Để tránh rắc rối với nhà hàng xóm, trước khi xây dựng nhà tôi cần làm thủ tục gì để chứng minh hiện trạng tường nhà họ nứt sẵn, chứ không phải do nhà tôi đào móng gây nên?
Một bạn đọc gửi câu hỏi đến Tuổi Trẻ Online.
Luật sư TRẦN THỊ HẬU - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - tư vấn:
Hiện nay, theo quy định tại điều 174, Bộ luật Dân sự 2015, khi xây nhà cần đảm bảo nguyên tắc về xây dựng và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Như vậy, trước hết khi đào móng xây nhà của mình, cần tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo không gây thiệt hại cho nhà hàng xóm.
Trường hợp nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, nếu tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 31 của nghị định 16/2022/NĐ-CP.
Đối với trường hợp nhà hàng xóm đã nứt sẵn nhưng lại đổ cho bạn rằng do bạn làm móng nên tường nhà họ mới nứt, trên nguyên tắc đây là sự kiện pháp lý cho thấy có sự chưa thống nhất trong việc chứng minh thiệt hại của nhà hàng xóm xuất phát từ nguyên nhân nào.
Trong thực tế cũng có những trường hợp tương tự, khi xây nhà, có thể nhà kế bên đã nứt sẵn do chất lượng công trình xuống cấp hoặc do nguyên nhân khác, chứ không phải do việc xây nhà bên cạnh gây nên. Để phòng tránh những rắc rối có thể xảy ra trước khi xây nhà, bạn có thể nhờ đơn vị giám định về chất lượng công trình xây dựng tư vấn, xem xét trước tường nhà hàng xóm, công trình lân cận đất nhà mình để đánh giá tình trạng thực tế.
Nếu phát hiện các dấu hiệu nứt tường, chất lượng xuống cấp, có thể trao đổi với hàng xóm trước về hiện trạng nhà, công trình của họ và hai bên ghi nhận hiện trạng, để trước khi xây có cơ sở chứng minh hiện trạng công trình lân cận.
Đồng thời, có thể thỏa thuận với nhà hàng xóm về các giải pháp liên quan trước khi xây nhà để phòng tránh trường hợp bị đổ lỗi khi tường nhà hàng xóm đã bị nứt, hư hỏng từ trước.
Ngoài ra, có thể lập vi bằng có chứng cứ, hình ảnh, thông tin về công trình bên cạnh, phòng trường hợp có tranh chấp về sau.
Trường hợp xảy ra tranh chấp nhưng chưa có các chứng cứ từ trước để chứng minh, có thể mời cơ quan chức năng giám định chất lượng công trình xây dựng để kết luận xem nguyên nhân nứt tường nhà là do đâu, xảy ra từ thời điểm nào để xác định lỗi và trách nhiệm các bên.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận