09/07/2022 10:33 GMT+7

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 6: Sát thủ chống tăng hiện đại nhất

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Theo trang web Army Technology (Mỹ), hiện nay tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) là vũ khí chống tăng có sức hủy diệt khủng khiếp nhất của lục quân.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 6: Sát thủ chống tăng hiện đại nhất - Ảnh 1.

Tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin của Mỹ - Ảnh: lockheedmartin.com

Trong đó Javelin là ATGM vác vai hiệu quả nhất, đã được sử dụng thành công ở các chiến trường Afghanistan, Iraq, Syria, Libya và gần đây là Ukraine.

UAV chống tăng có kích thước nhỏ, rẻ tiền, dễ sử dụng hơn tên lửa và bảo vệ binh sĩ điều khiển ở khoảng cách an toàn hơn.

Trang web INTERESTING ENGINEERING

Từ M47 Dragon đến tổ hợp Javelin

Lịch sử tên lửa Javelin bắt nguồn từ giữa những năm 1970 khi Mỹ trình làng tên lửa M47 Dragon.

Lúc bấy giờ M47 Dragon được xem là vũ khí đột phá lịch sử vì đây là ATGM vác vai đầu tiên do một cá nhân sử dụng mà không cần lắp ráp trước. Trong chiến tranh hiện đại, đây cũng là lần đầu tiên một người lính có đủ hỏa lực đương đầu trực tiếp với xe tăng ở cự ly trung bình.

M47 Dragon (các phiên bản cải tiến Dragon II và Super Dragon) mang đầu đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT) lớn nhưng thật ra hoạt động chẳng mấy hiệu quả.

Trong 10 mục tiêu, tên lửa chỉ có thể bắn trúng 2 mục tiêu (xác suất 20%). Tên lửa lại bay rất chậm, phải mất hơn 11 giây mới đạt tầm bắn hiệu quả 1km.

Ngoài ra, M47 Dragon còn vô số nhược điểm khác như nước mặn có thể ảnh hưởng đến mạch tên lửa làm giảm tầm bắn; ống phóng và bộ phận dẫn hướng tháo lắp cồng kềnh và khó nhắm; xạ thủ phải dùng mắt theo dõi mục tiêu, điều chỉnh đường đạn bằng tay và dẫn đường cho tên lửa; xạ thủ phải ngồi trước, trong và sau khi bắn nên dễ lộ diện;

khó sử dụng tên lửa trong chiến hào hoặc nhà cửa do lực phụt sau đuôi nòng. Khuyết điểm lớn nhất là tiếng nổ lớn khi điều chỉnh hướng bay nên yếu tố tấn công bất ngờ không còn và vụ nổ để lại vệt khói vô tình tiết lộ vị trí xạ thủ.

Năm 1985, Cơ quan Các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA) của Lầu Năm Góc đã bật đèn xanh cho chương trình Hệ thống vũ khí chống tăng tiên tiến tầm trung (AAWS-M) nhằm thay thế M47 Dragon.

Liên doanh Raytheon/ Lockheed Martin Javelin đã giành được hợp đồng phát triển tổ hợp tên lửa Javelin. Theo trang web Military-Today (Mỹ), Javelin chính thức được sản xuất vào năm 1994. Riêng tổ hợp đầu tiên Javelin F-Model (FGM-148F) xuất xưởng vào tháng 5-2020. Javelin có các phiên bản bắn vác vai hoặc lắp trên xe bánh xích, xe bánh lốp, xe lội nước.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 6: Sát thủ chống tăng hiện đại nhất - Ảnh 3.

Binh sĩ Mỹ trang bị tên lửa chống tăng M47 Dragon (bên phải) trong chiến dịch tấn công đảo Grenada năm 1983 – Ảnh: military-history.fandom.com

Tổ hợp Javelin vác vai gồm một bộ phận điều khiển phóng (CLU) tái sử dụng và một tên lửa bọc trong ống phóng dùng một lần. Javelin dài 1,08m với CLU nặng 6,4kg và tên lửa nặng 15,9kg, đạt tầm bắn xa 2.500m, sử dụng đầu đạn đa năng.

Thời gian triển khai và khai hỏa tên lửa chỉ mất chưa tới 30 giây. Đầu tiên xạ thủ lắp CLU vào ống phóng, sau đó dùng ống ngắm trên CLU xác định hình ảnh mục tiêu rồi gửi lệnh khóa mục tiêu và khai hỏa.

Một khi đã khóa mục tiêu, Javelin tự động dẫn đường đến mục tiêu nên xạ thủ có thể rời khỏi vị trí vừa bắn (chế độ "bắn và quên"). Javelin sử dụng hai liều đạn nổ lõm để vô hiệu hóa xe tăng trang bị giáp phản ứng nổ. Đầu đạn thứ nhất kích hoạt giáp phản ứng nổ, sau đó đầu đạn chính bắn xuyên qua giáp.

Ngoài Javelin, Mỹ còn sản xuất một số loại tên lửa chống tăng khác như AGM-114R Hellfire II Romeo, BGM-71 TOW.

Châu Âu có tổ hợp tên lửa chống tăng tầm trung thế hệ mới (MMP) và tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới MILAN ER của Pháp, vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW) của Thụy Điển... Israel đã phát triển tên lửa tấn công với đầu dò laser (LAHAT) và dòng tên lửa cầm tay/ đa năng Spike.

Nga nổi tiếng với tên lửa Kornet-EM trong khi Trung Quốc đã phát triển tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba HJ-12 (Hồng Tiễn 12).

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 6: Sát thủ chống tăng hiện đại nhất - Ảnh 4.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 và Selçuk Bayraktar - Ảnh: turkiyegazetesi.com.tr

Con rể tổng thống chế tạo UAV

Ngoài tên lửa ATGM, xe tăng hiện đại còn phải lo đối phó với mối đe dọa mới mang biệt danh "cái chết thầm lặng" từ máy bay không người lái (UAV).

Theo trang web Interesting Engineering (Mỹ), có hai cách đánh tăng bằng UAV cơ bản nhất: một là lắp bom trọng lực (bom rơi tự do) vào UAV để UAV tấn công mục tiêu như UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, hai là sử dụng UAV đánh bom liều chết như UAV Switchblade của Mỹ.

TB2 do Công ty quốc phòng tư nhân Baykar Technologies ở Istanbul sản xuất, hoạt động trong phạm vi 150km, có thể bay trên không hơn 24 tiếng để phục kích xe tăng.

TB2 mang bốn quả tên lửa chống tăng được dẫn đường bằng tia laser và đánh chính xác đến mức có thể ném xuống giao thông hào.

Nhà thiết kế TB2 là Selçuk Bayraktar, 42 tuổi - giám đốc phụ trách kỹ thuật của Baykar Technologies, một kỹ sư say mê hàng không đã có hai bằng cao học về UAV. Năm 2014, ông bắt tay vào thử nghiệm nguyên mẫu TB2 đủ lớn để chở theo bom.

Cuối năm sau, ông giám sát thử nghiệm khả năng tấn công chính xác của TB2 bằng bom giả. Đến tháng 4-2016, trong lần thử nghiệm tấn công bằng bom thật, TB2 đã tấn công trụ sở của Đảng Lao động Kurdistan (PKK), giết chết ít nhất 20 nhân vật lãnh đạo PKK.

Trong cuộc chiến Azerbaijan - Armenia năm 2020 tại Nagorno-Karabakh, UAV TB2 đã giúp Azerbaijan chiến thắng. Ukraine cũng đang sử dụng TB2 trong chiến sự Nga - Ukraine hiện nay. Ngoài ra, TB2 đã được triển khai tại Nigeria, Ethiopia, Qatar, Libya, Morocco và Ba Lan.

UAV đánh bom liều chết nổi bật nhất hiện nay là Switchblade của Công ty AeroVironment ở California. Switchblade được phát triển ban đầu để chống phiến quân ở Afghanistan, sau đó nhanh chóng trở thành mặt hàng chủ lực trong kho vũ khí của quân đội Mỹ.

Ông Wahid Nawabi - giám đốc điều hành AeroVironment - khoe: "Đây là loại máy bay không người lái duy nhất hoạt động theo kiểu như vậy".

Switchblade có hai phiên bản gồm Switchblade 300 và Switchblade 600. Hai phiên bản khác nhau do kích thước quả đạn mang theo. Switchblade 300 dài 61cm, nặng 2,2kg, được phóng từ ống phóng nhỏ, mang chất nổ có kích thước bằng quả mìn Claymore, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bộ binh và pháo binh. UAV bay với vận tốc 160km/h nhưng tầm hoạt động hạn chế chỉ chừng 15 phút hoặc phạm vi 10km.

Switchblade 600 nặng đến 54kg, hoạt động lâu 40 phút hoặc gần 40km, bay với vận tốc hơn 110km/h. UAV mang lượng chất nổ tương tự tên lửa Javelin, được thiết kế để tấn công xe tăng và xe bọc thép. Hai loại UAV đều có cảm biến tích hợp hệ thống định vị qua vệ tinh (GPS) để dẫn đường đến mục tiêu.

Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt Mỹ (SOCOM) đã sử dụng Switchblade từ đầu những năm 2010. Switchblade đã chứng minh hiệu quả trong chiến dịch quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.

Ngoài chức năng đánh tăng, Switchblade còn có thể thu thập thông tin tình báo chiến thuật, giám sát, thu thập mục tiêu và trinh sát chiến trường.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 6: Sát thủ chống tăng hiện đại nhất - Ảnh 5.

Lực lượng đặc nhiệm Nga sử dụng tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet tại Syria – Ảnh: vesti.ru

Một số người đã đánh giá kỹ sư Selçuk Bayraktar, giám đốc phụ trách kỹ thuật của Baykar Technologies, có đầu óc sáng chế tương tự như Elon Musk ở Mỹ. Trả lời tạp chí The New Yorker, ông cho biết: "Tôi tự lái bất kỳ UAV nào được chế tạo hiện nay vì tôi thích như vậy".

Một tháng sau khi thử nghiệm TB2 tấn công bằng bom thật, ông kết hôn với cô Sümeyye Erdogan, con gái út của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Hơn 5.000 người tham dự lễ cưới, trong đó hầu hết là các nhà chính trị.

*************

Nhiều tranh luận "xe tăng cồng kềnh, chậm chạp có lỗi thời trước các loại tên lửa hiện đại hay không?". Tương lai xe tăng sẽ như thế nào?

>> Kỳ tới: Tương lai của xe tăng

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 5: Xe tăng hiện đại đối đầu tên lửa Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 5: Xe tăng hiện đại đối đầu tên lửa

TTO - Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh hiện đại thuộc Học viện Quân sự West Point (Mỹ), xe tăng hiện đại muốn sống sót trước tiên cần trang bị hệ thống phòng thủ chủ động (APS).

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên