Như đã thông tin, sau khi nghe vụ xe Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người chết và 4 người bị thương, đồng thời qua dữ liệu từng công bố của Sở Giao thông vận tải TP.HCM về số lần vi phạm của các nhà xe ở địa phương khác thời gian qua, người dân không khỏi giật mình.
Cụ thể, theo trích xuất dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ, từ ngày 1 đến 31-1, Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ vận tải chất lượng cao Việt Thắng (Quảng Ngãi) vi phạm về tốc độ với 6.131 lần.
Doanh nghiệp này có 12 xe chạy tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM, vậy mỗi ngày có đến hơn 200 lần vi phạm tốc độ.
Lại điệp khúc "mất bò mới lo làm chuồng"
Trong các phản hồi gởi đến Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc cho rằng nếu các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, đừng giơ cao đánh khẽ hoặc "mất bò mới lo làm chuồng" sẽ ngăn được những mất mát đau lòng như vừa qua.
Bạn đọc Hoang Hung viết: "Xe tải, xe khách, xe kinh doanh dịch vụ đều bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình, như vậy thì cơ quan chức năng hầu như đã biết hết lỗi vi phạm.
Vậy tại sao cứ xảy ra tai nạn kinh hoàng thì mới kiểm tra và rà soát để làm cái gì, để lập biên bản xử phạt hay sao? Đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan chức năng".
Xung quanh đề xuất của một số chuyên gia “Đối với các nhà xe thường xuyên vi phạm, cơ quan chức năng cần phải rà soát và mời lên làm việc, giải trình và yêu cầu cam kết về khắc phục”, bạn đọc 5 Mì Lát phản biện: "Ý kiến này không cần thiết. Bởi vì luật đã có quy định và nhà xe nào chẳng biết luật".
Theo bạn đọc này: "Cứ vi phạm luật là xử ngay và liền, vậy nhà xe và tài xế mới tởn. Còn về giải trình, không có lý gì để vi phạm luật giao thông cả nên việc này càng không có ý nghĩa".
Về thống kê, một doanh nghiệp có 12 xe chạy tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM, mỗi ngày có đến hơn 200 lần vi phạm tốc độ, bạn đọc Nhân chỉ ra hướng xử lý như sau: "Theo cá nhân tôi, nếu đã ghi nhận được vậy thì cứ phạt tới tấp theo quy định hiện hành, 200 lần thì gửi phiếu phạt 200 lần, không nộp đồng nghĩa với việc chiếm đoạt tài sản nhà nước và cứ theo luật mà xử. Cái gì cũng có cách của nó, quan trọng là có chịu làm không".
Cần xử lý triệt để xe chạy ẩu
Đặt câu hỏi: Tại sao xe cá nhân nghiêm túc chấp hành luật giao thông, còn các xe khách xe tải lại vi phạm? nhiều bạn đọc cho rằng nếu các cơ quan chức năng làm hết chức trách của mình, sẽ hạn chế tối đa việc giành đường, thậm chí mua đường như từng xảy ra.
Về ý này, bạn đọc Trung Quang viết: "Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của cơ quan quản lý giao thông, của cảnh sát giao thông. Tại sao xe ô tô cá nhân cũng đi qua các con đường như xe khách, xe tải đi, nhưng xe ô tô cá nhân nghiêm túc chấp hành luật giao thông, còn các xe khách, xe tải lại không chấp hành luật giao thông?".
Bổ sung, bạn đọc Lê viết: "Đừng đổ lỗi xe chạy ẩu là do chưa có chế tài! Cứ áp theo chế tài hiện tại, cứ vi phạm tốc độ là lập biên bản xử lý, giam bằng theo luật thì hỏi nhà xe còn tài xế nào có bằng để chạy không? Nhà xe vi phạm 200 lần vậy đã lập 200 lần biên bản vi phạm ấy chưa?
Hãy loại bỏ nạn bảo kê, làm luật ngầm, cứ theo đúng luật mà xử thì mọi việc đâu đến nỗi như vậy?".
Còn bạn đọc Thanh đề nghị: "Đừng để khi xảy ra hậu quả rồi mới xử lý, vì có nhiều vụ gây hậu quả không thể khắc phục. Do đó, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý kiên quyết đối với các đơn vị vận tải và lái xe khách".
Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Dương viết: "Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các xe kinh doanh vận tải đã thể hiện vi phạm tốc độ rất rõ, kết hợp các camera giám sát giao thông trên các tuyến đường, là cơ sở để phạt nguội".
Theo bạn đọc này: "Quan trọng là các địa phương phải xử lý nghiêm túc. Đừng làm ngơ đối với vi phạm để cho các xe chạy ẩu xem thường pháp luật và tính mạng người dân".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận