17/12/2022 10:46 GMT+7

Xây hải đăng Hòn Hải - cuộc thử thách đặc biệt

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Sau chuyến khảo sát Hòn Hải, các phương án xây dựng hạ tầng cơ sở để làm hải đăng cho hòn đảo hiểm trở này được đặt lên bàn của những kỹ sư, chuyên gia có kinh nghiệm của Bộ tư lệnh Công binh.

Xây hải đăng Hòn Hải - cuộc thử thách đặc biệt - Ảnh 1.

Hải đăng Hòn Hải nhìn từ mặt đảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Những ý tưởng quy hoạch, phương án xây dựng ban đầu phải thay đổi về cơ bản bởi vì hòn đảo này quá hiểm trở. Tuy nhiên, công trình quan trọng nhất là hải đăng vẫn cần hoàn thành trong gian nan.

Đào hầm lên mặt đảo

Đảo hoang Hòn Hải có thời tiết, sóng gió đầy thất thường và hiểm nguy, chưa kể không có điện, nước, bến cập tàu càng khiến việc thi công khó khăn chồng thêm khó khăn.

Để làm được hải đăng trên đỉnh Hòn Hải thì phải có đường đi lên. Phương án ban đầu đưa ra là làm đường lộ thiên ven đảo. Tuy nhiên, phương án này đã phải bỏ sau những phân tích từ kết quả của chuyến khảo sát vào tháng 2-1999.

Đại tá Nguyễn Bá Hiểu, nguyên trưởng Ban quản lý dự án DK1 (Bộ tư lệnh Công binh), nhớ lại: "Ban đầu chúng tôi tính bạt núi, tạo con đường thoai thoải đi từ chân đảo lên mặt đảo.

Nhưng đơn vị khảo sát, thiết kế báo cáo địa chất của đảo không đảm bảo an toàn cho đường ven núi, phần đuôi của đảo có hiện tượng bị lở, nếu làm đường sẽ rất nguy hiểm cho người đi lại khi mùa mưa bão.

Sau khi đơn vị khảo sát, thiết kế thay đổi phương án làm đường lộ thiên bằng đào hầm, chúng tôi đã nhất trí báo cáo cấp có thẩm quyền và được đồng ý. Đó là đường hầm xuyên chéo 30 độ, đi từ dưới lên mặt đảo, dài khoảng 107m, với gần 400 bậc tam cấp".

Còn đại tá Lê Đình Tân, lúc đó là trung tá - trưởng đoàn khảo sát đảo Hòn Hải, cho biết sau khi về bờ, dựa trên số liệu, ông cùng đồng đội tiến hành thí nghiệm và lập hồ sơ kết quả khảo sát cũng như vẽ các bản đồ địa hình, địa chất, thủy hải văn.

Trên cơ sở đó, ông chủ trì thiết kế, lập dự án các công trình trên đảo. Ông nói rằng Hòn Hải có cấu tạo địa hình, địa chất rất phức tạp. Những vách đá ở đây đã bị hư hỏng do thời gian và thường xuyên có đá lở. Do đó, phương án làm đường lộ thiên như dự tính ban đầu phải hủy bỏ.

Công trình âu tàu cũng không thể làm được bởi ở Hòn Hải không có sóng trườn, sóng vỗ mà là sóng nhảy, sóng xô đập vào bờ làm rung chuyển cả đảo. Điều kiện thời tiết, thủy hải văn ở đây cũng vô cùng khắc nghiệt và diễn biến thất thường.

Do đó, việc hình thành một âu tàu ở Hòn Hải cho bà con ngư dân tránh trú hay tiếp nhiên liệu, nước ngọt đành phải gác lại. "Cách chân đảo khoảng 15m, độ sâu của biển là 40m, ra nữa là 60m nên không thể làm âu tàu được, sóng sẽ đánh bay hết", đại tá Tân nói.

Sau khi được duyệt, đại tá Tân bắt đầu vẽ thiết kế đường hầm. Giữa năm 2002, đường hầm lên đảo Hòn Hải được đào. Trước đó từ giữa năm 2001, công trình bến cập tàu, bãi liền bến, nhà ở, nhà ăn và một số công trình khác đã được triển khai xây dựng.

Xây hải đăng Hòn Hải - cuộc thử thách đặc biệt - Ảnh 3.

Ngọn hải đăng đã sừng sững trên đỉnh đảo Hòn Hải cực kỳ hiểm trở - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Soi đường biển Hòn Hải

Cuối tháng 2-2019, chúng tôi có dịp theo tàu cùng những công nhân đèn biển ra Hòn Hải để thay kíp gác đèn và đã chứng kiến sự khốc liệt, thất thường của sóng gió ở đây.

Theo ghi nhận khoa học và kinh nghiệm ngư dân, hằng năm ở đây chỉ có chừng 3-4 tháng, từ tháng 3 đến tháng 6, là biển êm.

Từ khi có hải đăng Hòn Hải năm 2004 đến nay có rất nhiều chuyến tàu thay người, tiếp tế lương thực của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ đã phải quay về Phú Quý vì tàu không thể cập được đảo.

Những người từng thi công ở Hòn Hải cho biết năm 2001 phải nghỉ làm 5 tháng vì sóng to gió lớn và trong ba lần ra đảo thì chỉ có một lần lên được.

Đặc biệt trong năm 2002 có đến bốn đợt sóng lớn, hất qua cả nóc nhà công tác cao 18m. Thường từ tháng 7 đến tháng 11-2002, gió ở đây giật cấp 5-7, trên cấp 7.

Có chuyến sà lan chở vật liệu ra đảo phải mất gần hai tháng mới chuyển hết được lên đảo. Đó là chưa kể có những chuyến chở vật liệu ra mà đành phải quay về, hoặc chỉ mới chuyển được một phần lên đảo thì sóng gió nổi lên lại quay về.

Cứ như thế phải vài ba lần tàu ra mới chuyển hết hàng của một chuyến. Thậm chí, có những lần sóng biển đã đánh bay, trôi đi hàng trăm tấn vật tư, thiết bị.

Đại tá Hiểu nhớ lại lúc đó vì quá khó khăn do thời tiết, quá trình đi đảo lại bị mất mát vật tư khiến tiến độ ban đầu chậm so kế hoạch. Nhưng ông cùng các đồng đội không nản lòng.

"Vì danh dự và trách nhiệm nên không thể báo cáo với cấp trên xin dừng được", đại tá Hiểu tâm sự. Sau những chuyến đưa vật liệu ra không thành công, ông cùng đồng đội của mình quyết tâm tính toán lại. Đó là tập hợp vật liệu đầy đủ trong bờ rồi tận dụng lúc biển êm nhất chuyển ra một lần, để có vật liệu thi công cho cả năm đó.

Đó là đóng gói từng bao cát, từng ký xi măng vừa sức người vác. Bê tông chống xói lở đúc sẵn trong bờ không quá nặng để anh em còn khiêng được. "Hồi đó, chúng tôi quý từng hạt cát, từng gam xi măng, từng viên đá, cục bê tông như hạt gạo thời nghèo khó. Lỡ mà rơi xuống biển thì xót xa lắm, xót ruột lắm!", đại tá Hiểu tâm sự.

Khó khăn trong chuyển vật liệu được giải quyết xong thì những người lính công binh lại đối mặt với khó khăn đào hầm. Đại tá Tân kể khó khăn nhất khi đào hầm trên đảo là không thể đào bằng tay hay máy mà phải dùng phương pháp nổ mìn.

"Thiết kế khoan nổ phải đảm bảo chính xác và khoa học làm sao cho bộ đội công binh khoan được các lỗ sâu khoảng 1m để nạp thuốc nổ.

Phải đảm bảo sau khi nổ đạt được hình dạng đường hầm như thiết kế, đá đảo phần ngoài đường hầm còn nguyên không bị phá và vẫn đảm bảo không nứt nẻ, không sụt sạt trong suốt quá trình đào tiếp theo", đại tá Tân nói.

Để đảm bảo an toàn cho đường hầm, phải đổ bê tông liền khối để tránh nứt nẻ, sạt lở mái. Nhưng ở Hòn Hải không thể bơm bê tông bằng máy bơm như trong bờ vì không thể đưa máy ra đảo. Vậy là đại tá Tân tự thiết kế, chế tạo bình bơm bê tông mini.

Sau khi đào từng đốt hầm dài 1m xong thì lắp dựng thanh bê tông cốt thép đúc sẵn chống đỡ tạm rồi tiến hành đào tiếp đốt khác. Đào thông hết chiều dài đường hầm thì tiến hành lắp dựng cốt thép, ván khuôn từng đốt và bơm bê tông từ dưới lên.

Cứ thế tiến hành đổ bê tông hết đường hầm. Bậc thang lên xuống được xây sau khi bê tông đã đạt cường độ chịu lực. Cũng tiến hành xây từ dưới lên.

"Tất cả các công việc đào, lắp dựng cốt thép và đổ bê tông trong đường hầm với chiều rộng 1,5m, cao 2,4m chật hẹp là rất khó khăn nên thời gian thi công dài", đại tá Tân kể.

Cuối năm 2004 sang đầu 2005, cơ bản đường hầm xuyên núi Hòn Hải được đào xong. Cũng từ đây, hải đăng Hòn Hải được bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải và bắt đầu sứ mệnh của mình.

Đảo Hòn Hải rộng hơn 3ha, nằm ở tọa độ 09058’28" vĩ độ Bắc - 109005’02" kinh độ Đông - cách đất liền gần 150km, cách đảo Phú Quý 58km. Chim hải âu là loài vật duy nhất sống trên đảo này.

Đến nay, cả đại tá Tân, đại tá Hiểu và tất cả mọi người đều hài lòng với phương án đào hầm xuyên đảo Hòn Hải. Bởi đường hầm vừa đảm bảo an toàn cho đi lại và vừa làm nơi ẩn náu cho công nhân đèn biển mỗi khi có bão lớn, dông tố.

Vượt sóng gió, thậm chí đã có người hy sinh, nhưng những ngọn hải đăng ở Trường Sa, ở Hòn Hải đã rực sáng. Và mỗi ngọn đèn là một minh chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Kỳ cuối: Ngọn đèn là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 4: Khảo sát đảo Hòn Hải hiểm trở Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 4: Khảo sát đảo Hòn Hải hiểm trở

TTO - Ngư dân Bình Thuận còn gọi Hòn Hải là "Hòn Hài" bởi hình dạng giống chiếc giày. Bốn mặt đảo là đá dựng đứng cao đến 110m. Xung quanh đảo toàn đá ngầm, sóng hiểm, xoáy ngầm.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên