10/07/2018 07:00 GMT+7

Vùng núi đang lộ ra 4 bất ổn trước thiên tai

XUÂN LONG thực hiện
XUÂN LONG thực hiện

TTO - GS. Vũ Trọng Hồng - nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT - chỉ ra 4 nhân tố gây bất ổn ở vùng núi trước thiên tai: mất rừng, thuỷ điện nhỏ, tàn phá tài nguyên và những khu dân cư ở ngay trong những vùng nguy hiểm.

Vùng núi đang lộ ra 4 bất ổn trước thiên tai - Ảnh 1.

GS. Vũ Trọng Hồng: Chống được thiên tai chứ nhân tai thì chống thế nào - Ảnh: XUÂN LONG

GS. Vũ Trọng Hồng nói với Tuổi Trẻ Online: Qua mùa mưa lũ 2017, đầu mùa mưa lũ 2018, nhiều người đặt câu hỏi điều gì đang xảy ra mà hậu quả lại thảm khốc vậy? Thiên tai ở Lai Châu, Hà Giang... đều có những nguyên nhân giống nhau, đều lộ ra những bất ổn do chính con người tạo ra.

* Trước diễn biến thiên tai rất thảm khốc ở vùng núi, ông nhận thấy có những vấn đề gì thật sự bất ổn khiến thiên tai hung dữ như vậy?

- Gần đây, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tàn khốc, thiệt hại quá lớn ở các tỉnh miền núi, nhưng điều đó chưa hẳn là do biến đổi khí hậu, mà có nguyên nhân do chính con người. Tôi cho rằng có 4 bất ổn rất cụ thể.

Thứ nhất, không chỉ quá khứ, ngay bây giờ nhiều địa phương vẫn quá chú trọng phát triển kinh tế. Muốn GDP tăng thì lĩnh vực ra tiền nhanh nhất là khai thác tài nguyên để bán. Khi đã khai thác loại quặng thì hệ lụy là rủi ro thiên tai. Đơn cử như Lai Châu, nơi thiệt hại nặng nhất sau đợt lũ mới đây, hiện vẫn đang có hàng chục mỏ khoáng sản khai thác rầm rộ.

GS. Võ Trọng Hồng: Ý tưởng "bóc" tài nguyên đem bán để tăng trưởng GDP nhanh đang mạnh hơn lo ngại trước thiên tai - Video: DƯƠNG LIỄU

Thứ hai là chuyện mất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng các loại cây công nghiệp cũng vì muốn ra tiền nhanh. Ở cả Lai Châu, Sơn La đều "bóc" hàng nghìn ha rừng chống lũ lụt biến thành rừng sản xuất. Các thảm thực vật do thiên nhiên kiến tạo qua vài trăm năm mất rồi thì chỗ nào giữ nước, chỗ nào ngăn lũ?

Thứ ba, lũ quét tàn khốc có nguyên nhân từ hàng ngàn thuỷ điện vừa và nhỏ, theo tôi đó là ung nhọt rất nguy hiểm.

Thứ tư, ở các tỉnh miền núi, nhiều chỗ do phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên, chuyển đổi rừng, di cư tự phát, hiện đã lộ ra những khu dân cư định hình ở ngay những vùng nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.

Bốn vấn đề này đều do có tác động của con người. Chúng ta chỉ có thể giảm nhẹ được thiên tai, còn nhân tai mà chúng ta tự tạo ra thì chống đến bao giờ.

Chúng ta cứ tưởng thiên tai do trời định, nhưng thực ra thiên tai được coi là rủi ro theo tần suất, con người có thể dự báo, cảnh báo, có biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ.

GS. Vũ Trọng Hồng

* Theo ông, cần có giải pháp nào với 4 bất ổn trên?

Tôi ủng hộ phát triển kinh tế, nhưng trong các bước từ lập quy hoạch, kế hoạch, lập dự án phát triển, đều phải đề cập đến những ảnh hưởng từ rủi ro thiên tai.

Người Nhật làm chiến lược phát triển nông thôn mới đều có mục giảm thiểu rủi ro thiên tai. Khi làm đường ở vùng núi phải tính xem con đường đó ngăn bao nhiêu đường đi của lũ. Nếu ngăn đường đi của lũ thì phải làm cầu, cống, chấp nhận tốn tiền hơn. Làm mà không tính, dù tốn ít tiền hơn, nhưng con đường đó lại tạo ra rủi ro thiên tai, có lũ là mất cả đường, cả sinh mạng người dân.

Với bất ổn về mất rừng, tôi cho rằng phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng từ cuối năm 2017, dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ. Đừng lấy cớ rừng nghèo kiệt để chuyển đổi sang rừng sản xuất, đã chuyển là mất hoàn toàn.

Mặt khác, cần có quyết tâm, lộ trình sửa chữa những bất cập với diện tích rừng đã chuyển đổi. Nếu không hiệu quả, quá bất ổn, cần có lộ trình đưa trở lại rừng phòng hộ.

Để rừng sản xuất trở lại là rừng phòng chống lũ, phải không khai thác gì nữa, bảo vệ rừng triệt để, trồng thêm cây và canh giữ nghiêm ngặt. Vậy cũng phải sau 50 năm rừng đó mới bắt đầu hồi sinh, mới giữ được nước, ngăn được lũ.

GS. Vũ Trọng Hồng

Với thuỷ điện vừa và nhỏ, Chính phủ đã quyết định dừng, không cho làm nữa, vấn đề là cần có giải pháp với hàng nghìn thuỷ điện nhỏ còn tồn tại. Số này là thuỷ điện của tư nhân, làm ở giai đoạn trước, được khuyến khích. Bây giờ cần đánh giá, có chính sách chia sẻ về kinh tế giữa nhà nước và nhà đầu tư, thậm chí mua lại để đóng cửa những thuỷ điện nhỏ nhưng bất ổn lớn.

Về bất ổn về phân bố dân cư ở vùng miền núi, chỉ cần nhìn những vị trí người Pháp chọn ngày trước sẽ thấy rõ. Ở Tam Đảo, Sapa, những nơi đồi núi dốc lắm, mưa suốt nhưng không bị lũ, vì nhà của người dân đều bố trí rải rác trên sườn đồi.

Ở đó buộc phải đi bộ từ nhà này đến nhà kia. Vì muốn tiện, muốn xe vào tận nơi, thì sẽ phải xẻ đồi, sẽ tạo ra rủi ro thiên tai, cái tiện chính là chỗ "chết". Điều này đã được phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra, ông nói có lẽ phải xem lại quy hoạch bố trí dân cư miền núi, khi quy hoạch phải lập bản đồ sạt lở, đường thoát lũ.

Giờ ở tình thế đã rồi, tôi cho rằng phải dùng phương án "chữa cháy": đưa người xuống khỏi các vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, rà soát và xác định ngay những khu cần di dời khẩn cấp ngay trong mùa mưa lũ. Chưa có nơi ở mới cho họ thì di dời sang những những khu dân cư khác ở vùng không có nguy cơ, sau đó có lộ trình bố trí, sắp xếp nơi ở mới.

Thủy điện nhỏ vi phạm nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai ở miền núi: Trước đây Bộ Thuỷ lợi, Bộ Lâm nghiệp có nguyên tắc thuỷ điện đều phải có dung tích phòng lũ, tức là đầu mùa lũ phải dành ra một chỗ để chứa lũ khi có lũ, chỉ khi lũ lớn dần thì mới xả xuống hạ du.

Nguyên tắc đó giúp chúng ta chủ động trong việc xả lũ, hiểu đơn giản là lũ có lớn bao nhiêu, vẫn có một lượng nước được chứa vào hồ, còn lại mới xả. Nhưng các thuỷ điện vừa và nhỏ sau này đều không có dung tích phòng lũ, vì làm thế người ta không thu lợi nhuận nhanh được.

Trong phòng chống lũ phải có dự báo, xác định đường thoát lũ để lập trạm đo dòng chảy để cảnh báo. Nhưng cái nguy hiểm của thuỷ điện nhỏ chính là không thể xác định được đường thoát lũ ở đâu.

Phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất Phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất

TTO - Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tại, từ năm 2010 đến 2017 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.

XUÂN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên