trứng, mâm ngũ quả, các món ăn cúng gia tiên ngày đầu năm...

Để chuẩn bị kế hoạch hàng hóa Tết năm nay, hệ thống đã đánh giá rất kỹ những điểm tác động lớn đối với thị trường. Đó là tiêu dùng Tết cũng như hoạt động vui chơi giải trí chỉ ở trong nước; xu hướng Tết "ai ở đâu ở đó ăn Tết" và có sự linh hoạt theo từng địa phương tùy cấp độ dịch.

Hàng thiết yếu vào giỏ quà tặng

Không chỉ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, các nhà sản xuất cũng chủ động cắt giảm chi phí để có giá bán tốt. Nếu như mọi năm hàng Tết sẽ tập trung vào mẫu mã cầu kỳ, đẹp mắt hay nhà sản xuất có xu hướng bổ sung thêm vi chất, yến sào, vi cá... để tăng giá trị quà biếu tặng thì năm nay, các sản phẩm "cải tiến" mùa Tết như vậy vắng bóng dần.

Đại diện Công ty Saigon Food (TP.HCM) cho biết thay vì đưa sản phẩm quà tặng có giá trị tiền triệu/hộp như Tết năm ngoái, năm nay đơn vị chủ trương tăng mạnh lượng hàng ở phân khúc bình dân, riêng lẻ, trong đó nhiều nhất là gói gia vị, nước dùng với giá chỉ vài chục nghìn đồng/sản phẩm đang khá hút khách. "Hiện hàng Tết đang được tiêu thụ mạnh với lượng xuất xưởng đã đạt khoảng 70% trong tổng 3.000 tấn thành phẩm trữ cho dịp Tết Nguyên đán và dự kiến xuất hết lượng hàng này trước Tết" - đại diện Saigon Food nói.

Theo ông Trần Đình Dũng - đại diện Công ty Dasa Thảo Mộc (TP.HCM), ngay cả mặt hàng đặc sản thường được mua nhiều vào dịp cuối năm là hành, tỏi Quảng Ngãi, ông cũng phải tính toán chia nhỏ sản phẩm từ 200 - 700g để người dân dễ dàng chọn mua thay vì bán theo bịch lớn như mọi khi. "Chúng tôi đã nhập về chuyến hàng đặc sản Quảng Ngãi với lượng gấp đôi ngày thường cung ứng cho mùa Tết theo giá khuyến mãi. Sau thời gian ảnh hưởng của dịch, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu nên doanh nghiệp phải thiết kế lại sản phẩm, đưa thêm nhiều dòng phân khúc thấp cho phù hợp" - ông Dũng nói.

Ông Bùi Thanh Tùng - tổng giám đốc Dầu thực vật Tường An - nhìn nhận với thách thức chung, quà Tết 2022 không còn nhiều những món quà hào nhoáng mà sẽ là những món quà ý nghĩa, đem lại sự bình an, mang tính thiết thực, thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương và tấm lòng của người tặng. "Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều đơn hàng từ khối doanh nghiệp, cơ quan khắp cả nước đặt các mặt hàng thiết yếu quà biếu tặng nhân viên và đối tác dịp Tết Nguyên đán" - ông Tùng cho biết.

Xu hướng sắm Tết thiết thực, tiết kiệm - Ảnh 2.

Khu vực gói hàng quà Tết theo yêu cầu khách hàng tại trung tâm thương mại ở quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG AN

Cân nhắc đưa đặc sản về phố

Dù lo lắng sức mua của thị trường nhưng nông sản, đặc sản vẫn về TP theo đúng hẹn. Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, khẳng định năm nay không thiếu hàng mà người tiêu dùng TP còn có đầy đủ những mặt hàng đặc sản do các tỉnh, TP cung cấp để đáp ứng nhu cầu sắm Tết.

Tại thời điểm này, ở nhiều cửa hàng kinh doanh đặc sản miền Trung tại khu vực chợ Bà Hoa (TP.HCM) sức mua đã tăng dần, nhiều người bán cũng tăng lượng nhập hàng để phục vụ mùa mua sắm Tết. Theo đại diện cửa hàng Tân Hội An, lượng bánh thuẫn, bánh in, bánh tét, bánh tổ... bán Tết đã được cửa hàng chủ động tăng gấp đôi, gấp ba lượng nhập so với mức thấp của bình thường và dự kiến từ nay đến Tết sẽ nhập thêm đợt hàng nữa để đảm bảo đủ nguồn cung cho khách.

Nhiều người bán ở khu chợ này cho biết dù giá nhập vào tăng, giá nguyên vật liệu như dầu, đường tăng nhưng giá bánh bán ra phần lớn ổn định, một số chủng loại tăng nhẹ so với năm ngoái như bánh thuẫn 30.000 - 40.000 đồng/chục tùy loại, bánh tét 50.000 - 60.000 đồng/đòn, bánh chưng 70.000 - 80.000 đồng/cái loại 1kg...

Trong khi đó, với đặc sản bưởi Tân Triều, đại diện Công ty Cô Ba Chuyên (Đồng Nai) cho biết dù giảm lượng thu mua của bà con nhưng năng lực đáp ứng 500 - 800 tấn trong hai tháng Tết, sẵn sàng phục vụ khách hàng xuyên suốt với giá bán giảm so với năm ngoái. Cụ thể, ngoài giao hàng miễn phí, giá 1 thùng bưởi Tân Triều được đơn vị chào bán dịp Tết này dự kiến khoảng 900.000 đồng/thùng 12 trái, giảm 300.000 - 500.000 đồng so với Tết năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Vương - đại diện cửa hàng đặc sản Lào Cai tại TP.HCM - cho biết đơn vị vừa chuyển vào chuyến hàng đặc sản Lào Cai cuối cùng để đủ lượng hàng gần 1 tấn phục vụ thị trường Tết tại TP.HCM, trong đó chủ yếu là nấm hương 450.000 đồng/kg, gạo séng cù 43.000 đồng/kg cùng các loại măng miến, rau củ... Lượng hàng trên được ông Vương cho biết đã tăng 50-60% so với bình thường, và giá bán giữ ở mức ổn định.

Xu hướng sắm Tết thiết thực, tiết kiệm - Ảnh 3.

Chủ các vườn bưởi Diễn trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức tận dụng tối đa kênh bán hàng qua mạng và giao hàng tận nhà cho khách - Ảnh: NG.PHƯỢNG

Cơ sở sản xuất Tiến Phương (Đồng Tháp) cũng vừa hoàn thành khâu chuẩn bị cho gần 2 tấn đặc sản khô các loại để phục vụ thị trường Tết, tăng gấp 5 - 7 lần ngày thường. Theo đó, giá bán được đơn vị giữ ổn định với khô cá lóc 250.000 - 280.000 đồng/kg, cá sặc 250.000 - 350.000 đồng/kg, khô cá tra 180.000 - 220.000 đồng/kg...

"Từ đây tới Tết chỉ việc là giao. Hiện lượng hàng được các mối lái đặt đã đạt 50% và còn nhiều khách có tâm lý đặt mua trễ hơn mọi năm. Chúng tôi cũng có kịch bản tăng mạnh nguồn cung nhờ nguồn nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn, đặc biệt khô cá lóc, cá tra nếu thị trường sốt" - ông Nguyễn Tiến Phương, chủ cơ sở trên, nói.

Trong khi đó, bà Tống Ngọc Mỹ Linh - đại diện cơ sở sản xuất nem, chả Kim Huệ (Long An) - cho biết đã chuẩn bị sẵn lượng hàng, nhân công để có thể tăng lượng sản xuất lên 1 tấn hàng/ngày nếu thị trường mùa Tết cần, đặc biệt lạp xưởng và nem nướng nhu cầu đang tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường. Giá bán được bà Linh cho biết vẫn duy trì như ngày thường với chả lụa 80.000 đồng/500g, nem nướng và lạp xưởng 120.000 - 130.000 đồng/500g... Bên cạnh bán sỉ và lẻ đơn thuần, đơn vị này cho biết đã liên kết hội, bán hàng chéo cho nhau và tăng sản phẩm giỏ quà tặng để tăng mức độ tiêu thụ.

Mua sắm Tết thay đổi do COVID-19

Theo dõi thị trường Tết năm nay, bà Nguyễn Phương Nga - giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam - cho rằng thực phẩm chứ không phải những mặt hàng xa xỉ mới được ưu tiên mua sắm trong đại dịch cũng như dịp cuối năm. Các khảo sát của doanh nghiệp này cho thấy những mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng trưởng mạnh về giá trị lẫn tỉ lệ hộ mua. Hành vi mua combo phổ biến và nhiều nhà sản xuất và bán lẻ đã đẩy mạnh việc bán kèm nhiều sản phẩm khác nhau.

Hãng nhìn thấy xu hướng mua bao bì lớn hoặc mua nhiều sản phẩm xảy ra ở rất nhiều ngành hàng tiêu dùng. "Dù thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh ít bị ảnh hưởng từ xu hướng chi tiêu thận trọng hơn, nhưng dịch COVID-19 đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong thị trường tiêu dùng, thể hiện qua sự ưu tiên mới trong mùa Tết này" - bà Nga nhận định.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), dự kiến sức mua tháng giáp Tết Nguyên đán sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Vì thế, Tết năm nay sẽ không có nhiều sản phẩm ngoại nhập cao cấp, hạn chế những mặt hàng độc lạ từ các nơi đổ về. Thay vào đó, nhà bán lẻ tìm những hàng Việt có cùng công năng, cùng chất lượng với giá cả tốt hơn phục vụ bà con.

Săn hàng khuyến mãi đón Tết

Theo ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op, bên cạnh xu hướng mua trữ thực phẩm, những ngày gần đây hệ thống còn ghi nhận sức mua các mặt hàng trang trí nhà cửa, thời trang... hay những sản phẩm mang tính vui Tết nhiều hơn, cũng gia tăng.

Để giảm gánh nặng chi tiêu, nhiều bà nội trợ đã chọn cách sắm Tết bằng săn hàng khuyến mãi ở các hội chợ cuối năm. Bà Ngô Thị Phụng (quận 11) cho biết bà đã sắm được 70% các mặt hàng cho mùa tiêu dùng Tết thông qua các hội chợ khuyến mãi được TP tổ chức, trong đó phần lớn là các mặt hàng khô, đồ thực phẩm chế biến có thời hạn sử dụng lâu như bún, mì khô, mứt, bánh kẹo... "Giá bán ổn định, thậm chí khuyến mãi từ sớm nên tôi chọn mua trước cho yên tâm, khỏi lo dịch bệnh, bởi đằng nào cũng phải mua để ăn Tết" - bà Phụng nói.

Ngoài săn hàng khuyến mãi, nhiều người vẫn dành khoản chi cho áo quần mới vào dịp Tết. Chị Hằng, ngụ TP Thủ Đức

(TP.HCM), khoe vẫn lên kế hoạch sắm quần áo cho hai con và bản thân. Năm nay chị may thêm áo dài ngay khi một cửa hàng online bán giảm giá dịp Giáng sinh vừa qua và áo màu sắc tươi sáng để đi chúc Tết ông bà đầu năm. Theo chị Hằng, sau một năm cả nhà chỉ biết "du lịch tại chỗ", chị vẫn hy vọng dịp Tết năm nay có thể dạo chơi ở trung tâm TP chụp hình lưu niệm cùng các con, gia đình.

Đặc sản Tết ngóng khách mua Đặc sản Tết ngóng khách mua

TTO - Dù chỉ còn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán nhưng không khí sắm đặc sản Tết tại nhiều chợ, cửa hàng... ở TP.HCM vẫn khá ảm đạm, nhiều người bán chưa dám nhập hàng về bán dù giá có nguy cơ tăng khi giáp Tết.

NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sắm tết hàng tết