Một hành khách phải xách va li ra ngoài để lên xe buýt 152 ở ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vì trạm đón bị các xe khác đậu đón khách trưa 5-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xe buýt 109 sắp hoạt động lại phục vụ khách sân bay Tân Sơn Nhất
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa cho biết sẽ khởi động lại tuyến xe buýt 109 (Bến xe buýt Sài Gòn - sân bay Tân Sơn Nhất) để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh phát triển xe công cộng, giải tỏa áp lực giao thông, tình trạng "bát nháo" tại khu vực này.
Theo ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải TP, dự kiến từ 9-9, tuyến xe buýt này chính thức chạy lại. Trước đó, tuyến 109 tạm ngưng hoạt động trong thời điểm dịch COVID-19.
Giảm 31.396 tỉ đồng vốn đầu tư công ngành giao thông, tăng 10.627 tỉ đồng cho TP.HCM
Thủ tướng vừa có quyết định về việc bổ sung, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ ngành và địa phương.
Trong năm 2021 công tác thi công trên các công trường, nhất là các dự án khu vực phía Nam, đã gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 - Ảnh: VGP
Theo đó, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn ngành giao thông 31.396 tỉ đồng, điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương của các địa phương gồm Hà Nội là 8.400 tỉ; Hưng Yên là 3.700 tỉ, Bắc Ninh là 2.110 tỉ, TP.HCM là 10.627 tỉ, Đồng Nai 856 tỉ, Bình Dương 4.266 tỉ và Long An 1.397 tỉ đồng.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị được điều chỉnh giao vốn căn cứ vào khả năng cân đối vốn hằng năm, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, chỉ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã bố trí đủ các dự án chuyển tiếp theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt để hoàn thành sớm các dự án này, phát huy hiệu quả đầu tư.
Không hủy quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đề xuất dành 273 tỉ đồng hỗ trợ người dân
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, cho rằng việc kéo dài quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong khi dự án đã dừng triển khai xây dựng gây khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân, cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh.
Do đó, địa phương này kiến nghị bộ có ý kiến về quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy, làm cơ sở hoàn tất thủ tục đầu tư và thực hiện dự án đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu theo đề án ổn định sản xuất, hỗ trợ đời sống nhân dân.
Đề án này dự kiến có tổng nguồn vốn là 400 tỉ đồng, trong đó có 273 tỉ đồng được bố trí từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.
Phản hồi kiến nghị, Bộ Công Thương cho hay việc hủy các quyết định quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tại thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, do mới chỉ có chủ trương tạm dừng thực hiện dự án.
Đồng thời gây lãng phí, ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao và khó khăn nếu sau này tiếp tục thực hiện dự án. Vì vậy, hiện nay Bộ Công Thương vẫn đang kiến nghị Thủ tướng duy trì hiệu lực của quy hoạch địa điểm.
Đồng tình với đề án ổn định sản xuất, song Bộ Công Thương lưu ý việc đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu cần đảm bảo không làm thay đổi chức năng sử dụng đất với địa điểm đã quy hoạch.
Cho phép cải tạo chỉnh trang khu dân cư, xây dựng mới nhà ở nhưng phù hợp với quy hoạch, khuyến khích xây dựng nhà ở kết hợp chức năng dịch vụ thương mại, góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống.
Giảm dự toán chi đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước hơn 2.900 tỉ đồng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Theo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương trong nước 2.925 tỉ đồng của 9 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương để bổ sung dự toán tương ứng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài hơn 424 tỉ đồng của 2 bộ và 3 địa phương để bổ sung dự toán hơn 209 tỉ đồng cho 6 địa phương.
Số vốn điều chỉnh giảm còn lại là hơn 214 tỉ đồng giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bổ sung dự toán theo quy định.
Thủ tướng sẽ đối thoại với các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam vào ngày 17-9 tới
Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng vừa đồng ý tổ chức hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngày 17-9 tới, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội nghị lần này sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố, với chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".
Đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI vào Việt Nam
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ cuối năm 2021 đến nay đang có một làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tới Việt Nam, trong đó nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Apple, Foxconn, Luxshare-ICT, Samsung… đã tăng vốn đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam.
Với làn sóng đầu tư FDI mới vào Việt Nam hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều tập đoàn đa quốc gia những năm tới.
Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây ghi nhận tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam 8 tháng năm nay đạt gần 16,78 tỉ USD. Đáng lưu ý nguồn vốn FDI thực hiện (đã giải ngân) ước tính đạt 12,8 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư FDI thực hiện cùng kỳ cao nhất trong 5 năm qua.
Sẽ khai thác khoảng 1 tỉ m3 cát nhiễm mặn tại Sóc Trăng để đắp nền cao tốc ở miền Tây?
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc khai thác cát biển, cát nhiễm mặn tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng để đắp nền cao tốc Bắc - Nam và các dự án hạ tầng giao thông đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ này dự kiến sẽ khai thác khoảng 1 tỉ m3 cát biển tại đây để làm vật liệu xây dựng, san lấp trong vùng.
Tuy nhiên theo Bộ Xây dựng, cần xem lại mục tiêu này vì trữ lượng cát nhiễm mặn trong vùng biển này chỉ khoảng 13 triệu m3. Hơn nữa, cần đánh giá kỹ tác động của việc khai thác cát nhiễm mặn làm vật liệu khi dự kiến khai thác cát nhiễm mặn ở khu vực từ 10-30m nước tính từ bờ, độ sâu khai thác cát 30m có thể gây sạt lở bờ biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận