11/09/2018 09:45 GMT+7

Cẩn thận với 'bóng ma' GPRS

NGUYỄN THỊ ĐỖ QUYÊN
NGUYỄN THỊ ĐỖ QUYÊN

TTO - Đường dây nóng báo Tuổi Trẻ thường xuyên nhận được phản ảnh của bạn đọc về việc bị tính cước GPRS dù đã hủy gói cước 3G, 4G. Vì sao mình không dùng vẫn bị thu cước? Dưới đây là câu chuyện của bạn đọc, người trong cuộc.

Cẩn thận với bóng ma GPRS - Ảnh 1.

Để tránh mất tiền oan, khi không đăng ký gói cước 3G, 4G, người dùng nên luôn tắt chế độ kết nối dữ liệu di động trên điện thoại thông minh - Ảnh: Đ.T.

Tôi bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh 10 năm trước. Tiền cước dao động từ 300.000-400.000 đồng/tháng. Từ khi có iPhone 3, tôi phải trả đến cả triệu đồng/tháng, phần dịch vụ giá trị gia tăng hầu như chiếm toàn bộ tiền cước. 

Tôi mang hóa đơn đến trung tâm chăm sóc khách hàng của MobiFone ở quận 3, TP.HCM để hỏi, họ in ra hơn 10 trang giấy thời gian tôi sử dụng data, lên mạng.

Thời điểm đó tôi chưa biết Facebook là gì, email cũng chưa cài trên điện thoại. Nói chung là chưa sử dụng gì nhiều WiFi hay mạng Internet nên thắc mắc nó là gì thì được trả lời là GPRS. GPRS tự động chạy ở các ứng dụng chứng khoán, các ứng dụng đòi hỏi data. Nhà mạng tự động tính tiền, không hề có cảnh báo gì cho khách hàng biết. Tôi lập tức yêu cầu hủy GPRS.

Tôi đã làm đơn yêu cầu hủy GPRS, nay GPRS tự động quay lại. Nhà mạng có minh bạch với khách hàng không? Bao nhiêu người đã đóng cước vô lý như tôi? GPRS như “bóng ma” ám ảnh người dùng vì những gói cước cao ngất kiểu này

Yên lành được mấy năm. Thời gói cước MIU đến. Tôi đã nhắn tin đăng ký sử dụng gói cước 3G MIU70 (tức 70.000 đồng/tháng). Được một thời gian thì liên tục được tổng đài 999 thông báo hết hạn mức và mời chào các gói cước cao hơn. 

Tôi đã "mềm lòng" chuyển sang HDP100 (đóng 100.000 đồng mỗi tháng, sử dụng 4G với 3GB data và miễn phí 100 phút gọi nội mạng). Được vài tháng yên ổn, tháng 8-2018, tôi nhận được tin nhắn từ tổng đài báo đã sử dụng hết data. Có nghĩa là tôi không thể lên mạng kiểm tra thư, không thể lướt Facebook hay làm bất cứ gì liên quan đến mạng. 

Cảm thấy không ổn vì ở cơ quan và về nhà tôi đều dùng WiFi, không thể xài hết 3GB mỗi tháng như thế nên tôi chủ động hủy gói HDP100 này vào ngày 13-8 dù 5 ngày nữa mới hết hạn.

Rắc rối bắt đầu từ đây. Tôi đã nhận được tin nhắn từ 999 của MobiFone nội dung như sau: "Yeu cau huy goi cuoc HDP100 của Quy khach thanh cong. Quy khach van co the tiep tuc su dung data. Vui long truy cap www.mobifone.vn hoac lien he 9090 de biet them chi tiet va de tranh phat sinh cuoc cao. Xin cam on". 

Nghĩ mình đã hủy gói 4G này rồi nhưng tôi vẫn lên trang web của MobiFone xem thế nào vì vẫn thấy máy mình có lúc hiện lên 3G, lúc thì 4G. Theo hướng dẫn của trang này, tôi đã nhắn tin để kiểm tra data thì họ lại nhắn: "Quy khach chua dang ky goi cuoc nao de thuc hien KT DATA". Thế là tôi yên tâm sử dụng, không quan tâm đến 3G hay 4G, chủ động dùng WiFi ở bất cứ nơi đâu.

Trưa 5-9, tôi mang thắc mắc này gọi lên tổng đài 9090 thì mới chết điếng người. GPRS đã quay trở lại! Tôi hỏi tôi đã đề nghị hủy GPRS cách đây mấy năm rồi, sao nay lại xuất hiện thì nhân viên tổng đài trả lời khi tôi đăng ký gói cước 3G thì nó sẽ tự động quay trở lại. Khi tôi hủy hết các gói cước thì nó vẫn âm thầm hoạt động và dựa trên dung lượng tính tiền. 

Kết quả là tiền cước GPRS từ ngày 13-8 đến ngày 5-9-2018 (khoảng 20 ngày) gần 1 triệu đồng dù tôi đã sử dụng tối đa mạng WiFi ở bất cứ nơi đâu.

Tôi đã phải làm đơn yêu cầu hủy GPRS, nay GPRS tự động quay lại, nhà mạng có minh bạch với khách hàng hay không? Bao nhiêu người chịu cước vô lý như tôi? GPRS như "bóng ma" ám ảnh người dùng vì cách tính cước như vậy. 

GPRS không thể tự động quay lại sau khi chủ thuê bao đã chủ động cắt từ nhiều năm qua. Mong nhà mạng đừng "gài" khách vào thế phải mất tiền triệu oan ức mỗi lần đổi gói cước 3G, 4G.

Bạn có thể "mất tiền" vào lúc nào?

Làm sao để không phải mất tiền oan uổng? Lời khuyên từ các chuyên gia: người dùng cần cẩn trọng từ khi mua sim.

Khi mua sim, người dùng thực hiện cú pháp đăng ký sử dụng dịch vụ GPRS, 3G, 4G (các tin nhắn dạng GPRS ON, 3G ON, DATA ON...) và chọn các gói cước theo tháng MIU (MobiFone), Max (VinaPhone), MiMax (Viettel) hoặc các gói theo tuần, theo ngày. Thuê bao đã có thể bị tính cước ngay từ lúc này. Cước phí này được gọi là cước GPRS, M0 đối với mạng MobiFone và VinaPhone, MiMin đối với mạng Viettel.

Trên website của mình, các nhà mạng đều thông tin về việc chuyển sang gói cước mặc định khi người dùng hủy các gói cước.

Giá gói cước mặc định (cước GPRS) hiện nay của các nhà mạng là 75 đồng/50KB. Thuê bao phải trả khoảng 1.500 đồng/1MB, 150.000 đồng cho 100MB, 1,5 triệu đồng cho 1GB… (Riêng thuê bao VinaPhone dùng SIM 4G đã được giảm cước còn 60 đồng/MB từ 1-7-2018). Mức cước phí này rất lớn bởi khả năng tải lên/tải xuống dữ liệu của smartphone hiện nay rất nhanh và mạnh.

Đáng nói là: khi người dùng hủy gói cước 3G, 4G, nhà mạng không nói rõ việc chuyển về gói cước mặc định. Khi người dùng vô tình dùng GPRS, nhà mạng không khuyến cáo về cước phí. Sự "im lặng" của nhà mạng khiến nhiều người dùng bức xúc khi nhận hóa đơn.

Khi đã xác định hủy 3G, 4G, người dùng nên tắt luôn chế độ kết nối dịch vụ dữ liệu di động (chế độ 3G) trên điện thoại của mình. Kết nối WiFi không phải lúc nào cũng ổn định. Khi WiFi chập chờn hoặc khi người dùng di chuyển từ nơi này qua nơi khác, chiếc điện thoại sẽ tỏ rõ "sự thông minh" bằng cách… tự động chuyển sang kết nối 3G để chủ nhân của nó luôn online và chịu cước cao!

Chắc ăn nhất, người dùng có thể liên hệ yêu cầu ngưng đăng ký dịch vụ kết nối Internet di động sau khi đã hủy gói cước 3G, 4G.

ĐỨC THIỆN

Hủy 3G, lại gặp GPRS Hủy 3G, lại gặp GPRS

TT - Sau khi MobiFone tăng cước 3G, tôi nhắn tin hủy gói cước MIU chuyển sang sử dụng WiFi ở nhà để đỡ tốn tiền truy cập Internet. Tuy nhiên, tôi bất ngờ khi bị tính cước sử dụng GPRS mặc dù không đăng ký sử dụng dịch vụ này.

NGUYỄN THỊ ĐỖ QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên