18/06/2024 08:01 GMT+7

Vứt rác ra sông rạch, ta tự hại mình

Thói quen tiện tay vứt rác bừa bãi ra sông rạch đang bóp nghẹt hơi thở của những dòng nước miền ĐBSCL. Có những dòng kênh, con rạch màu nước đen kịt, và ở một số nơi, nước sinh hoạt cũng được lấy từ những kênh rạch ấy.

Rác thải tràn lan ở cống kênh 2, đoạn TP Rạch Giá giáp huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Rác thải tràn lan ở cống kênh 2, đoạn TP Rạch Giá giáp huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Buổi sáng giữa tháng 6-2024, nước sông Bảo Định dâng cao. Những chiếc ghe chở hàng chạy qua khiến sóng đánh mạnh vào bờ, rác thải từ mặt sông bị xô lên mé đường.

Rác bóp nghẹt sông rạch

Đứng tại cầu Thạnh Trị (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nhìn ra phía sông Tiền, cơ man rác lềnh bềnh trên mặt sông Bảo Định. Bà Nguyễn Thị Hiền (63 tuổi, ngụ xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho) cho biết những khi nước lớn, rác bị triều cường đẩy lên mặt lộ. Có những chỗ mặt đường thấp, rác theo nước tràn cả vào nhà.

"Rác từ nơi nào theo con nước cuốn về đây tụ lại thành đống thành bãi hôi thối không chịu được", bà Hiền chỉ tay ra một eo sông Bảo Định nói.

Bên kia sông này là chợ Thạnh Trị (nằm trung tâm TP Mỹ Tho), tiểu thương liên tục đổ rác thẳng xuống dòng sông Bảo Định. Những đống rác sinh hoạt, vỏ dừa bị người dân vô tư đẩy thẳng xuống sông, trôi lềnh bềnh trên mặt nước.

Dòng sông Maspero chạy qua trung tâm TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cũng đủ loại rác nổi lềnh bềnh. Nhiều nhất vẫn là những bọc ni lông đựng rác, bên trong có cả xác động vật chết đang bốc mùi.

Đoạn gần cầu Maspero phía đường Lý Thường Kiệt, thuộc phường 4, TP Sóc Trăng, có nhiều cây cỏ nên đủ loại rác đã bị vướng lại rất nhiều. Không chỉ có bọc xốp, bọc ni lông rác mà còn có cả bao rác trôi dạt trên mặt nước.

Hai bên đường, nhiều người vô tư vứt bọc ni lông rác xuống sông, người lớn có, trẻ em có. Một số người còn chạy xe gắn máy, khi đến giữa cầu dừng lại rồi thản nhiên quăng bọc rác xuống sông.

Chúng tôi hỏi một người đàn ông trung niên sao không để rác trước nhà, rồi công nhân vệ sinh đến thu gom đem phân loại, xử lý mà phải quăng xuống sông, người này trả lời tỉnh queo: "Rác này toàn thịt cá, để ngày mai sẽ bốc mùi sao chịu nổi".

Người đàn ông này còn kể chuyện có một số cơ sở sản xuất tranh thủ lúc đêm vắng cũng tuồn rác xuống dòng sông.

Hãi hùng nhất là đoạn bến tàu gần chợ rau củ quả thuộc phường 1, TP Sóc Trăng. Rác được vứt thành đống, tràn từ trên bờ xuống dòng sông. Mặc dù có bảng cấm đổ rác, phạt tiền và có camera giám sát, xử lý... nhưng xem ra không ăn thua gì.

Một số kênh rạch vùng ven cũng chung số phận. Nhiều năm qua, cùng với nước thải của các cơ sở sản xuất và rác thải được vứt vô tội vạ, biến môi trường khu vực kênh Tám Thước luôn trong tình trạng bị ô nhiễm.

Rác thải xả đầy ven kênh tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: M.TRƯỜNG

Rác thải xả đầy ven kênh tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: M.TRƯỜNG

Người dân lãnh hậu quả

Trên đây chỉ là những ví dụ về việc xả rác xuống kênh ở vùng sông nước. Hàng ngàn tuyến sông, kênh, rạch tại khu vực ĐBSCL đang bị "bức tử" theo cách tương tự.

Tại Bến Tre, trong một cuộc gặp giữa những công ty, những nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch đã phải đưa câu chuyện rác thải ra để bàn thảo.

Bởi với ngành du lịch, những con rạch uốn lượn trong những làng quê yên bình là nguồn tài nguyên, là "cần câu cơm" của họ. Nhưng rác thải lại là mối đe dọa rất lớn đối với những tuyến rạch này.

Ông Đậu Đức Hiển - tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng - cho biết tuyến đường ven sông Maspero ngày nào cũng có phương tiện và công nhân thu gom rác.

Theo ông Hiển, phí thu gom rác hộ sinh hoạt gia đình mỗi tháng chỉ 19.000 đồng, chưa mua được ổ bánh mì thịt, tuy nhiên vẫn còn nhiều gia đình không chịu nộp phí mà đem rác vứt xuống sông và các khu vực khác.

"Ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, trong khi việc xử lý chế tài của địa phương và cơ quan chức năng chưa đủ mạnh, do vậy tình trạng xả rác vẫn cứ tiếp diễn", ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, mặc dù tình trạng vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định xảy ra như cơm bữa, nhưng số người vi phạm bị xử phạt đếm trên đầu ngón tay.

Vứt rác vào nguồn nước sinh hoạt

Ông Trương Kiến Thọ - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang - cho biết tình trạng người dân xả rác thải xuống kênh rạch là phổ biến.

Người dân sống ven kênh rạch đã quen tay, thậm chí cứ nghĩ không có gì sai khi bỏ rác xuống kênh rạch. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước hiện nay.

"Sắp tới phải thực hiện phân loại rác theo Luật Môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Muốn làm được điều này phải tuyên truyền cho người dân phân loại ngay từ đầu", ông Thọ nói.

Theo ông Thọ, năm 2024 An Giang chọn TP Long Xuyên và TP Châu Đốc làm điểm phân loại rác tại nguồn.

Đặc biệt là kết hợp với xây dựng nông thôn mới sẽ triển khai mô hình ủ các loại rác hữu cơ. Dự kiến sẽ chọn huyện Thoại Sơn thực hiện mô hình này.

Nếu rác thải xả xuống kênh rạch thì ai cũng thấy nguồn nước bị ô nhiễm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt rất lớn vì nước sinh hoạt từ nước sông rạch.

"Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân xả rác xuống kênh là do thói quen. Thêm vào đó là chế tài xử phạt của chúng ta chưa đủ mạnh. Nếu làm mạnh tay thì tôi nghĩ bà con cũng ủng hộ thôi", ông Thọ nói thêm.

Trăm năm xả rác: đã đủ xấu hổ?

Người dân vứt rác ngay trên miệng cống thoát nước trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp - Ảnh: THANH HIỆP

Người dân vứt rác ngay trên miệng cống thoát nước trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp - Ảnh: THANH HIỆP

Bao năm qua, những hố đất, mương độn vẫn là nơi chứa đựng đủ thứ rác thải hằng ngày ở nông thôn. Từ lá cây, bẹ chuối, vỏ lon, các loại chai, kể cả vỏ chai thuốc trừ sâu, rác cứ tích tụ và dồn lại cho đến khi đầy hố, nhiều năm có khi lấp được cả con mương nhỏ sau nhà. Rác nhà ai nhà ấy tự xử lý, xử lý gọn sạch cỡ nào còn tùy từng nhà.

Nhiều vùng nông thôn đến nay vẫn không có dịch vụ thu gom rác. Nhiều nơi có đội thu gom rác, chi phí chỉ 20.000 - 30.000 đồng/tháng nhưng nhiều hộ dân vẫn không đóng, phần vì tiết kiệm tiền phần vì chỉ quen tự xử lý bằng cách đốt hoặc gom lại một chỗ cạnh nhà.

Các đô thị đất chật người đông, đội thu gom rác có mặt khắp nơi nhưng cũng vẫn còn có những người không đóng tiền thu gom rác.

Những bãi đất trống, góc công viên, ven bờ tường, bên đường đi... vẫn lổn nhổn những đống rác lớn dơ bẩn, hôi hám quanh năm. Đó là những tấm nệm, bộ ghế, gối mền, quần áo cũ, vỏ dừa, thùng xốp... do nhiều người mang đến quăng vào.

Tại TP.HCM, bạn có thể chỉ được khúc kênh nào không có rác không? Điều này không thể, bởi chỗ nào cũng có những bàn tay xả rác. Bao nhà vẫn quen quét rác tấp xuống miệng cống trước nhà, thức ăn thừa các quán cũng mang ra miệng cống đổ xuống đó.

Khi các anh công nhân vệ sinh môi trường dọn lòng cống, họ phải đứng giữa dòng nước bẩn hôi, đầy dầu mỡ; rác dưới đó gồm cả thủy tinh, bao ni lông, hộp xốp đến rác thải xây dựng... Thật kinh khủng!

Có những ngày mưa, đường ngập lại thấy những thùng xốp trôi, bên trong chứa gối mền cũ nhà ai đó bỏ ra. Rác trôi tới miệng cống thoát nước lấp luôn đường thoát nước, không ngập mới lạ!

Thói quen xả rác mọi nơi nhiều người dường như không muốn bỏ. Lại có không ít người dọn rất sạch chỗ của mình và bỏ rác ra nơi công cộng.

Vậy rồi ai làm khổ ai khi mọi người đứng đâu cũng thấy có rác? Muốn có không gian sạch, trước hết mỗi người đừng xả bậy. Đó là trách nhiệm mà cũng chính là quyền lợi của mỗi người. Nếu không thay đổi sẽ còn mang tiếng thói quen xả rác bậy bao năm nữa?

Cần Thơ: Nhiều điểm tập kết trung chuyển rác gây ô nhiễmCần Thơ: Nhiều điểm tập kết trung chuyển rác gây ô nhiễm

Tình trạng ô nhiễm tại các điểm trung chuyển, tập kết rác thải gần nơi người dân sinh sống thuộc địa bàn các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy (Cần Thơ) sẽ giải quyết ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên