31/01/2020 13:38 GMT+7

Vượt qua 'tử thần' SARS -Kỳ 2: Trong 'tâm bão' SARS

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona đang hoành hành, chẳng ai quên được 17 năm trước, thế giới đã phải căng mình chống chọi với căn bệnh lạ cực kỳ nguy hiểm: SARS!

Vượt qua tử thần SARS -Kỳ 2: Trong tâm bão SARS - Ảnh 1.

Bệnh viện Việt Pháp phải cách ly trong những ngày căng thẳng vì dịch SARS - Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong số 37 quốc gia có dịch, "tử thần" mang hình vương miện SARS đã hoành hành ở Việt Nam...

“Không ai rời vị trí, thậm chí có những người như bác sĩ Vui cũng bị lây bệnh nhưng khi được điều trị khỏi đã ở lại bệnh viện tiếp tục chăm sóc đồng nghiệp còn đang bệnh nặng hơn.


Những ngày căng thẳng

17 năm đã qua nhưng bác sĩ Võ Văn Bản, thời điểm đó là phó tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, vẫn nhớ từng mốc thời gian mà cả đời ông sẽ không thể quên: Ngày 26-2-2003, bệnh nhân SARS đầu tiên đến VN là ông Johny Chen, người Mỹ gốc Hong Kong.

Ông Chen vào Bệnh viện Việt Pháp điều trị chứng sốt, ho và bệnh tiến triển rất nhanh, rất lạ. Ban đầu, mọi người đánh giá bệnh nhân nhiễm cúm. Và ngày 27-2, kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân mắc chứng viêm phổi không điển hình liên quan đến virus, nhưng đó là virus gì, nguy cơ ra sao, lây như thế nào... thì chưa ai biết!

"Chỉ vài ngày sau bệnh nhân đầu tiên, đến ngày 2-3 đã có hàng loạt nhân viên bệnh viện trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân hoặc làm việc ở khu vực lân cận phòng bệnh của bệnh nhân đều bị lây bệnh. Những người bị lây bệnh đầu tiên là những người nặng nhất.

Chúng tôi đã mường tượng đây là một vụ dịch, nhiều người nhiễm cùng lúc, đến 8-3 tình hình lây lan tiếp tục gia tăng" - bác sĩ Bản nhớ lại.

"Chúng tôi đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú. Ngày 11-3, bác sĩ Carlo Urbani, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại VN, trong quá trình vào điều tra dịch tễ đã tiếp xúc với bệnh nhân Chen và sau đó phát bệnh khi đang đi công tác tại Thái Lan.

Những ngày đó, SARS vẫn là căn bệnh chưa có tên, chỉ biết rất lạ, rất đáng lo, lây lan nhanh. Đến 13-3, Tổ chức Y tế thế giới mới thông báo xác định căn bệnh mới có tên SARS - hội chứng viêm phổi không điển hình do virus" - ông Bản trầm ngâm kể.

Đó là những ngày thực sự khó với ông Bản và những người ở tâm điểm của dịch. Đường lây chưa rõ, phác đồ chữa trị còn nhiều khó khăn.

Bệnh viện đóng cửa để điều trị cho bệnh nhân chính là 35 cán bộ y tế, sau đó 5 bác sĩ và điều dưỡng cả người Pháp và người Việt tử vong. Bác sĩ Carlo Urbani cũng qua đời cuối tháng 3-2003.

Đặc biệt, một bác sĩ Pháp làm việc tại bệnh viện nằm trong nhóm nhân viên bị lây bệnh đã được điều trị khỏi bệnh, nhưng khi ông mang tro cốt của bác sĩ Bội (bác sĩ Pháp gốc Việt qua đời vì bệnh SARS) về Pháp thì cũng qua đời tại Pháp vì liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch do mắc SARS.

Tại bệnh viện còn nhiều nhân viên y tế bệnh nặng, trong số đó có điều dưỡng Nguyễn Thị Mến. Chị Mến là bạn thân của hai điều dưỡng Uyên và Lượng, cả ba người cùng mắc bệnh và hai chị Uyên, Lượng đã qua đời. Còn chị Mến cũng hôn mê gần 1 tháng và rất may được cứu sống.

Ông Bản chính là người đã ký giấy chứng tử cho cả 5 bác sĩ và điều dưỡng qua đời do SARS taị bệnh viện mình. Rất buồn, rất đau xót, mỗi lần ký là một lần ông phải bẻ bút.

Đám tang của mọi người cũng rất buồn, đó là những đám tang vắng teo, rất ít người đưa tiễn vì ai cũng sợ lây bệnh. Nhiều người sợ lây cả từ... người trong quan tài!

Những ngày đó, Bệnh viện Việt Pháp đã tự đóng cửa để cách ly, chỉ điều trị cho bệnh nhân nội trú nhập viện từ trước và điều trị cho chính các đồng nghiệp.

Tháng 4-2003, VN công bố khống chế dịch SARS, nhưng mãi đến tháng 8-2003 bệnh viện mới mở cửa trở lại sau quá trình chỉnh trang. Đó là những ngày thật sự khó khăn đối với bệnh viện.

Vượt qua tử thần SARS -Kỳ 2: Trong tâm bão SARS - Ảnh 3.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mến, bệnh nhân SARS, vừa tỉnh sau gần 1 tháng hôn mê năm 2003 - Ảnh tư liệu gia đình

Nguy hiểm nhưng không ai rời vị trí

Trong "bão" SARS năm ấy, ông Bản cũng chính là... giao liên vì phải đại diện Bệnh viện Việt Pháp tâm điểm vụ dịch đi họp Ban chỉ đạo chống dịch với Bộ Y tế.

Ban đầu, phòng làm việc của ông ở tầng 2 bệnh viện, ngay gần khu vực cách ly bệnh nhân. Nhưng sau để tránh lây lan, ông đã được dời xuống tầng 1 và chính ông phó tổng giám đốc, chứ không phải ai khác, tự soạn thảo công văn, báo cáo, in ấn, gửi fax... đi các cơ quan.

Mỗi ngày, ông Bản rời nhà từ sáng sớm và về lúc tối muộn, vừa để làm việc và cũng vừa để những người hàng xóm đỡ sợ hãi.

"Có thời gian 3 tuần liên tục, tôi không được gặp vợ con dù tối tôi vẫn về nhà. Đó là phương pháp tự cách ly để tránh lây lan. Mỗi khi tôi về nhà vẫn nhận được những thứ vợ đã chuẩn bị như một bát tỏi tươi hay nước rau diếp cá, cách phòng tránh bệnh cúm theo dân gian.

Rất may vợ tôi cũng là đồng nghiệp nên không ngăn cản chồng đến bệnh viện trong những ngày đó. Vợ tôi hiểu đó là công việc của chồng, trong khi đi làm cô ấy cũng bị một vài đồng nghiệp không dám đứng gần vì... sợ lây" - ông Bản kể.

Sau những ngày đầu tiên lo sợ và lạ lẫm với SARS, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã quyết định cho những người có con nhỏ hoặc đang có thai nghỉ làm, còn lại phải sẵn sàng phục vụ. Khỏi phải nói về mức độ nguy hiểm của dịch, nhưng thật may là không ai rời vị trí, họ đã xác định trách nhiệm cứu người.

Theo bác sĩ Bản, chỉ có một vài người nghỉ việc thời điểm đó do trùng hợp họ đã xin chuyển từ trước. Còn lại không có ai nghỉ việc trong những ngày cái chết cận kề.

Vượt qua tử thần SARS -Kỳ 2: Trong tâm bão SARS - Ảnh 4.

Tấm thiệp tri ân gửi chị Mến năm 2003, khi chị đã bình phục - Ảnh tư liệu gia đình

Những cái chết cho sự sống hồi sinh

Đã có 5 bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội qua đời tại bệnh viện trong đại dịch SARS, 1 người nữa qua đời tại Pháp vì những hậu quả liên quan đến SARS. Bác sĩ Carlo Urbani, bác sĩ của Tổ chức Y tế thế giới tại VN, cũng qua đời tại Thái Lan do nhiễm SARS từ VN.

Phần lớn những người qua đời trong dịch SARS năm đó tại VN là nhân viên y tế. Có thể nói chưa trận dịch nào trong thời kỳ hiện đại lại có nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh và qua đời vì dịch bệnh như dịch SARS.

Nhưng cũng nhờ kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân SARS (và cả bệnh nhân là bác sĩ), ngay đầu tháng 4-2003, VN trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố khống chế được dịch SARS.

Ở giai đoạn sau dịch, khi bệnh nhân được chuyển hết sang Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (hiện nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), đã không có thêm bệnh nhân SARS nào tử vong.

Từng có đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho những nhân viên y tế đã mất trong dịch SARS năm ấy nhưng chưa được chấp thuận. Và 17 năm qua vẫn chưa ai quên những người đã mất, theo cách rất thầm lặng, cho sự sống hồi sinh...

Nghĩa tình trong đại dịch

"Những ngày có dịch, không ai dám đi đến khu vực có bệnh viện chúng tôi, ở trong bệnh viện nhìn ra đường sá vắng tanh, thậm chí không có cả người cung cấp thực phẩm. Nhưng sau đó, các khách sạn đã hỗ trợ, họ đã cung cấp đồ ăn.

Hồi kỷ niệm 10 năm rồi kỷ niệm 15 năm chiến thắng dịch SARS, tôi đã dự định viết hồi ký, và sẽ có một chương cho những người đã hỗ trợ chúng tôi vượt qua khó khăn" - ông Bản trải lòng.

Vượt qua Vượt qua 'tử thần' SARS: Truy tìm 'vương miện' chết người

TTO - Có khá nhiều điểm tương đồng về đặc điểm chủng virus gây bệnh cũng như diễn biến phức tạp giữa dịch viêm phổi cấp đang hoành hành tại Vũ Hán, Trung Quốc và dịch SARS giai đoạn 2002-2003 khiến dư luận lo sợ nguy cơ 'lịch sử lặp lại'.


LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên