03/02/2020 11:53 GMT+7

Vượt qua 'tử thần' SARS - Kỳ 5: Không ai quên những người đã ra đi

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Ngoài bác sĩ Carlo Urbani qua đời ở Thái Lan và một bác sĩ người Pháp mất vì những biến chứng liên quan bệnh SARS ở Pháp, có 5 bác sĩ và điều dưỡng người Việt cùng người Pháp đã mất trong vụ dịch kinh hoàng này ngay ở Hà Nội.

Vượt qua tử thần SARS - Kỳ 5: Không ai quên những người đã ra đi - Ảnh 1.

Ảnh chụp ngày bệnh nhân Hùng (cầm hoa) ra viện. Ông Hùng và 2 người nhà cùng bị bệnh và được chữa tại Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới - Ảnh: Việt Dũng chụp lại

Đó là 5 cái chết mà mỗi lần phải ký giấy chứng tử, ông Võ Văn Bản - phó tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội - phải bẻ bút. Lịch sử y học hiện đại VN cũng như thế giới chưa bao giờ chứng kiến có tới 5 cái chết của nhân viên y tế trong cùng một vụ dịch ở cùng một bệnh viện như dịch SARS kinh hoàng năm 2003.

“Các bác sĩ, nhân viên y tế qua đời khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh lạ lần đầu xuất hiện trên thế giới, bệnh viện đã đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ nhưng chưa ai được công nhận.

Bác sĩ VÕ VĂN BẢN

"Tôi chưa bao giờ quên những người đã ra đi"

"Trong 5 người hi sinh, có hai chị Nguyễn Thị Lượng khi mất mới 46 tuổi và chị Phạm Thị Uyên sinh năm 1960 khi mất mới 43 tuổi đã gắn bó với bệnh viện, với chúng tôi từ những ngày đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội năm 1997. 

Còn bác sĩ Nguyễn Thế Phương mới về bệnh viện chừng 1 năm. Anh ấy không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Chen nhiễm SARS, nhưng đã mổ đẻ cùng ca với bác sĩ người Pháp Jean Paul Derosier, khi đó đã mắc bệnh và lây bệnh. Đó là những ngày rất kinh khủng của chúng tôi" - ông Bản kể câu chuyện cách đây 17 năm.

Trong ký ức chị Nguyễn Thị Thục, hồi dịch SARS là y tá trưởng Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, nơi sau này chuyên điều trị cho bệnh nhân SARS, chị Lượng là người mạnh khỏe và nhanh nhẹn. Hai chị vốn là y tá cùng làm ở Bệnh viện Bạch Mai. 

Sau này, Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới tách riêng, chị Lượng chuyển sang Bệnh viện Việt Pháp, họ mới ít gặp nhau, nhưng vẫn cùng trong khu Phương Mai quen thuộc. Khi nghe tin có nhân viên y tế mà đều là những người quen biết tử vong vì bệnh dịch, cả khu Phương Mai rụng rời, thương tiếc.

"Thương nhất là đám tang các anh chị ấy vắng vẻ lắm, rất ít người đến đưa tiễn. Ai đến cũng đeo khẩu trang, đó là những đám tang lạ nhất mà tôi từng thấy"- chị Thục tâm sự. Có 5 bác sĩ và y tá của Bệnh viện Việt Pháp đã mất tại bệnh viện trong những ngày ấy, đó là bác sĩ Nguyễn Thế Phương sinh năm 1967, y tá Nguyễn Thị Lượng, y tá Phạm Thị Uyên, bác sĩ Pháp Jean Paul Derosier sinh năm 1937 và bác sĩ người Pháp gốc Việt Nguyễn Hữu Bội sinh năm 1934.

Sau này, một bác sĩ nữa qua đời tại Pháp cũng liên quan đến tình trạng miễn dịch kém do mắc SARS trong những ngày làm việc tại Bệnh viện Việt Pháp. Còn bác sĩ Carlo Urbani thì sau khi giúp cứu người nhiễm SARS ở Hà Nội cũng bị lây bệnh và qua đời ở Thái Lan...

"Khi đó, chúng tôi có gần 200 nhân viên, nhưng có tới 35 người mắc bệnh và rồi có 5 người mất, 1 người khác cũng nhiễm trong thời điểm đó và cũng điều trị tại bệnh viện. Nhân viên y tế thiếu thốn, có những lúc một y tá phải bóp bóng cho 2 bệnh nhân. 

Cả 4 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đều nhiễm bệnh vì bệnh nhân viêm phổi, do người nào cũng phải chụp phổi hằng ngày và từ đó lây sang bác sĩ. Những người nhiễm bệnh đầu tiên từ bệnh nhân Chen. 

Rồi sau đó là những người lây từ nhân viên y tế lây bệnh của ông Chen là những người bệnh nặng nhất. Tất cả đều ốm rất nặng và 5 người đã qua đời ngay tại bệnh viện" - ông Bản xúc động kể.

Tuy nhiên trên 160 người còn lại đã không rời vị trí, có người đã mắc SARS, được điều trị khỏi và có cơ hội về nhà như bác sĩ Lê Viết Vui nhưng đã không về mà tiếp tục ở lại bệnh viện tham gia điều trị cho đồng nghiệp. Họ đã chiến đấu thực sự, không suy sụp, kể cả khi có đồng nghiệp hi sinh. 17 năm đã qua, nhưng ông Bản nói những con người ấy chưa bao giờ đi vào quên lãng.

"Khi có dịch virus corona lần này, người ta lại nhớ nhiều đến dịch SARS năm xưa. Chúng tôi cũng càng nhớ nhiều về đồng nghiệp của mình" - ông Bản trải lòng.

Vượt qua tử thần SARS - Kỳ 5: Không ai quên những người đã ra đi - Ảnh 3.

Y tá Nguyễn Thị Thục nhiều năm qua vẫn chưa thể quên được dịch SARS 2003 và họ đã nỗ lực vượt qua - Ảnh: VIỆT DŨNG

Những người "tay trơn" chống dịch

Những ngày này, người ta nhắc nhiều đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, nơi tuyến đầu điều trị bệnh nhân do virus corona. 17 năm trước, nơi này được gọi là Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới cũng là tuyến đầu điều trị bệnh SARS. Và điều đặc biệt nhất, 34 bệnh nhân SARS được điều trị tại bệnh viện này đều được chữa khỏi, trong đó có những người bệnh rất nặng.

Ngày ấy, các bác sĩ, cán bộ y tế chủ trì là GS Lê Đăng Hà - viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, bác sĩ Minh Hà, bác sĩ Tường Vân, y tá trưởng Nguyễn Thị Thục và rất nhiều nhân viên, cán bộ y tế. 

Những ngày đầu tiếp nhận gia đình bệnh nhân Hùng (cả 3 bệnh nhân nặng), Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới là những người "tay trơn" chống dịch. Họ chưa có khẩu trang N95 chuyên dụng mà vẫn sử dụng khẩu trang y tế thông thường. Họ cũng chưa có nhiều áo choàng chống dịch dùng một lần...

"Nhưng không thể bỏ mặc bệnh nhân được. Nhìn họ thương lắm, họ không thể thở được, như cá bị mắc cạn vậy. Các y tá luôn sẵn sàng vào hỗ trợ bóp bóng bằng tay. Họ cũng phải đứng kề bên cho bệnh nhân ăn qua sonde, thậm chí gội đầu và tắm cho bệnh nhân. 

Có người còn phải thay cả băng vệ sinh cho bệnh nhân vì đang bị ốm nhưng vẫn "tới tháng" mà gia đình thì không thể có mặt ở khu cách ly" - y tá trưởng Nguyễn Thị Thục của viện thời điểm dịch SARS bồi hồi chia sẻ kỷ niệm.

Một "bí quyết" của các thầy thuốc Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới là mở thông thoáng cửa sổ, cửa đi. Hồi đó, khi chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Pháp sang, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà là trưởng khoa cấp cứu đã thấy Bệnh viện Việt Pháp đóng kín cửa, không khí khó lưu thông, trong khi bệnh viện ông có 4 mặt thoáng và nếu để thoáng sẽ tốt hơn. Vì vậy họ đã mở cửa, ngoại trừ những lúc cần hỗ trợ cho bệnh nhân thì y tá che rèm.

Và không chỉ tất cả bệnh nhân được cứu sống mà toàn thể cán bộ, nhân viên y tế Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới không ai bị lây bệnh. Người bệnh cuối cùng ra viện vào đầu tháng 5-2003, nhưng ngày 18-4, sau 20 ngày không ghi nhận bệnh nhân mới, Việt Nam đã công bố khống chế được dịch SARS và trở thành quốc gia đầu tiên trong 37 quốc gia ghi nhận dịch, công bố khống chế được dịch.

"Chúng tôi không có bí quyết gì", "Đừng nói đến tôi nhé"..., hỏi ông Hà, bà Thục, ai cũng dặn đừng nhắc tới bản thân dù họ đã cùng đồng nghiệp hết mình cứu bao người sống sót qua bệnh dịch hiểm nghèo.

8 người ra đi vì SARS

sars1

Dịch SARS 2003 hết sức nguy hiểm, nhưng VN là nước đầu tiên khống chế được dịch - Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ông Nguyễn Hồng Hà - thời điểm dịch SARS là trưởng khoa cấp cứu Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, có tổng số 63 người nhiễm SARS ở VN từ nguồn lây đầu tiên là bệnh nhân Johny Chen, người Mỹ gốc Hong Kong đến khám ở Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Tính cả bác sĩ người Ý Carlo Urbani và bác sĩ người Pháp tử vong vì có liên quan đến bệnh, thì có 8 người mất vì bệnh SARS. Trong đó duy nhất bệnh nhân là ông Chen, còn lại 7 người là nhân viên y tế.

Giai đoạn chuyển sang Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, ông Hà cho biết có tổng số 34 bệnh nhân và tất cả đều được cứu sống.

Vượt qua Vượt qua 'tử thần' SARS: Truy tìm 'vương miện' chết người

TTO - Có khá nhiều điểm tương đồng về đặc điểm chủng virus gây bệnh cũng như diễn biến phức tạp giữa dịch viêm phổi cấp đang hoành hành tại Vũ Hán, Trung Quốc và dịch SARS giai đoạn 2002-2003 khiến dư luận lo sợ nguy cơ 'lịch sử lặp lại'.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên