29/09/2018 10:04 GMT+7

Xài 3G, coi chừng mất tiền triệu vì... GPRS

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Nhiều khách hàng xài 3G, 4G bỗng dưng tá hỏa vì hóa đơn tiền triệu cho gói cước dữ liệu GPRS mà họ không hề sử dụng, ngay cả khi đã nhắn tin đăng ký hủy Internet di động và chỉ xài WiFi.

Xài 3G, coi chừng mất tiền triệu vì... GPRS - Ảnh 1.

Nhiều người dùng dịch vụ 3G, 4G vẫn bị cung cấp GPRS mà không biết - Ảnh: GIA TIẾN

"Thủ phạm" chính là gói cước dữ liệu đã được các nhà mạng kích hoạt sẵn trong SIM, và sự lập lờ khiến cho nhiều người sập bẫy "bóng ma" GPRS, hay còn gọi là gói cước 2G.

"Bóng ma" GPRS lại móc túi khách hàng

Chị Huyên Phương (TP.HCM) cho biết đang rất bức xúc vì nhà mạng MobiFone bỗng dưng tính gần 1 triệu đồng cước dịch vụ GPRS. Do xài Internet nhiều nên mỗi lần hết dung lượng chị Phương mua thêm một lần nữa, thường một tháng hai lần. 

Mới đây do thấy MobiFone có gói cước QT (dùng thẻ cào điện thoại mua trực tiếp dung lượng 3G) bèn chuyển qua và thấy "hài lòng". "Nhưng chỉ sau hơn 10 ngày, tôi tá hỏa khi nhận được thông báo cước tháng lên đến gần 1,3 triệu đồng, gấp 4 lần so với tháng trước" - chị Phương kể.

Gọi tổng đài kiểm tra, chỉ được trả lời là do gói QT hết hạn nên nhà mạng tự động chuyển sang dịch vụ GPRS, cước từ 24-8 đến 5-9 gần 1 triệu đồng. Điều đáng nói là "nhà mạng không hề nhắn tin thông báo hay có bất kỳ cảnh báo nào", theo chị Phương.

Chuyện bỗng dưng bị các nhà mạng tính hàng triệu đồng tiền cước GPRS khi không xài đã được nhiều bạn đọc phản ảnh đến Tuổi Trẻ thời gian qua, như câu chuyện của bạn đọc Đỗ Quyên chia sẻ về việc bị tính cước sử dụng dịch vụ Internet di động đến gần 1 triệu đồng (Cẩn thận với "bóng ma" GPRS - Tuổi Trẻ ngày 11-9) dù đã hủy gói cước 3G và hủy cả dịch vụ GPRS từ... 10 năm trước.

Các nhà mạng vẫn nhất quyết cho rằng lỗi tại người tiêu dùng khi hủy các gói cước 3G hay 4G đã không hủy luôn GPRS, còn gọi là 2G. Theo giải thích của các nhà mạng, trước đây để đăng ký Internet trên điện thoại, người dùng phải nhắn tin với các cú pháp đúng đến nhà mạng để đăng ký GPRS, còn gọi là gói cước dữ liệu (data), để làm nền, từ đó có thể đăng ký các gói cước 3G hay 4G.

Nhưng thời gian qua, do điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến nên các nhà mạng kích hoạt sẵn ngay trong SIM, coi GPRS là mặc định "để khách hàng không phải mất thêm một bước đăng ký dịch vụ truy cập Internet nữa". 

Nhưng điều khách hàng không biết là khi sử dụng hết dung lượng các gói 3G, 4G (loại không miễn phí lưu lượng phát sinh) hoặc khi khách hàng hủy các gói 3G, 4G và điện thoại vẫn bật chế độ "dữ liệu di động", ngay cả khi kết nối WiFi hay gói cước khác, dữ liệu GPRS vẫn phát sinh.

Sở dĩ khách hàng không biết vì các nhà mạng không hề cảnh báo hay khuyến cáo, vì thế dù đã hủy 3G hay 4G, nhưng "bóng ma" GPRS vẫn móc túi khách hàng cả triệu đồng dù không sử dụng.

124 triệu

Đó là số thuê bao điện thoại di động đang sử dụng, theo thống kê của Cục Viễn thông tính đến tháng 5-2018. Trong đó thuê bao 2G chiếm đến 72,3 triệu, thuê bao 3G là 51,6 triệu.

Vì sao chưa kết liễu 2G?

Các nhà mạng cho biết đã phủ sóng toàn quốc mạng 3G và 4G tại Việt Nam. Cụ thể, Viettel có 67.000 trạm phát sóng 3G và 4G, còn VinaPhone có hơn 80.000 trạm phát sóng (kể cả 2G, 3G, 4G). 

MobiFone ít hơn với 40.000 trạm 3G và 4G, còn Vietnamobile ngoài 3G có mặt toàn quốc hiện đang phủ sóng mạng 4G tại 10 tỉnh thành ở phía Bắc. Câu hỏi đặt ra là khi đã phủ sóng 3G, 4G toàn quốc, vì sao các nhà mạng vẫn chưa kết liễu GPRS?

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Viettel dẫn thống kê cho thấy vẫn còn khoảng 20 triệu điện thoại khách hàng mạng này vẫn chỉ hỗ trợ mạng GPRS để truy cập Internet. "Dù tốc độ của sử dụng data GPRS hạn chế, song nếu nhu cầu của khách hàng vẫn còn thì Viettel vẫn sẽ cung cấp dịch vụ", đại diện hãng này cho biết.

Lãnh đạo một nhà mạng thừa nhận dù các nhà mạng đều đã công bố cung cấp sóng 3G, 4G trên toàn quốc "nhưng không phải vị trí nào ở Việt Nam cũng có sóng 3G, 4G" và nhiều nơi ở vùng sâu vùng xa "hiện vẫn còn dùng 2G", nghĩa là không như tuyên bố của các nhà mạng.

Theo ông Vũ Hoàng Liên - chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, một khi nhà mạng đã phủ sóng 3G/4G hết toàn quốc thì có thể tính đến chuyện tắt sóng 2G để chuyển băng tần sang 4G trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh doanh, cũng như phải có chủ trương từ cơ quan quản lý. 

"Tắt sóng 2G chưa thể thực hiện được trong thời điểm này. Nhà nước cần phải có lộ trình và chính sách cụ thể mới có thể sớm phổ cập 3G, tắt sóng 2G để chuyển băng tần qua 4G" - ông Liên nói.

2G là gì?

Mạng 2G, công nghệ GPRS (cao hơn chút là EDGE), tốc độ truy cập Internet trên điện thoại rất chậm (GPRS có tốc độ 144kbps, EDGE cho tốc độ 384kps). Cao cấp hơn, tốc độ của mạng 3G được nâng lên đến vài Mbps (1Mbps = 1.000kbps), và tốc độ của mạng 4G hiện nay là từ hàng chục đến hàng trăm Mbps.

Có thể hiểu rằng GPRS là khởi đầu của dịch vụ truy cập Internet di động ở tốc độ thấp nhất. Và dịch vụ data mà các nhà mạng đang cung cấp hiện nay tại Việt Nam là bao gồm GPRS, EDGE, 3G, 4G tùy vào vị trí kết nối của người dùng di động có sóng mạng nào.

Nhiều nước kết liễu 2G

Từ tháng 2-2017, nhà mạng AT&T của Mỹ đã bắt đầu tắt sóng 50% mạng 2G để những thuê bao còn lại có thời gian chuyển lên mạng 3G hoặc 4G, và sau đó tắt hẳn.

Tại Singapore, tiến trình tắt các dịch vụ 2G chính thức bắt đầu từ ngày 2-4-2017 và hoàn thành vào ngày 18-4-2017.

Ở Úc, việc tắt sóng mạng 2G được các nhà mạng thực hiện lần lượt từ cuối năm 2016. Theo đó, Testra tiến hành vào ngày 1-12-2016, Optus tắt 2G vào tháng 4-2017, Vodafone tháng 9-2017.

Mới đây, vào tháng 3-2018, nhà mạng lớn nhất NewZealand là 2degrees cũng đã tắt sóng 2G để dành băng tần cho các dịch vụ 4G.

Đặc biệt, Đài Loan không chỉ đã tắt sóng 2G trong năm 2017 mà đầu năm 2018, cơ quan quản lý viễn thông xứ này cho biết sẽ chấm dứt dịch vụ 3G vào đầu năm 2019. Như vậy, 6,4 triệu người đang sử dụng dịch vụ mạng 3G ở Đài Loan sẽ phải chuyển sang mạng 4G vào cuối năm nay khi các giấy phép 3G của các nhà mạng hết hạn vào ngày 31-12-2018.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên