13/12/2022 09:34 GMT+7

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - 30 năm trước, hải đăng đầu tiên - đèn biển ở Trường Sa bắt đầu được nghiên cứu, xây dựng trên đảo Song Tử Tây, Trường Sa.10 năm sau, hải đăng trên đảo Hòn Hải, Bình Thuận, nơi hiểm trở, khắc nghiệt, được triển khai.

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt - Ảnh 1.

Tàu Mỹ Á ở TP.HCM trước khi chở người ra biển Trường Sa để khảo sát xây hải đăng - đèn biển - Ảnh tư liệu

Những hải đăng - đèn biển thắp sáng chủ quyền Tổ quốc này đã được xây dựng thế nào?

30 năm trước, tàu Mỹ Á chở 55 cán bộ, nhân viên Cục Hàng hải, Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải I và những đơn vị có liên quan ra Trường Sa để khảo sát, đo đạc khí tượng thủy văn. Mục đích xây dựng hải đăng, qua đó khẳng định chủ quyền Tổ quốc bằng những hoạt động dân sự.

Nhiệm vụ xuyên bão

Ông Bùi Đức Nhuận (82 tuổi), nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam, rất hào hứng và đầy cảm xúc tự hào khi nói chuyện về hải đăng ở Trường Sa. "Quan trọng nhất của các đèn biển ở Trường Sa là minh chứng dân sinh, là hướng dẫn hải hành cho tàu bè qua lại ở Trường Sa. Đó là những việc làm cụ thể để bảo vệ vùng biển phên giậu Tổ quốc", ông Nhuận nói.

Ông Nhuận nhớ khoảng năm 1992, ngành hàng hải báo cáo với cấp trên đề nghị cho phép nghiên cứu xây dựng hệ thống đèn biển vĩnh cửu ở Trường Sa. "Việc này để thể hiện hoạt động dân sự ngay trên đất của mình và cũng để thực hiện quy hoạch hệ thống đèn biển Việt Nam đã được phê duyệt từ 1977", ông Nhuận cho biết. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành là phải xây được đèn biển ở bốn cực: Đông - Tây - Nam - Bắc của quần đảo Trường Sa và một đèn ở trung tâm Trường Sa tại các đảo: Tiên Nữ, Đá Lát, An Bang, Song Tử Tây và Đá Tây.

Nhưng để xây đèn hải đăng tại các "đảo chìm" ở Trường Sa cần phải khảo sát, đo đạc.

Giữa 1992, Bộ Giao thông vận tải thành lập đoàn khảo sát để xây hải đăng tại Trường Sa với 55 cán bộ, kỹ sư là người của Cục Hàng hải Việt Nam, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải I, Tổng công ty Thiết kế giao thông vận tải và những người của các đơn vị liên quan khác. Ông Đặng Dong, phó trưởng ban xây dựng cơ bản (Cục Hàng hải Việt Nam), làm trưởng đoàn. Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải I cũng cử những cán bộ, kỹ sư giỏi nhất về khảo sát, thiết kế, xây dựng đèn biển.

Thông thường những chuyến tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ khảo sát, khoa học chọn thời điểm sóng yên biển lặng từ tháng 3 đến tháng 6, "tháng 3 bà già đi biển". Những tháng còn lại chủ yếu là biển động. Nhưng vì nhiệm vụ cấp bách, đoàn khảo sát phải ra biển vào gần cuối năm để kịp xây hải đăng đầu năm 1993. Chưa kể, năm 1991, ở quần đảo Trường Sa đón chín cơn bão trong đó có bão Yuri - được cho là bão mạnh nhất vào năm đó. 

Ông Bùi Đức Nhuận lý giải rằng vào khoảng mười ngày cuối tháng 10 hằng năm, biển Trường Sa thường êm hơn vì đây là lúc chuyển mùa giữa Đông Bắc và Tây Nam. Do đó, sau khi cân nhắc kỹ, Bộ Giao thông vận tải và đoàn khảo sát quyết định tiến ra Biển Đông vào thời điểm biển động nhất trong năm để tranh thủ những ngày biển êm làm việc, khảo sát.

Ngày 17-10-1992, tất cả 55 thành viên đoàn khảo sát hội quân đầy đủ tại TP.HCM.

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt - Ảnh 2.

Đoàn khảo sát xây dựng đèn biển ở Trường Sa trên tàu Mỹ Á - Ảnh tư liệu

Khảo sát trong sóng gió

Chiều 17-10-1992, từ cảng Nhà Bè, tàu Mỹ Á chở 55 thành viên đoàn khảo sát nhổ neo tiến ra Trường Sa. Thế nhưng, sáng 18-10, tàu nhận bức điện báo rằng ở Trường Sa đang có bão lớn và cấp trên yêu cầu dừng ở Vũng Tàu chờ lệnh.

Ông Đặng Dong nhớ lại mình cùng ba phó đoàn liền hội ý. Thuyền trưởng Hà Xuân Vũ tự tin nói rằng có thể đưa đoàn ra Trường Sa an toàn. Tuy vậy, ông Dong vẫn lo lắng bởi con tàu chở 55 người nên hỏi lại thuyền trưởng Vũ một lần nữa. Chỉ huy tàu Mỹ Á vẫn khẳng định sẽ đảm bảo an toàn cho mọi người. "Anh Hà nói với tôi rằng yên tâm đi, sẽ cho tàu ra Phú Quý né bão, rồi đi tiếp, chứ chờ hết bão mới đi thì lâu mà công việc khẩn trương", ông Dong nhớ lại. Vậy là tàu Mỹ Á rời Vũng Tàu mà phía trước bão lớn đang chực chờ.

Khi thấy các giàn khoan dầu khí ngoài khơi Vũng Tàu, tàu Mỹ Á bắt đầu đối diện với bão. Càng ra xa, tàu càng chao đảo như chiếc lá giữa biển. Những con sóng cao như nhà tầng vồ chụp lấy con tàu làm các thiết bị, máy móc, vật dụng dùng cho chuyến khảo sát bị xô dồn tứ tung, có cái rơi xuống biển chìm nghỉm.

Ông Dong kể lại trước khi đối mặt với bão, mọi người uống thuốc chống say nhưng tất cả đều không có tác dụng. Thậm chí thủy thủ lái tàu cũng không chịu nổi, phải dùng một cái xô để cạnh lái, vừa nôn ói, vừa điều khiển tàu. 

"Tất cả đều nằm bẹp. Chỉ có hai người không say sóng, mạnh khỏe là anh Đinh Xuân Thự và y sĩ Nguyễn Bá Linh. Họ phải đi tiếp nước, thức ăn, chăm sóc sức khỏe cho những người say sóng", ông Đặng Dong nhớ lại. Để vượt sóng gió, giảm lắc cho tàu, thuyền trưởng Hà Xuân Vũ phải cho tàu chạy chéo sóng, đè sóng. Và để khắc phục việc mất mát, hư hỏng thiết bị, vật dụng, mọi người cố gắng gượng dậy cùng hàn vật dụng chết vào mặt boong tàu.

Sau 40 tiếng đồng hồ vượt sóng giữ, hiểm nguy, sáng 19-10-1992 tàu Mỹ Á đến đảo Đá Tây. "Nhìn thấy tàu chúng tôi, anh em hải quân trong đảo liền đi ca nô ra đón vào. Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ, mừng đến chảy nước mắt. Mừng vì chúng tôi thoát bão an toàn. Anh em hải quân mừng vì lâu rồi chưa có người ghé đảo", ông Dong xúc động kể như chuyện vừa mới xảy ra.

Đến được vị trí cần khảo sát rồi nhưng thời tiết còn xấu, cộng với những người trong đoàn khảo sát vừa trải qua 40 tiếng đồng hồ vật lộn với sóng gió nên chưa thể tiến hành ngay. Tuy nhiên, chỉ nghỉ ngơi một ngày, đoàn đã bắt tay ngay vào việc. 

Ngày 20-10, những dụng cụ dùng cho khảo sát được chuyển lên đảo Đá Tây. "Có nhiều thứ bị hư hỏng sau bão, chúng tôi tự khắc phục, sửa chữa tại chỗ. Và có khi chúng tôi phải dò biển vào ban đêm khi sóng gió có phần êm êm", ông Đặng Dong kể.

Phải vượt bão trên đường đi, đối mặt với sóng to, gió lớn khi làm việc. Nhưng từ ngày 20 đến ngày 24-10, đoàn khảo sát đã làm được một khối lượng công việc nặng nề, hoàn thành nhiệm vụ. Đó là xây dựng xong bản đồ tỉ lệ 1/1000, khảo sát xong khu vực xây đèn biển, xây cầu cảng, khoan nhiều lỗ sâu đến 110m.

"Khảo sát xong, ai cũng vui mừng, hân hoan. Vui vì trong khó khăn, nhiệm vụ đã hoàn thành một, nhưng vui mười vì nghĩ đến cảnh mai này ở đây - Đá Tây sẽ thuận lợi cho tàu bè ra vào vì có đèn biển, có cầu cảng", ông Đặng Dong xúc động chia sẻ.

Bức điện đầu tiên khi ra đến Trường Sa, tàu Mỹ Á gửi về đất liền viết: "10h55 ngày 19-10, tàu đã thả neo ở vũng Đá Tây, cách nhà trên bãi phía Đông 0,7 hải lý. Gió bấc cấp 8, thời tiết này chưa thể cho phép triển khai công việc".

Một bức khác viết: "Tình hình thời tiết không thuận lợi. Sức khỏe anh em còn chịu đựng được. Chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nếu điều kiện cho phép. Hiện đoàn đang ở đảo Đá Tây sẽ thực hiện phương án khảo sát. Khi thời tiết thuận lợi sẽ chuyển sang Đá Lát".

****************

Trong khó khăn, nhiệm vụ khảo sát Đá Tây đã hoàn thành. Nhưng một lần nữa, sóng gió biển cả lại thử tinh thần, sức người: 14 người trong đoàn khảo sát gặp nạn khi ca nô bị đánh chìm ở Đá Lát...

>> Kỳ tới: Đối mặt tử thần

Bạn có biết: Nơi nào có ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam? Bạn có biết: Nơi nào có ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam?

TTO - Cuộc thi trắc nghiệm 'Ấn tượng Việt Nam' năm 2022 gồm 10 bài trắc nghiệm về những địa danh nổi tiếng, kiến thức địa lý, phong tục, tập quán, lễ hội lớn ở các tỉnh thành khắp cả nước.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Trường Sa