Sau tai nạn, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Hoàng Văn Tính (37 tuổi, tài xế của nhà xe Thành Bưởi) để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chủ xe đã giao xe cho tài xế đang bị tước bằng lái nên cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc.
Tài xế xe Thành Bưởi gây tai nạn 5 người chết, đang bị tước bằng vẫn cầm lái
Xử lý trách nhiệm nhà xe Thành Bưởi?
Luật sư Trương Hồng Điền - trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết căn cứ theo điều 4, thông tư 12/2020/TT-BGTVT, trước khi người lái xe vận chuyển hành khách, người điều hành vận tải phải kiểm tra các giấy phép cần thiết như giấy phép người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy vận tải…
Hơn nữa, chủ xe hoặc người quản lý phải nắm bắt sự việc qua camera hành trình và bố trí tài xế khác điều khiển xe tiếp tục hành trình sau khi tài xế bị tước bằng. Do đó, chủ xe cần biết tài xế đang bị tước giấy phép lái xe, hoặc buộc phải biết.
Nếu chủ xe vẫn giao xe cho tài xế bị tước bằng lái thì có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự theo điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi về tội "giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Để xử lý vụ việc trên, cần xác định tài xế bị tước giấy phép lái xe có thời hạn là người đang không có giấy phép lái xe tương ứng với hạng xe gây tai nạn.
Trong vụ việc trên, chủ xe là bên sử dụng lao động nên phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình của người bị thiệt mạng. Sau đó, giữa chủ xe và tài xế sẽ phân định trách nhiệm liên đới bồi thường.
Trường hợp xác định được chủ xe không thể biết tài xế bị tước bằng (rất khó chứng minh) thì sau khi bồi thường, chủ xe có quyền yêu cầu tài xế bồi hoàn lại cho mình.
Đối với việc khoán xe cho tài xế để ăn chia lợi nhuận phải có hợp đồng. Khi có hợp đồng khoán phải làm rõ thời điểm ký, nội dung công việc được khoán và trách nhiệm các bên. Khi đó mới có căn cứ xử lý tiếp theo.
Xác định tài xế cầm lái khi đang bị tước bằng
Theo điều tra, lúc 2h25 sáng 30-9, ông Hoàng Văn Tính (37 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) điều khiển xe khách giường nằm biển số 50F-004.xx của nhà xe Thành Bưởi chở hơn 30 hành khách trên quốc lộ 20, hướng Đồng Nai đi Lâm Đồng.
Khi đến km48, đoạn thuộc ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, ông Tính chạy xe vượt bên trái xe tải biển số 60C-345.xx đi cùng chiều phía trước.
Tuy nhiên, trong lúc vượt, đầu xe giường nằm bên phải đâm vào phía sau bên trái của xe tải. Sau đó, xe khách lấn qua phần đường chiều ngược lại và đâm trực diện vào xe khách 16 chỗ biển số 86B-015.xx do anh Nguyễn Văn Cảnh điều khiển chở theo 8 hành khách.
Hậu quả anh Cảnh và ba người chết tại chỗ, một người khác chết trong bệnh viện, bốn người khác bị thương đang được điều trị.
Sau khi gây tai nạn, Tính rời khỏi hiện trường. Đến 8h sáng 30-9 tài xế này mới ra công an trình diện, khai nhận vụ việc.
Bước đầu, Tính khai lúc gây tai nạn đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái xe 3 tháng vì lái xe khách chạy quá tốc độ.
Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên do tài xế Tính lấn trái trên quốc lộ 20 rồi đâm trực diện vào ô tô 16 chỗ chạy chiều ngược lại.
Đủ căn cứ xử lý hình sự tài xế xe Thành Bưởi
Tài xế Hoàng Văn Tính điều khiển xe khách của hãng Thành Bưởi trong thời gian bị tước bằng lái xe, gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 5 người và thiệt hại về sức khỏe, tài sản khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Theo luật sư Trương Hồng Điền, hành vi này đủ căn cứ để bị xử lý trách nhiệm hình sự theo khoản 3, điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Đồng thời, tài xế phải tự mình hoặc liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân bị thiệt mạng; bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản của những nạn nhân, bị hại khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận