10/07/2022 10:57 GMT+7

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ cuối: Ngày tàn của xe tăng đã điểm?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cuộc tranh luận hiện nay về chủ đề 'xe tăng có lỗi thời hay không trước các loại tên lửa, máy bay không người lái hiện đại?' thật ra không có gì mới dù bối cảnh và tính chất chiến trường đã thay đổi đáng kể so với Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ cuối: Ngày tàn của xe tăng đã điểm? - Ảnh 1.

Bộ binh và xe tăng Indonesia luyện tập hợp đồng tác chiến năm 2019 - Ảnh: reddit.com

Chủ đề này đã từng được các nhà phân tích quân sự đặt ra từ khi xe tăng xuất hiện lần đầu tiên trong trận chiến sông Somme (Pháp) ngày 15-9-1916.

Xe tăng giống như chiếc áo khoác dạ. Bạn không cần áo thường xuyên nhưng đến khi bạn cần thì không có gì khác có thể thay thế được.

Thiếu tướng KATHRYN TOOHEY

Thiếu phối hợp tác chiến, xe tăng sẽ bị tiêu diệt

Trong tác phẩm Xe tăng: 100 năm phát triển xuất bản năm 2016, GS Richard Ogorkiewicz (Anh) mô tả trong gần một thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, rất ít quốc gia quan tâm đến xe tăng. Chỉ có Anh và Pháp tiếp tục phát triển xe tăng, sau đó đến Liên Xô nhập cuộc. 

Năm 1960, nhà sử học quân sự Basil Henry Liddell Hart (Anh) từng nhận xét: "Hết lần này đến lần khác trong 40 năm qua, các cơ quan quốc phòng cấp cao nhất tuyên bố xe tăng đã chết hoặc đang hấp hối. Cứ mỗi lần như thế, xe tăng lại bay lên từ nấm mồ họ đào sẵn để khiến họ bất ngờ".

Trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973, quân Ai Cập chỉ cần sử dụng tên lửa dẫn đường 9K11 Maylutkas do Liên Xô sản xuất cũng đủ đánh phá lực lượng thiết giáp Israel. GS sử học Stephen Mihm (Mỹ) ghi nhận một số nhà lý thuyết quân sự quy kết có lẽ xe tăng sẽ đi vào dĩ vãng. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác phân tích quân đội Israel đã mắc sai lầm chiến thuật khi điều động các sư đoàn thiết giáp mà không có bộ binh yểm trợ nên thất bại chứ không phải xe tăng lỗi thời.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ cuối: Ngày tàn của xe tăng đã điểm? - Ảnh 3.

Xe tăng Mk4 của Israel vẫn khẳng định sức mạnh ở chiến trường nếu hiệp đồng binh chủng tác chiến - Ảnh: AP

Cuộc tranh luận về "xe tăng có lỗi thời hay không?" lại tiếp tục, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001. Lúc bấy giờ quân đội Mỹ tỏ ra ưa chuộng các loại vũ khí hạng nhẹ đánh nhanh trong công cuộc chống khủng bố. 

Dường như xe tăng hạng nặng cồng kềnh đã thiếu khả năng cơ động giữa lòng đô thị khi xe tăng Leopard 2A5 của Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn ở Syria và xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ rất lúng túng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq.

Trong bối cảnh chiến sự bùng nổ ở Ukraine hiện nay, các chuyên gia quân sự khẳng định không nên tranh luận "xe tăng có lỗi thời hay không?" mà cần xem xét cách thức xe tăng phối hợp tác chiến như thế nào. Trên trang web Đại học Quân sự Mỹ (AMU), tác giả Wes O'Donnell nhận xét xe tăng chỉ sống sót nếu biết vận dụng học thuyết "vũ khí phối hợp" (binh chủng hợp thành).

Theo học thuyết "vũ khí phối hợp", cần phối hợp nhiều loại vũ khí khác nhau để đạt hiệu quả bổ sung cho nhau. Theo mô hình hiện đại của học thuyết này, một sư đoàn thiết giáp cần bao gồm các đơn vị bộ binh, xe tăng, pháo binh, trinh sát và máy bay trực thăng. 

Nếu chiến trường yêu cầu, có thể bổ sung máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và hải quân để yểm trợ. Để bảo đảm các đơn vị yểm trợ cho nhau hiệu quả, phải thực hiện tốt công tác chỉ huy, kiểm soát và phối hợp (3C).

Học thuyết chủ trương phải triển khai bộ binh đi trước xe tăng để tiêu diệt các xạ thủ ẩn nấp trang bị tên lửa chống tăng như tên lửa Javelin. Yểm trợ cho bộ binh là các phi đội trực thăng. Khi quân đội Mỹ triển khai tới Kosovo ở vùng Balkan cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, xe tăng M1A1 Abrams nặng 63 tấn vẫn xoay trở dễ dàng qua đường sá chật hẹp và cơ sở hạ tầng tồi tàn bởi lính Mỹ đã vận dụng học thuyết "vũ khí phối hợp" để bảo vệ xe tăng tránh mìn bẫy. 

Ngược lại, nếu triển khai xe tăng chỉ để lên dây cót tinh thần binh sĩ, chắc chắn xe tăng dễ trở thành mồi ngon cho tên lửa chống tăng bởi xe tăng trông mạnh mẽ nhưng không phải bất khả chiến bại. Tóm lại, vẫn còn rất nhiều dư địa cho xe tăng trong chiến tranh hiện đại nếu có một đội quân thành thạo tác chiến bằng "vũ khí phối hợp".

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ cuối: Ngày tàn của xe tăng đã điểm? - Ảnh 4.

Xe chiến đấu không người lái THeMIS của Công ty Milrem Robotics (Estonia) tập trận ở Estonia vào tháng 5-2019 - Ảnh: joint-forces.com

Những đòn phép mới bảo vệ xe tăng

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xe tăng đối mặt với mối đe dọa mới do máy bay không người lái gây ra. Theo trang web Interesting Engineering (Mỹ), giải pháp tương lai có thể là kết hợp phát triển các công nghệ tấn công và phòng thủ.

Một giải pháp tiềm năng cụ thể là xây dựng hệ thống phòng thủ sử dụng năng lượng trực tiếp (năng lượng laser hay vi sóng). Về lý thuyết, hệ thống này có thể khóa mục tiêu và phá hủy mọi loại đạn xuyên chống tăng. 

Tại Mỹ, Công ty General Dynamics Land Systems đã hợp tác với Công ty Epirus thử nghiệm vũ khí năng lượng định hướng bằng vi sóng công suất cao Leonidas làm nền tảng phòng không tầm ngắn (SHORAD). Hệ thống này sẽ được lắp trên xe kéo Stryker hoặc xe tăng chiến đấu chủ lực nhằm bắn hạ máy bay không người lái. Kết quả thử nghiệm rất đáng khích lệ vì hệ thống có thể tiêu diệt nhiều máy bay không người lái cùng lúc hoặc nhiều mục tiêu riêng lẻ trong thời gian ngắn.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ cuối: Ngày tàn của xe tăng đã điểm? - Ảnh 5.

Dù bị tiêu diệt nhiều bởi tên lửa vác vai và máy bay không người lái, xe tăng vẫn tham chiến ở Ukraine - Ảnh: AFP

Một số nhà nghiên cứu quân sự đưa ra giải pháp sử dụng xe chiến đấu không người lái được điều khiển từ xa để yểm trợ cho xe tăng. Thật ra đến nay vẫn chưa thể phát triển xe chiến đấu không người lái đến mức có thể thay thế xe tăng. 

Phát triển xe chiến đấu không người lái khó hơn cả máy bay không người lái vì tác chiến trên bộ rắc rối hơn nhiều so với trên không. Điều quan trọng là xe chiến đấu không người lái vẫn có thể bị tên lửa chống tăng có điều khiển như tên lửa Javelin và máy bay không người lái tiêu diệt. Giải pháp này bảo vệ được binh sĩ nhưng khổ nỗi thiệt hại nhân mạng không chỉ là thước đo thành công chủ yếu trong chiến tranh mà thước đo chính là đạt được mục tiêu với mức thương vong thấp nhất.

Tóm lại, viễn cảnh "xe tăng sẽ trở nên lỗi thời" có lẽ không thể xảy ra trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn. Các chiến lược của bộ binh hiện đại đều dựa một phần vào khả năng tác chiến của xe tăng và các chiến lược này chắc chắn sẽ không thay đổi cho đến khi có vũ khí nào đó tốt hơn xe tăng thay thế.

Đại tá về hưu David Johnson - nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn phi lợi nhuận RAND và Viện nghiên cứu Chiến tranh hiện đại thuộc Học viện quân sự West Point (Mỹ) nhận xét trước khi vội vã "an táng" xe tăng, đầu tiên cần trả lời câu hỏi: liệu có vũ khí nào khác bảo đảm khả năng sát thương cơ động và tự vệ trên chiến trường tương lai tốt hơn xe tăng hay không?

Năm 2019, nữ thiếu tướng Kathryn Toohey (Úc) đã từng tuyên bố: "Xe tăng giống như chiếc áo khoác dạ. Bạn không cần áo thường xuyên nhưng đến khi bạn cần thì không có gì khác thay thế được". Thái độ thận trọng của vị tướng này đã giải thích lý do vì sao xe tăng đến nay vẫn hữu ích và vì sao chưa đến lúc phải "an táng" xe tăng, trừ phi chứng minh xe tăng không còn hữu dụng nữa.

Giáp điện làm bốc hơi đạn xuyên chống tăng

Lớp giáp điện xe tăng gồm nhiều tấm dẫn điện cách nhau bằng lớp đệm không khí hoặc vật liệu cách nhiệt, biến giáp xe tăng thành tụ điện cực mạnh. Khi giáp trúng đạn, mạch điện bị ngắt làm giáp phóng điện tại điểm va chạm khiến đạn xuyên bốc hơi hoàn toàn hoặc biến thành plasma năng lượng cao, từ đó hạn chế tác động va chạm.

Các chi tiết kỹ thuật của lớp giáp điện hiện nay là thông tin tối mật, chỉ biết loại giáp này chưa được lắp đặt phổ biến trên xe tăng. Anh có thể đang phát triển lớp giáp điện xe tăng mang tên tổ hợp "Pulsed Power". Mỹ đã thử nghiệm tương đối thành công một phiên bản giáp điện cho xe chiến đấu Bradley. Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu loại giáp điện này cho xe tăng.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 6: Sát thủ chống tăng hiện đại nhất Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 6: Sát thủ chống tăng hiện đại nhất

TTO - Theo trang web Army Technology (Mỹ), hiện nay tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) là vũ khí chống tăng có sức hủy diệt khủng khiếp nhất của lục quân.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên