21/04/2020 12:07 GMT+7

Xét nghiệm COVID-19 lúc âm lúc dương, vì sao?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Hôm qua 20-4, Bộ Y tế có thông báo bệnh nhân 188 L.T.H. ở Chương Mỹ, Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm âm tính trở lại sau khi ra viện ngày 16-4 và lại dương tính với COVID-19.

Xét nghiệm COVID-19 lúc âm lúc dương, vì sao? - Ảnh 1.

Trạm test nhanh COVID-19 sau 10 phút người dân sẽ nhận được kết quả - Ảnh: NAM TRẦN

Các chuyên gia giải thích sự việc này như thế nào?

Nhiều người vất vả theo kết quả

Chỉ trong 4 ngày, có tới 3 kết quả xét nghiệm liên quan đến bệnh nhân 188. Ngày 16-4 bệnh nhân được ra viện sau 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp, ngày 17-4 bệnh nhân ho khan, tức ngực, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính, ngày 20-4 xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương lại âm tính.

Kết quả chỉ là những tờ giấy, nhưng bệnh nhân đã ra viện lại tiếp tục phải vào viện, cộng với nỗi lo lắng về sự nguy hiểm của con virus này. 

Bên cạnh đó có rất nhiều người phải vất vả sau khi bệnh nhân 188 cứ âm tính lại dương tính rồi lại âm tính như chồng con bệnh nhân phải đi cách ly tập trung, cơ quan y tế phải tổ chức phun khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân và khu vực lân cận 3 lần, 10 người có tiếp xúc gần với chồng, con bệnh nhân cũng thuộc diện cách ly.

Đây là ca bệnh thứ 2 có kết quả xét nghiệm thay đổi liên tục trong thời gian ngắn gần đây, trước đó là trường hợp bệnh nhân 22 người Anh. 

Bệnh nhân đã điều trị tại Đà Nẵng, đã được ra viện, khi đến TP.HCM để về nước thì xét nghiệm lại dương tính. Khi bệnh nhân về đến Anh, xét nghiệm lại âm tính. Bao nhiêu người lo lắng đã thở phào.

Sáng 20-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng 2 kết quả xét nghiệm trái ngược nhau của cùng một bệnh nhân, trong một thời gian ngắn có thể liên quan khả năng, năng lực xét nghiệm trong tình huống một đơn vị phải làm số lượng lớn xét nghiệm cùng lúc.

Ngoài ra cũng có thể có tình huống lây nhiễm chéo giữa các mẫu bệnh phẩm.

Trước đó, sau trường hợp bệnh nhân 22, Bộ Y tế đã họp lại với các viện đầu ngành. 

Sau cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng thời gian lấy mẫu, kỹ thuật lấy mẫu và vận chuyển mẫu cũng ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.

Có cả âm tính giả

Bác sĩ H.N.H., một bác sĩ đã tham gia lấy mẫu bệnh phẩm gần đây, cho biết do que lấy mẫu (que dạng tăm bông, yêu cầu mềm, đủ rộng và dài) tuy chỉ là vật liệu rất nhỏ trong quy trình lấy mẫu, nhưng hiện đang cạn kiệt nguồn hàng. 

Việc sử dụng loại que lấy mẫu thay thế đang bị bệnh nhân kêu đau và cứng, không lấy được nhiều bệnh phẩm, vì thế trong một số clip đăng tải trên mạng Internet, các cán bộ lấy mẫu không thu được bao nhiêu dịch tị hầu, hoặc không lấy dịch tị hầu - 1 trong 2 vị trí lấy mẫu theo quy định, mà chỉ lấy mẫu dịch họng.

"Việc không lấy mẫu dịch tị hầu hoặc lấy không đủ dịch có thể cho kết quả xét nghiệm sai lệch, âm tính giả, điều đó nguy hiểm hơn là dương tính giả bởi xét nghiệm dương tính với virus corona sẽ cần xét nghiệm thứ 2 để khẳng định, tại phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công nhận, nhưng âm tính giả nguy hiểm hơn bởi sẽ không xét nghiệm lại" - bác sĩ H. chia sẻ.

Một chuyên gia của ngành y tế cũng chia sẻ qua xem hình ảnh lấy mẫu xét nghiệm, ông nhận thấy chưa yên tâm do kết quả xét nghiệm rất phụ thuộc lấy mẫu bệnh phẩm có chất lượng. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ H. nói bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhưng không có virus ở vị trí lấy mẫu, thao tác lấy mẫu không chuẩn, tăm bông quẹt không đúng vị trí, thời gian quẹt không đủ lâu, dụng cụ không chuẩn đều dẫn đến âm tính giả.

Dụng cụ lấy mẫu không chuẩn, có chứa chất ức chế phản ứng PCR cũng dẫn tới âm tính giả. Bên cạnh đó, nguy cơ dương tính giả khi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị lây nhiễm sang mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân khác trong quá trình lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển.

"Kể cả khi Realtime PCR - tên phương pháp xét nghiệm - nhạy 100% và đặc hiệu 100% vẫn có thể có kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả. Nhưng trong 2 tình huống này, âm tính giả nguy hiểm hơn bởi ai biết được ai âm tính giả trong hàng trăm ngàn người đã được xét nghiệm" - bác sĩ H. nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:

Không có phương pháp nào chính xác 100%

Các phương pháp xét nghiệm cho đến nay không có phương pháp nào cho kết quả chính xác 100%, mà 95% tối đa nhất, 5% là không chính xác, có thể các mẫu kể trên rơi vào khoảng này.

Ở đầu mùa dịch này, có trường hợp kết quả xét nghiệm là dương tính giả ngay ở viện đầu ngành, nhưng viện thấy chưa ổn đã xét nghiệm lại và cho kết quả âm tính. Xét nghiệm nhanh ở Hà Nội có 42 trường hợp dương tính giả, sau này xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR đã cho kết quả âm tính.

3 bệnh nhân COVID-19 âm tính rồi lại dương tính, có phải tái nhiễm virus? 3 bệnh nhân COVID-19 âm tính rồi lại dương tính, có phải tái nhiễm virus?

TTO - 'Chúng tôi đang theo dõi sát trường hợp bệnh nhân 50, bệnh nhân 149 và sẽ xét nghiệm sau mỗi 48 giờ đảm bảo thật cẩn trọng, tránh nguy cơ lây nhiễm trở lại' - giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên