Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, nghị quyết nhắm vào Wagner được Hội đồng nghị viện OSCE thông qua trong phiên họp từ ngày 30-6 đến 4-7 tại Canada.
Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu xem Wagner là khủng bố
"Hội đồng nghị viện OSCE xác định rằng các hành động Wagner có thể được coi là khủng bố về bản chất và ý định. Do đó việc chỉ định Wagner là một tổ chức khủng bố được nhà nước tài trợ là phù hợp", Tass dẫn tài liệu được công bố ngày 4-7 nêu rõ.
Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia thành viên OSCE "sử dụng tất cả các công cụ trong nước và quốc tế, bao gồm cả những công cụ được thiết kế để chống khủng bố, để chống lại sự hiện diện gây hại của Wagner".
Hội đồng nghị viện OSCE cũng thúc đẩy việc làm rõ trách nhiệm của Nga.
Nga, Mỹ, Ukraine, phần lớn châu Âu và một số nước khác là thành viên của OSCE. Đây cũng là tổ chức hợp tác định hướng an ninh lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Hội đồng nghị viện OSCE là một phần của tổ chức này, có trách nhiệm thúc đẩy hợp tác giữa nghị viện các nước thành viên. Cơ chế này được thiết lập năm 1992, gần 20 năm sau khi OSCE ra đời.
Hiện chính quyền Nga và các nước OSCE chưa đưa ra bình luận. Quan hệ giữa Nga và Hội đồng nghị viện OSCE đã căng thẳng sau khi xung đột bùng nổ ở Ukraine.
Hồi tháng 4 rồi, Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đã kêu gọi ngừng các khoản đóng góp theo quy định cho Hội đồng nghị viện OSCE. Lý do ông đưa ra là hiện Nga không còn tham gia cơ chế này.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Ba Lan, nước chủ trì OSCE năm 2022, đã từ chối cấp thị thực cho phái đoàn Nga và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Động thái này đã vấp phải sự phản đối của Nga.
Lai lịch Wagner
Wagner được thành lập từ năm 2014, là một tổ chức bán quân sự tư nhân. Vai trò của tập đoàn này nổi lên trong xung đột Ukraine và gần đây là cuộc nổi loạn chóng vánh hồi cuối tháng 6-2023.
Trong một bình luận hiếm hoi sau vụ binh biến, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận nước này đã chi cho Wagner gần 2 tỉ USD trong năm 2022.
Ukraine đã nhiều lần hối thúc Mỹ bổ sung Wagner vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Các đề xuất này cũng được một số nghị sĩ Mỹ nêu ra. Tuy nhiên quyết định cuối cùng về vấn đề này vẫn thuộc về Bộ Ngoại giao Mỹ.
Mặc dù chưa đưa Wagner vào danh sách đen, Washington đã nhiều lần áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Wagner và các cá nhân liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận