26/09/2019 10:22 GMT+7

Vượt qua biến cố, nữ sinh 18 tuổi thành trụ cột gia đình

A LỘC
A LỘC

TTO - Để vượt quãng đường hơn 100km từ Đồng Nai lên TP.HCM, Nguyễn Dương Kỳ Duyên (18 tuổi, xã Ngọc Định, huyện Định Quán, Đồng Nai), sinh viên ĐH Huflit, đón ba tuyến xe buýt, hai chuyến xe ôm và di chuyển trong gần bốn giờ liền.

Vượt qua biến cố, nữ sinh 18 tuổi thành trụ cột gia đình - Ảnh 1.

Ngoài việc học, Kỳ Duyên còn phụ giúp mọi việc trong nhà - Ảnh: A LỘC

Trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp từ lâu, hàng chục giấy khen được dán ngay ngắn là thành quả của Duyên 12 năm học.

“Duyên luôn nỗ lực vươn lên, dù khó khăn nhưng suốt 12 năm liền đều là học sinh khá giỏi.

Bà DƯƠNG THỊ THANH (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ngọc Định, huyện Định Quán, Đồng Nai)

Biến cố bất ngờ

Ông Phong, ba Duyên, bị liệt nửa người, di chuyển bằng cách ngồi trên một tấm ván gắn bánh xe tự chế, sinh hoạt cá nhân nhiều khó khăn. Còn bà Liễu, mẹ Duyên, bị thoái hóa cột sống, trật đĩa đệm, sau ba lần phẫu thuật nay không thể đi đứng, ngồi lâu được. 

Trước đó, ông Phong dù khuyết tật hai chân nhưng vẫn chống nạng đi được. Hằng ngày ông kiếm sống bằng nghề sửa chữa điện tử mà ông học "lóm" được cho người dân quanh vùng. Còn bà Liễu bươn chải nhiều nghề khác nhau, từ bán hàng rong đến giao nhận hạt điều cho người gia công. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng đầy ắp tiếng cười.

Năm 2015, biến cố ập đến khi ông Phong lên cơn tai biến tưởng chừng không qua khỏi. Sau khi chữa trị, ông Phong thoát khỏi bàn tay "tử thần" nhưng bị liệt nửa người, một tay và hai chân không hoạt động được nữa. Từ đó, gánh nặng kiếm tiền lo cho gia đình đổ dồn lên vai bà Liễu.

Chưa dừng ở đó, hai năm sau, một lần nữa tai họa lại đến. Trong một lần đi lấy hàng, bà Liễu bị té xe gãy cột sống và trật đĩa đệm, bắt buộc phải mổ. Toàn bộ tiền bạc trong nhà được vét sạch để chữa trị cho bà Liễu nhưng vẫn không đủ, phải vay nợ khắp nơi. Hai biến cố liên tiếp khiến cho con đường đến trường của Duyên càng thêm gian nan.

Gói ghém

Những ngày bà Liễu nằm điều trị ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai (TP Biên Hòa), Duyên gần như gánh hết mọi việc trong gia đình. Cứ sau buổi học Duyên vội về nhà lo cơm nước cho ba, chiều tranh thủ đi làm thêm. 

Đến cuối tuần lại đón xe buýt lên bệnh viện chăm sóc cho mẹ. Trong nhiều tuần liền, Duyên lầm lũi đi học, đi làm rồi về chui rúc trong phòng. Nghĩ đến tình cảnh khó khăn của gia đình, lần đầu tiên ý nghĩ bỏ học xuất hiện trong đầu cô gái khi đó mới 16 tuổi.

"Lúc đó mình bị tâm lý dữ lắm, thực sự bị trầm cảm luôn, học mà không thể toàn tâm. Trong đầu mình cứ nghĩ không biết mẹ ra sao, mẹ có đau không, bố ở nhà có sao không, có ai lo không. Rồi mình nghĩ hay là nghỉ học đi làm để lo cho mẹ. Mình thấy đi phụ việc nhà cho người ta không được nhiêu tiền mà mượn nợ càng ngày càng nhiều, mổ đâu phải ngày một ngày hai" - Duyên nhớ lại.

Nghe con gái tâm sự về ý định nghỉ học, bà Liễu cương quyết không cho. Lau giọt nước mắt, bà nghẹn ngào nói: "Ba mẹ cực khổ cố gắng nuôi con khôn lớn, chỉ mong một ngày con học hành thành tài phụ giúp lại ba mẹ. Một đời ba mẹ mù chữ rồi, con phải học, học cả phần ba mẹ nữa". Duyên không đáp lại, chỉ có hai hàng nước mắt lăn dài trên má.

Sau bốn tháng liền nằm viện với ba lần phẫu thuật, bà Liễu được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, căn bệnh khiến bà đi đứng khó khăn, không thể làm việc nặng được nữa. Cũng từ khi đó, cả nhà sống dựa vào số tiền hỗ trợ 900.000 đồng/tháng dành cho người khuyết tật và sự giúp đỡ của hàng xóm xung quanh.

Từ một nữ sinh chỉ lo ăn học Duyên trở thành trụ cột chính của gia đình. Thời điểm cận kề kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trong khi bạn bè tập trung ôn thi thì Duyên vẫn miệt mài làm "osin" cho những nhà bên cạnh để kiếm thêm 500.000-600.000 đồng/tháng. Đến khuya khi ba mẹ đã ngủ, Duyên mới ôm tập vở ra ôn bài.

Cực thì mình không sợ

Ngày nhận kết quả trúng tuyển, cả nhà ba người vừa mừng vừa lo. Mừng vì cánh cửa vào giảng đường đã mở ra. Còn lo thì quá nhiều, nhất là học phí cao hơn dự tính. Duyên nói sẽ đi làm thêm để nuôi ước mơ vào giảng đường.

"Mình có tính qua rồi, học phí thì vay tiền để đóng. Lên đó ngay khi có chỗ ở ổn định mình sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải chi phí và dành tiền đóng học phí các năm sau. Cực thì mình không sợ, một việc không đủ mình sẽ kiếm hai việc để làm" - Duyên nói.

Cậu trò nghèo mồ côi kiên cường vào ĐH Bách khoa Cậu trò nghèo mồ côi kiên cường vào ĐH Bách khoa

TTO - Để đến được giảng đường, Hùng Cường phải trải qua những tháng ngày ám ảnh của nghèo đói và một nỗi sợ vô hình khi tai nạn giao thông đã cướp đi người mẹ của mình.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên