Da người là nơi chứa hàng nghìn tỉ vi sinh vật, một số đóng vai trò tích cực đối với sức khỏe của da và một số thì ngược lại. Da ở vùng tai cũng không ngoại lệ.
Một nghiên cứu mới đây cho biết khi chúng ta xỏ lỗ tai, sẽ có nhiều thay đổi đối với hệ vi sinh vật trên dái tai.
Nghiên cứu do các nhà vi trùng học tại Bảo tàng Khoa học tự nhiên Redpath của Đại học McGill, Canada thực hiện. Nhóm đã thu thập mẫu da của các tình nguyện viên trước khi xỏ lỗ tai và sau khi xỏ 12 giờ, 1 ngày, 3 ngày, 1 và 2 tuần.
Nhóm phát hiện sự đa dạng của hệ vi sinh vật tăng lên đáng kể tại vị trí xỏ lỗ, trong khi nó vẫn ổn định ở những nơi khác.
Điều này có thể là do diện tích bề mặt da thay đổi sau khi xỏ lỗ tai, sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm trong và xung quanh vết thương cũng như nồng độ axit.
Nhóm cũng phát hiện, theo thời gian, 2 loài vi khuẩn trở nên chiếm ưu thế tại vùng dái tai là Staphylococcus epidermidis và Cutibacteria Acnes - khá phổ biến trong nhiễm trùng da.
Nghiên cứu trước đây cho rằng hai vi khuẩn này có xu hướng kiểm soát lẫn nhau, chỉ khi loài này hoặc loài kia chiếm ưu thế thì nhiễm trùng mới xảy ra.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.
Cảnh báo xỏ lỗ đeo khuyên trên vành tai
Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương gần đây cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng khi xỏ lỗ tai do sử dụng dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn hoặc nơi xỏ lỗ tai không được vệ sinh đúng cách, đặc biệt ở vành tai.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, muốn xỏ lỗ tai cần lựa chọn nơi uy tín được cấp phép, đồng thời cần tìm hiểu kỹ về cách chăm sóc, giữ vệ sinh sau khi xỏ lỗ tai, cũng như cân nhắc vị trí xỏ lỗ, đặc biệt là vị trí khuyên đi qua sụn vành tai do dễ gây nguy cơ viêm sụn và các biến chứng do viêm sụn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận