Du khách làm dấu “dislike” bên công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Hiện luật Di sản của Việt Nam đang rất chung chung, chưa phân rõ ra từng luật riêng và cụ thể (Luật di sản kiến trúc, Di sản đô thị, Di sản thiên nhiên...) mà vẫn cứ đang nhùng nhằng trong 1 luật.
Và khi luật chưa đủ mạnh để bảo vệ, chưa đủ chi tiết để dễ áp dụng thì di sản còn gặp nhiều nguy hiểm. Rất nhiều công trình vi phạm luật Di sản nhưng phải dùng luật khác để xử lý thì đủ thấy luật Di sản "yếu" cỡ nào.
Và giữa lúc "tranh tối, tranh sáng" này, rất cần những ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn phải thật mạnh mẽ để định hướng xã hội.
Không thể hiểu tại sao có những người có tầm ảnh hưởng rất lớn trong giới kiến trúc vẫn đang phát biểu chết người rằng "Cần giữ lại, cho thi quốc tế, cho các kiến trúc sư trẻ vào sáng tạo".
Công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pí Lèng - Ảnh: TTO
Xin thưa! Tầm của một người làm nghề đều phải hiểu: Kiến trúc phải đi theo quy hoạch. Quy hoạch phải đi theo định hướng phát triển, mà định hướng nào cũng cần xét đến các yếu tố về di sản thiên nhiên, di sản văn hóa.
Nếu chỉ vì đẹp, xấu, đúng, sai trên một phạm vi nhỏ mà bỏ qua tầm nhìn một đô thị, một quốc gia thì như vậy là tai họa.
Còn đưa ra bàn xem phá hay giữ: "Đã trót xây rồi, tiếc gạch ngói, bê tông nên thôi thì phạt rồi giữ đi", hoặc còn phân vân: "Nó xấu quá, cần đẹp hơn..." hay "Chủ đầu tư người ta đã bỏ bao công sức như vậy, tội người ta"… thì thực sự nguy hiểm, vì rằng:
- Như thế là luật Di sản càng chẳng ăn thua gì, không ai hiểu là phải theo luật (vùng 2 và vùng 3 của di sản thì phải thế nào).
- Như thế là thành tiền lệ xấu, mở đường cho chủ đầu tư mạnh vì tiền sẽ tiếp tục làm cho bằng được miễn là chính quyền "bật đèn xanh".
- Như thế là đang cổ súy cho việc vi phạm pháp luật, cổ súy cho việc làm liều tiếp theo "hiện tượng Panorama' trên đèo Mã Pí Lèng này.
- Và như thế có thể dự báo: các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa trong thời gian tới sẽ biến mất hoặc biến dạng rất nhanh.
Công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng vẫn mở cửa đón khách ngày 5-10 - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Cứ nghĩ về câu phát biểu của vị chủ tịch huyện Mèo Vạc rằng "Đây là công trình xây trên đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương chưa kịp chuyển đổi mục đích sử dụng".
Vậy là sắp tới còn vụ chuyển đổi được mục đích sử dụng, còn hợp thức hóa được để xây công trình như thế này thì rồi chẳng chóng thì chầy, các công trình tương tự sẽ mọc lên như nấm sau mưa.
Vì vậy theo cá nhân tôi, phải làm quyết liệt ngay từ công trình đầu tiên ở đoạn đèo này vì đây là công trình không lớn, nhưng là 1 ví dụ rất điển hình cho việc vi phạm vào không gian di sản, chứ nó không phải ví dụ điển hình của xây dựng trái phép.
Phải làm mạnh tay hơn để không nhà quản lý nào còn dám mơ hồ về luật Di sản, tự ý thức để mà cân nhắc, hành động cho đúng.
Phải làm quyết liệt để nhờ sự kiện này mà các địa phương có di sản phải chủ động học cách bảo vệ di sản vì quyền lợi sát sườn của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận