28/05/2025 13:19 GMT+7

Vùng Vịnh - không gian hợp tác mới của ASEAN

Các chuyên gia cho rằng việc ASEAN và Trung Quốc mở rộng hợp tác với Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam phát huy những lợi thế trong hợp tác song phương cũng như đa phương.

ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN và GCC tại Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC lần thứ hai - Ảnh: TTXVN

Ngày 27-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC và Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC - Trung Quốc tại Malaysia. Các sự kiện này phản ánh nỗ lực của ASEAN nhằm mở rộng không gian hợp tác mới.

Cơ hội cho Việt Nam

"Việc kết nối với Trung Quốc và GCC sẽ giúp ASEAN mở rộng không gian phát triển trước những rủi ro, thách thức về kinh tế và đứt gãy hiện nay. Điều bao trùm là cả ba đều thúc đẩy hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương trong thương mại", đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên trưởng SOM ASEAN Việt Nam, nói với Tuổi Trẻ.

Ông chỉ ra rằng GCC và ASEAN có những lợi thế mang tính bổ sung. GCC có nguồn lực tài chính dồi dào và lợi thế dầu mỏ, trong khi ASEAN mạnh về sản xuất, nông nghiệp và là nguồn cung quan trọng cho an ninh lương thực - những lĩnh vực GCC đang có nhu cầu, và cũng là những thế mạnh Việt Nam có thể phát huy.

Việt Nam là một thành viên năng động của ASEAN, duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa thị trường, trong đó Trung Đông là thị trường quan trọng.

Vì vậy, theo ông Vinh, việc ASEAN cùng Trung Quốc mở rộng hợp tác với GCC sẽ giúp Việt Nam kết nối không chỉ trên phương diện song phương, mà còn tận dụng được hợp tác đa phương nhằm tham gia vào các dự án lớn. Trong đó bao gồm liên kết hạ tầng, liên kết số, xây dựng khung chuẩn mực về thương mại hai chiều, đầu tư, tài chính, du lịch.

Các nhà đầu tư từ GCC sang châu Á - Thái Bình Dương, theo ông Vinh, không chỉ đến Việt Nam, mà còn có thể kết nối các dự án của họ giữa Việt Nam với các nước khác tại Đông Nam Á.

Trong khi đó, nhà phân tích chính sách đối ngoại, an ninh và chiến lược thuộc Đại học Malaya (Malaysia) Collins Chong Yew Keat nhấn mạnh thế giới cần công nhận sức ảnh hưởng và vai trò của Việt Nam trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực.

"Việt Nam đã tận dụng được lợi thế từ sức mạnh kinh tế đang lên của mình để thu hút thêm đầu tư và mở rộng quan hệ thương mại sâu rộng với nhiều nước, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ... Những điều này góp phần nâng cao vai trò của ASEAN như một cầu nối và đối trọng quyền lực giữa các cường quốc", ông Chong nhận định với Tuổi Trẻ.

ASEAN - Ảnh 2.

Hợp tác ASEAN - GCC - Trung Quốc Nguồn: Bộ NGOẠI GIAO, QATAR-TRIBUNE, WORLD BANK - Nội dung: THANH HIỀN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Thách thức và kỳ vọng

Ông Amir Fareed, giám đốc chiến lược của Tập đoàn KRA - đơn vị tư vấn chính sách công và rủi ro chính trị trong khu vực ASEAN, đánh giá Hội nghị ASEAN - GCC - Trung Quốc khẳng định vai trò cầu nối chiến lược ngày càng quan trọng của ASEAN trong một thế giới ngày càng phân cực. Điều này mở ra nhiều hướng đi mới cho việc đa dạng hóa kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và đầu tư số từ khu vực vùng Vịnh và Trung Quốc.

Ông Phạm Quang Vinh kỳ vọng Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC - Trung Quốc sẽ là nền tảng để mở rộng hợp tác sang các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, hình thành nên một mạng lưới liên kết khu vực quy mô lớn, có sức lan tỏa.

Tuy vậy, ông Vinh lưu ý rằng Việt Nam cũng sẽ gặp cạnh tranh từ các nước phát triển tương đồng trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Philippines. Thách thức đặt ra cho Việt Nam là phải biết tận dụng hiệu quả các cơ hội lan tỏa từ hợp tác khu vực, đồng thời xây dựng được bản sắc và lợi thế cạnh tranh riêng.

Ông Fareed cũng nhấn mạnh cơ hội phải đi kèm với trách nhiệm. Để phát huy cơ chế liên khu vực ASEAN - GCC - Trung Quốc, Việt Nam cần đầu tư vào khả năng chống chịu kinh tế, duy trì ngoại giao khôn khéo và tránh các quan hệ theo kiểu "tổng bằng không".

Đặc biệt, Việt Nam cần phát huy vai trò "cường quốc tầm trung" nhằm thúc đẩy đối thoại, khuyến khích sự ôn hòa và thúc đẩy hợp tác thực tiễn vì lợi ích của toàn khu vực.

Ngoài ra ông Fareed cũng khẳng định ASEAN dưới tư cách một khối cần tiếp tục chủ động nắm bắt nguồn vốn và dòng chảy thương mại mới từ nhiều thị trường khác nhau, phát huy vai trò cầu nối giữa các khối kinh tế nhằm phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và người dân trong khu vực.

Kết nối trung tâm tài chính

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC - Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng cường kết nối giữa các trung tâm tài chính của ba khu vực.

Theo đó, Thủ tướng đề xuất một mạng lưới kết nối tài chính vững mạnh giữa các trung tâm lớn của khu vực như TP.HCM, Kuala Lumpur, Singapore, Bangkok, Thượng Hải, Dubai, Riyadh..., hình thành một hệ sinh thái tài chính liên khu vực thông suốt, liền mạch, tạo bệ phóng đưa hợp tác bứt phá trong tương lai.

Vùng Vịnh, không gian hợp tác mới của ASEAN - Ảnh 3.Thủ tướng đề xuất ASEAN, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh lập thỏa thuận hợp tác kinh tế chung

Thủ tướng đánh giá cao tiềm năng hợp tác ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nhận định hai khu vực đều có thế mạnh riêng, mang tính bổ trợ cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên