Bộ trưởng Bộ Công thương nêu quan điểm phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Ảnh: Đ.TRUNG
Ngày 18-7, đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương xây dựng đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã có buổi làm việc với Bộ Công thương.
Chủ trì cuộc họp, ông Trần Tuấn Anh, trưởng Ban Kinh tế trung ương, đề nghị đánh giá bối cảnh chung để làm rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là gì? Tầm nhìn đến năm 2045 ra sao? Các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cần nêu trong nghị quyết tới sẽ thế nào…
Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến đã góp ý các vấn đề như làm thế nào để nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế. Các ngành công nghiệp nền tảng, ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mới có tính chiến lược trong thời gian tới là gì?
Nên tiếp cận theo ngành hay theo sản phẩm ưu tiên? Các chủ trương, định hướng lớn về chính sách của Đảng đối với phát triển các ngành này? Đâu là những vấn đề cần quyết sách để tạo sự phát triển đột phá?
Hay việc phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp, phát triển các khu, cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành theo lợi thế vùng và các địa phương. Tư duy mới trong việc hình thành và phát triển các cụm, khu công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp. Các chủ thể tham gia và việc thu hút đầu tư nước ngoài, việc khai thác tốt các FDI, xây dựng Luật phát triển công nghiệp...
Ông Nguyễn Hồng Diên, bộ trưởng Bộ Công thương, cho rằng quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.
Do đó, cần tập trung thúc đẩy tự động hóa, số hóa và thông minh hóa thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện chuyển đổi số, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính. Nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đặc biệt là tự chủ về công nghệ và sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước.
Ông Diên cũng cho rằng không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp nhưng phát triển công nghiệp trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò là động lực, then chốt, nền tảng.
Để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm cần phải có thể chế cho phát triển công nghiệp tốt hơn. Bao gồm các chính sách đồng bộ, như rà soát và thực hiện quy hoạch tổng thể công nghiệp và một số ngành quan trọng.
Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về phát triển công nghiệp, quản lý vùng để triển khai thực hiện có hiệu quả phân bố không gian phát triển công nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy tự động hóa, thông minh hóa và xanh hóa ngành công nghiệp.
Rà soát, hoàn thiện danh mục các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, các ngành điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may - da giày, hóa chất, công nghệ số. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng lực tự chủ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản…
Dự kiến đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận