15/12/2022 07:46 GMT+7

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 2: Đối mặt tử thần

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Chiều 24-10-1992, đoàn khảo sát, nghiên cứu xây dựng hải đăng ở Trường Sa trên Biển Đông quyết định chia đôi - một nhóm ở lại Đá Tây tiếp tục hoàn chỉnh công việc, một nhóm lên tàu Mỹ Á sang Đá Lát.

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 2: Đối mặt tử thần - Ảnh 1.

Phút Biển Đông êm hiếm hoi trước con sóng hiểm nguy - Ảnh tư liệu

Sóng như bức tường đổ ụp xuống ca nô

"Chúng tôi quyết định chia đôi đoàn khảo sát để tranh thủ thời tiết mà hoàn thành nhiệm vụ càng sớm càng tốt", ông Đặng Dong kể lại. Ông đánh điện gửi về cho Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Văn Sướng báo cáo tình hình và kế hoạch đưa người sang Đá Lát. Thứ trưởng Sướng trả lời cố gắng tranh thủ thời tiết để đo đạc địa hình, khoan ở Đá Lát, nếu thời tiết xấu, quay lại Đá Tây.

10h ngày 25-10-1992, tàu Mỹ Á đến Đá Lát và neo từ xa. 14 người vào đảo bằng hai ca nô. Mỗi người một nhiệm vụ: ông Đặng Dong chỉ đạo chung, ông Nguyễn Văn Đợi đo độ sâu, ông Lưu Văn Quảng đo, ghi chép mực nước của đảo lên - xuống theo từng giờ khắc, ông Phạm Thanh Bình khảo sát địa hình đáy hồ trong đảo, ông Trịnh Xuân Nhị vận hành máy đo đạc điện tử... 

"Rất nhanh chóng, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ vào chiều muộn cùng ngày", ông Nguyễn Văn Đợi nhớ lại. Còn ông Lưu Văn Quảng tâm sự lúc khảo sát xong bằng con mắt nhà nghề của mình ông đã định vị được nơi sẽ đặt đèn biển Đá Lát sau này.

Xong việc, đoàn khảo sát chia tay bộ đội hải quân trong gấp gáp vì phải rời đảo trước 17h. Họ cũng cầm theo những bức thư lính hải quân viết vội cho gia đình. Trời dần chuyển tối sớm, ông Dong yêu cầu tàu Mỹ Á bật đèn để ca nô nhìn hướng cũng như dõi theo, quan sát hải trình của ca nô để có sự cố thì ứng cứu.

Hơn 17h, ca nô rời Đá Tây. Ông Dong nhớ lại lúc rời đảo sóng lớn, sóng nhỏ dồn dập, sóng to vừa dứt lại đón sóng nhỏ. Ca nô luôn trong tình trạng báo động. "Ca nô đi từ từ, chậm rãi cỡi lên đầu từng con sóng. Tôi và anh em ai cũng căng thẳng nhưng không dám nói ra, chỉ mong ra được tàu an toàn", ông Đợi nhớ lại.

Chầm chậm, ca nô vượt qua từng cơn sóng. Nhưng càng ra xa, sóng càng lớn và càng dồn dập hơn. Khi ca nô cách tàu Mỹ Á chừng 500m, mọi người bắt đầu cảm thấy được an tâm nhẹ nhõm thì một con sóng lớn đổ ụp xuống. Hai ca nô chìm, 14 người rơi xuống nước. Đây là vị trí rìa của mép đảo - phần tiếp giáp đảo với biển.

"Ca nô leo lên, vượt qua được con sóng lớn thứ nhất. Đến con thứ hai khi leo lên được khoảng hai phần ba "bức tường sóng" thì bất ngờ cả khối nước cao chừng đến 3m - đúng như một bức tường, đổ sụp, giội thẳng xuống ca nô", ông Dong nhớ lại.

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 2: Đối mặt tử thần - Ảnh 2.

Khoan thăm dò địa chất ở đảo Đá Tây năm 1992 - Ảnh tư liệu của ông Đặng Dong

Trùng phùng giữa Trường Sa

Trong tích tắc trước khi ca nô chìm, ông Đặng Dong kịp nói qua bộ đàm "Mỹ Á, chúng tôi đắm rồi". 14 người bắt đầu cuộc vật lộn với sinh tử giữ biển khơi mênh mông.

Trời biển Trường Sa hôm đó sớm tối đen vì cuối tháng 9 âm lịch. Gió rít, thổi dữ dội. Sóng lớn. Nước chảy xiết. Ban đầu họ cùng bơi gần nhau nhưng chỉ được một lúc sóng biển đánh tan, xô mỗi người một hướng. 

Ông Đặng Dong hét khản cổ, yêu cầu mọi người bơi vào đảo chứ không bơi ra tàu. Ông Dong lý giải dù vị trí ca nô chìm chỉ cách tàu chừng 500m nhưng lúc này thủy triều đang lên, nước chảy xiết bơi ngược sẽ kiệt sức. Còn bơi vào đảo tuy xa nhưng thủy triều sẽ đẩy người và đến 0h nước rút, đảo chìm nổi lên chắc chắn sẽ an toàn. Nhưng lệnh của ông Dong không ai nghe được vì tiếng gió, tiếng sóng át đi. Còn ông Phạm Thanh Bình hô ai có sức thì bơi ra tàu, không có sức thì bơi vào đảo.

Nghe lời kêu cứu, tàu Mỹ Á lập tức hạ ca nô đi tìm mọi người. Đèn pha trên tàu bật sáng lia quét liên hồi để tìm người.

Gần nửa tiếng đồng hồ trôi qua, tung tích mọi người vẫn bặt tăm. Những người trên tàu Mỹ Á bắt đầu lo lắng thì ca nô phát hiện ông Lưu Văn Quảng đang bơi ở vị trí cách tàu 200m, rồi thấy ông Nguyễn Thanh Bình, Đồng Việt Bắc. Tiếp đến là sĩ quan hải quân đi theo đoàn Trần Văn Hiếu. Đến 21h, ca nô tìm cứu được 10 người và người thứ 10 là ông Đồng Văn Năng. Khi được cứu chân phải của ông Năng đã tê cứng, người nhiễm lạnh run.

30 năm sau - ngày 25-10-2022, khi mọi người gặp nhau ai cũng nhắc đến câu nói của ông Năng khi được cứu đưa lên tàu Mỹ Á: "Bu ơi! Con sống rồi!". Ông Nguyễn Văn Đợi nhớ lại trước khi ra biển mọi người được khuyến cáo nếu gặp sự cố phải bơi ở Trường Sa thì nên bơi đứng, không nên nằm vì dễ làm mồi cho cá mập. Thế nhưng không thể bơi đứng vì nước chảy mạnh, ông Đợi lấy hết sức bình sinh bơi sấp, bơi ngửa để về được tàu Mỹ Á.

Nhưng còn bốn người đâu? Thì ra ông Đặng Dong, ông Đặng Huy Trung, Phan Thanh Hải và Trịnh Xuân Nhị lại chọn hướng bơi vào đảo. Ông Dong nhớ mình và ông Trung cùng bơi vào hướng đảo, cùng trò chuyện. Ông Dong còn tếu táo nói với ông Trung rằng có ngửi thấy mùi cháo cá của bộ đội bay ra, gắng bơi nhanh vào ăn cháo. Vì ông Trung mang theo đồ đạc nên ông Dong nói để mình bơi nhanh trước vào báo cho bộ đội ra cứu. Đến khoảng 22h, ông Dong vào đến đảo và báo ngay cho bộ đội ra cứu người. Đến 0h, ông Trung cũng đến đảo an toàn.

Còn ông Nhị nhớ lại chiếc áo phao của ông mất tác dụng vì bị thủng. Bơi một lát, gặp ông Hải nhưng không có áo phao mà ôm một thùng gỗ đựng máy đo xa. Bên trong thùng có lớp xốp nên nổi được. Thùng lại có một quai xách. Ông Nhị nhanh ý nói ông Hải cởi áo ra, luồn qua quai xách để hai người cùng nổi. 

"Lúc đó chúng tôi cứ để cho nước đưa dạt đi đâu thì đi. Thi thoảng gặp hòn đá mồ côi nhô lên, chúng tôi đứng xuống nghỉ ngơi nhưng được một lúc sóng lại xô đi", ông Nhị nhớ lại. Đến khoảng hơn 2h ngày 26-10, nước rút cạn nên hai ông đứng được. Đến khoảng 5h30, bộ đội phát hiện ra họ và ra đưa lên đảo.

Một tình thế ngặt nghèo là 10 người ở ngoài tàu Mỹ Á thì thấy thiếu bốn người. Còn bốn người về đảo thì lại thấy thiếu quá nhiều người mà hai bên không thể có cách nào để liên lạc. Do đó, trong đêm 25-10 và sáng 26-10, tàu Mỹ Á đã đánh điện về đất liền báo có bốn người chưa tìm thấy.

Sáng sớm 26-10, tàu Mỹ Á cho thợ lặn đi ca nô vào đảo để xem bao nhiêu người bơi vào đảo và báo hiệu cho tàu biết bằng cách cứ một người còn sống thì phất cờ một lần. "Nhưng sóng to tàu Mỹ Á cứ dập dềnh, có khi sóng cao che cả bộ đội nên việc báo hiệu bị đứt quãng, ngoài tàu nhìn vào không thể biết bên trong đã mấy lần phất cờ. Nhưng có phất cờ là thấy vui vui và hy vọng cả bốn người còn lại an toàn", ông Lưu Văn Quảng nhớ lại.

Sau đó cả bốn người được thợ lặn dùng phao bè đưa ra tàu Mỹ Á. Họ trùng phùng giữa biển Trường Sa. Mọi người ôm nhau òa khóc. Tàu Mỹ Á quay về Đá Tây làm tiếp nhiệm vụ. Đêm 4-11, tàu Mỹ Á nhổ neo rời Trường Sa về đất liền.

Ông Đặng Dong nhớ lại khi vật lộn với sóng gió, ngoài việc biết ông Trung, ông Nhị và ông Hải cùng bơi vào bờ thì phát hiện ông Bình và Hiếu như bơi cùng hướng. Nên khi bốn người đã lên đảo, ông Dong cứ lo lắng cho ông Bình và Hiếu. Nhưng kỳ thực hai ông đã thoát nạn, lên tàu an toàn.

"Đêm đó, nằm ở nhà bộ đội chờ tin tức anh em, thấy hai ngôi sao băng vụt qua, tôi cứ nghĩ vẩn vơ chả nhẽ hai đồng nghiệp mình lại ra đi", ông Dong bùi ngùi nhớ lại.

__________________________________

Vượt gian khổ, hiểm nguy, họ lại ra khơi để hải đăng rực sáng dẫn đường tàu biển và khẳng định chủ quyền Tổ quốc...

Kỳ tới: Rực sáng chủ quyền Tổ quốc

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 1: Nhiệm vụ đặc biệt

TTO - 30 năm trước, hải đăng đầu tiên - đèn biển ở Trường Sa bắt đầu được nghiên cứu, xây dựng trên đảo Song Tử Tây, Trường Sa.10 năm sau, hải đăng trên đảo Hòn Hải, Bình Thuận, nơi hiểm trở, khắc nghiệt, được triển khai.


ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên