15/12/2022 13:00 GMT+7

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 3: Hải đăng rực sáng Trường Sa

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Chỉ một năm sau chuyến khảo sát đặc biệt, những người làm nghề đảm bảo an toàn hàng hải đã quay trở lại Trường Sa để xây những ngọn hải đăng đầu tiên trên vùng biển phên giậu Tổ quốc.

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 3: Hải đăng rực sáng Trường Sa - Ảnh 1.

Hải đăng Song Tử Tây tháng 6-1994 - Ảnh tư liệu

Mỗi người một việc, mỗi nhóm xây một hải đăng nhưng đều chung một quyết tâm làm sao để nhanh chóng có những ngọn đèn trên vùng biển mà cha ông mình xác lập chủ quyền.

Không chùn bước

Kết quả chuyến khảo sát đặc biệt cuối tháng 10-1992 là cơ sở, tiền đề quan trọng để xây dựng những đèn hải đăng Trường Sa đầu tiên ở Song Tử Tây, Đá Tây, Đá Lát. Cũng dựa vào kết quả này để những người đi xây đèn biển tham khảo mà xây thêm những ngọn đèn khác ở vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.

Gặp sự cố lật ca nô ở Đá Lát vào chiều muộn 25-10-1992, 14 con người đã đối mặt với tử thần nhưng ngay chiều 26-10-1992, đoàn khảo sát cùng tàu Mỹ Á đã quay lại Đá Tây để những kỹ sư, công nhân tiếp tục hoàn thành toàn bộ số liệu thủy văn, thủy triều, địa chất của đảo này. 

"Chúng tôi phải khoan, phải khảo sát kỹ càng nơi dự kiến sẽ đặt đèn biển dù lúc đó nhiều thiết bị, máy móc chìm, trôi mất khi ca nô lật. Đó là một cảm biến từ của máy đo độ sâu, một bộ gương máy quang điện, một chân máy đo kinh độ - vĩ độ", ông Đặng Dong nhớ lại.

Có những dụng cụ chuyên biệt do thành viên đoàn khảo sát cố gắng giữ, cầm theo khi bơi thoát nạn hay bộ đội hải quân lặn tìm giúp thì cũng ngấm nước mặn như máy quang điện, máy đo độ sâu, máy kinh vĩ, máy bộ đàm. Để khắc phục, mọi người đem máy ra lau chùi, sấy khô và tiếp tục sử dụng.

Sau khi ổn định tình hình, khắc phục việc thiếu máy móc, ông Đặng Dong đánh điện về báo cáo rằng đoàn sẽ tiếp tục khảo sát địa hình phần còn lại của Đá Tây, tiếp tục khoan địa chất theo đề cương và khảo sát vị trí đặt đèn biển ở đây.

Đối với số liệu khảo sát của đảo Đá Lát khi ca nô lật đã mất toàn bộ băng đo sâu. Tuy nhiên rất may khi thăm dò đảo này, đoàn đã khảo sát bằng nhiều phương pháp nên vẫn còn số liệu. "Sáng sớm 26-10, khi còn ở trong nhà của bộ đội, tôi và đồng nghiệp đã tranh thủ lặn kiểm tra lại đảo", ông Đặng Dong nhớ lại. 

Nhờ đó, ông Đặng Dong gửi điện báo về đã chọn được vị trí đặt đèn hải đăng và cũng có phương án thiết kế móng cho đèn hải đăng Đá Lát. Để đảm bảo những số liệu cho chính xác, ngày 30-10, đoàn khảo sát đã cho một thợ lặn cùng một kỹ sư quay trở lại Đá Lát để thu thập số liệu độ sâu và đánh dấu vị trí xây đèn biển ở đây.

Riêng đội quay trở lại khảo sát ở Đá Tây, liên tục từ ngày 26 đến 28-10, đã khoan được nhiều mũi ở độ sâu đến 13 mét vào đá cứng, đồng thời cũng đo đạc xong toàn bộ địa hình nơi làm cầu cảng...

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 3: Hải đăng rực sáng Trường Sa - Ảnh 2.

Hải đăng Đá Tây ở Trường Sa năm 1994 - Ảnh tư liệu của ông LƯU VĂN QUẢNG

Trở lại Trường Sa, xuyên đêm xây đèn hải đăng

Sau chuyến khảo sát ở Đá Tây, Đá Lát ở quần đảo Trường Sa vào tháng 10-1992, việc xây dựng hải đăng được triển khai ngay. Trong số 14 người thoát chết ở đảo Đá Lát đêm 25-10-1992, có những người đã quay trở lại Trường Sa để xây đèn hải đăng, trong đó có ông Lưu Văn Quảng, ông Phạm Thanh Bình.

Tháng 5-1993, ông Lưu Văn Quảng chỉ huy tàu chở gần 60 công nhân cùng hơn 4.000 tấn vật tư ra Song Tử Tây và trực tiếp chỉ huy xây dựng ngọn hải đăng đầu tiên ở quần đảo Trường Sa. Gần 30 năm - tháng 10-2022, chúng tôi gặp ông. 

Khi kể về chuyến khảo sát và những lần ra Trường Sa chỉ huy xây đèn hải đăng, giọng ông Quảng vẫn hào sảng, nhớ từng chi tiết như chuyện vừa xảy ra. Ông quả quyết rằng nếu được quay lại và chọn lựa ông vẫn sẵn sàng lên đường đi Trường Sa.

"Khi được giao nhiệm vụ quay lại Trường Sa để xây đèn hải đăng, tôi rất vui vẻ và tự tin nhận nhiệm vụ. Đối với tôi lúc đó không có ý nghĩ sợ sệt sau khi thoát chết ở Đá Lát mà chỉ nghĩ làm sao để nhanh chóng có những ngọn đèn hải đăng của đất nước mình trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc", ông Quảng nhớ lại.

Ngày 17-5-1993, ông Quảng cùng gần 60 công nhân và hơn 4.000 tấn vật tư chở trên ba chiếc tàu quay lại Trường Sa để xây dựng hải đăng Song Tử Tây. Ông nhớ lại lúc đó để vận chuyển vật tư, vật liệu vào Song Tử Tây, tàu chở vật liệu phải neo ngoài xa rồi dùng ponton đưa từng mã hàng vào sát đảo, mỗi chuyến chỉ được khoảng 1,5 đến 2 tấn.

Từ ponton, công nhân ngâm mình dưới nước, chân đạp trên san hô gùi, vác, khiêng từng loại vật tư lên đảo... Để kịp tiến độ, ông Quảng cùng hơn 50 công nhân đã trộn 300 khối bê tông làm móng xuyên đêm. 

"Người này mệt vào nghỉ ngơi chút có người khác ra thay. Người nào đói vào ăn, có người đã ăn ra thay. Cứ như thế chúng tôi thay nhau làm. Mất hai ngày hai đêm thì xong phần móng của hải đăng Song Tử Tây. Khi hoàn thành nhìn lại từ cán bộ đến công nhân ai cũng hốc hác, gầy đi, tóc cháy thành màu hung đỏ", ông Quảng nhớ lại.

Cuối 1993, hải đăng cấp 1 Song Tử Tây cao gần 40 mét hoàn thành và phát đi ánh sáng với hiệu lực từ 21-22 hải lý. Đó là hải đăng đầu tiên ở quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Việt Nam.

Cũng giữa năm 1993, ở một hướng khác, ông Phạm Thanh Bình chỉ huy đội xây dựng hải đăng Đá Lát. Việc dựng đèn hải đăng Đá Lát vô cùng vất vả và gian nan vì đây là đảo chìm. Hải đăng này có hai cấu kiện riêng biệt với thân đèn là bê tông cốt thép nặng đến 600 tấn, tháp đèn là ống thép mạ kẽm cao đến 36 mét. Những cấu kiện này được thi công sẵn trong bờ rồi dùng sà lan kéo ra Trường Sa.

Việc kéo sà lan chở hai cấu kiện này ra đến công trường đã khó thì việc lắp đặt chúng với nhau ngoài biển càng khó. Ông Đặng Dong nhớ lại lúc thi công dựng hải đăng Đá Lát anh em chủ yếu làm bằng tay, thủ công, mỗi tháng chỉ có 4-5 ngày nước lớn thì sà lan mới làm việc được. Do đó, hải đăng Đá Lát xong sau hải đăng Song Tử Tây. 

"Nguy hiểm rình rập những người thi công đèn Đá Lát đến phút cuối của hành trình. Đó là lúc hải đăng Đá Lát đã được lắp dựng an toàn, khi quay trở về đất liền cũng là lúc gió mùa Tây Nam nổi lớn, sóng biển giật cấp 6, cấp 7. Nhưng rồi tất cả đã vượt qua an toàn", ông Đặng Dong nhớ lại.

Tiếp đó, các năm 1994, 1995, ông Lưu Văn Quảng lại ra Trường Sa để xây tiếp hải đăng Đá Tây và An Bang và hoàn thành trong các năm này...

Từ những ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng cách đây gần 30 năm, đến nay tổng cộng đã có chín ngọn hải đăng ở Trường Sa gồm Song Tử Tây, Đá Tây, Đá Lát, An Bang, Tiên Nữ, Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết. Ngoài ra còn có bốn đèn hải đăng khác ở vùng biển thềm lục địa phía Nam gồm Ba Kè, Quế Đường, Huyền Trân và Phúc Tần.

Ông Bùi Đức Nhuận - nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam - kể lại trong hồi ký của mình rằng chính ông là người đã trực tiếp đề xuất với cấp trên về tính cấp thiết phải xây các đèn hải đăng cố định ở Trường Sa và đều được đồng ý.

Sau cùng, ông được bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lúc đó là Lê Ngọc Hoàn gọi đi cùng để thuyết minh thêm với những lãnh đạo cao cấp nhất, trong đó có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

___________________________________________________

Năm 1999, những người lính hải quân và công binh đi khảo sát Hòn Hải, đảo nhỏ nhưng cực kỳ hiểm trở, khắc nghiệt ở Bình Thuận.

Kỳ tới: Khảo sát xây hải đăng ở Hòn Hải hiểm trở

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt

TTO - 30 năm trước, hải đăng đầu tiên - đèn biển ở Trường Sa bắt đầu được nghiên cứu, xây dựng trên đảo Song Tử Tây, Trường Sa.10 năm sau, hải đăng trên đảo Hòn Hải, Bình Thuận, nơi hiểm trở, khắc nghiệt, được triển khai.


ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên