Đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: AMTI, CSIS
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10-6.
Trong suốt vài tháng gần đây, Philippines đã phát đi những tín hiệu cho thấy họ muốn thúc đẩy sự hiện diện tại một số thực thể tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam trên thực tế đã có phát biểu liên quan về vấn đề này, nhưng phát biểu ngày 10-6 mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh Philippines dường như tiến thêm một bước nhằm hiện thực hóa việc biến Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần ở Biển Đông.
Cụ thể vào hôm 26-5, có tin Cảnh sát biển Philippines xác nhận họ có kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng ở đảo Thị Tứ nhằm cải thiện năng lực giám sát tại các vùng biển tranh chấp.
Từ khi nổ ra câu chuyện tàu dân quân biển Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu, phía Philippines được biết đã tăng cường các đợt tuần tra tại nhiều khu vực nước này tuyên bố chủ quyền chồng lấn, với lý do ứng phó với tình trạng tàu Trung Quốc xuất hiện đông đảo.
Philippines cho đó là các tàu dân quân biển, trong khi Trung Quốc khẳng định đó là các tàu cá thông thường.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về động thái "tăng cường năng lực giám sát" của Philippines ở Thị Tứ ngày 27-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: "Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền cũng như các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị".
Tại cuộc họp báo tháng trước và tháng này, người phát ngôn lặp lại việc Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Thu Hằng cũng nhận câu hỏi về một số thông tin cho rằng tàu hải cảnh Trung Quốc CCG 4301 và tàu Benhai 09952 xuất hiện ở khu vực gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Người phát ngôn khẳng định các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát mọi hoạt động ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, cũng như các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Bà nói: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông, được xác lập phù hợp với Công ước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận