Ngày 21-11, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu nhà, đất giữa nguyên đơn là ông Cao Viết Hùng và bị đơn là bà N.T.K.Q.. Đây là vụ án mà Tuổi Trẻ đề cập trong bài viết "Trường kỳ kiện tụng, đến chết vẫn chưa xong".
Nguyên đơn chết, án vẫn chưa xong
Theo nội dung khởi kiện, năm 1989, ông Cao Viết Hùng thỏa thuận mua căn nhà trên đường Trương Quốc Dung (phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM) của vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hà với giá 55 lượng vàng.
Sau khi giao vàng, do ông Hùng không có hộ khẩu TP.HCM, không thể đứng tên mua nhà được nên khi làm giấy tờ mua bán đã để trống bên mua.
Sau đó, ông Hùng dọn về ở và cất giấy tờ tại căn nhà trên. Do có việc về Hà Nội, ông Hùng nhờ bà N.T.K.Q. trông nom nhà cửa. Năm 1990, ông Hùng phát hiện bà Q. đã đứng tên trên giấy mua bán nhà. Cho rằng bà Q. chiếm đoạt nhà của mình nên ông Hùng gửi đơn tố cáo.
Tháng 10-1990, Viện KSND quận Phú Nhuận chuyển đơn của ông Hùng sang tòa án cùng cấp để giải quyết. Năm 2004, TAND quận Phú Nhuận thụ lý vụ án nhưng đến đầu năm 2005 tòa cho rằng vụ án có dấu hiệu hình sự nên chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Nhận hồ sơ, Công an quận Phú Nhuận điều tra và cho rằng vụ việc này là quan hệ dân sự, không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Sau đó, TAND quận Phú Nhuận đã chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM thụ lý giải quyết.
Trong khi đó, bà Q. cho rằng căn nhà trên bà mua từ vợ chồng ông Hà. Khi mua bán hai bên có lập giấy tờ nhận cọc nhưng khi làm giấy tờ mua bán thì giấy đặt cọc đã hủy bỏ.
Hai bên có ký văn tự mua bán nhà. Sau đó bà làm thủ tục và được cấp chủ quyền nhà do bà đứng tên. Bà đã giao vàng cho vợ chồng ông Hà như thỏa thuận.
Năm 2011, TAND TP.HCM tuyên xử căn nhà trên là tài sản chung của ông Hùng và bà Q.. Bản án này đã bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM hủy sau đó. Xét xử lại, TAND TP.HCM tuyên không chấp nhận yêu cầu đòi nhà của ông Hùng.
Tháng 4-2013, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM một lần nữa tuyên hủy án để giải quyết lại.
Gần ba năm sau, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần 3 và tuyên công nhận căn nhà trên thuộc sở hữu của bà Q., buộc bà Q. phải thanh toán cho Hùng giá trị 42 cây vàng tại thời điểm xét xử là 1,4 tỉ đồng.
Sau bản án, cả nguyên đơn, bị đơn và người liên quan đều làm đơn kháng cáo. Trong thời gian chờ xử phúc thẩm, ông Cao Viết Hùng (sinh năm 1936) bị đột quỵ và mất vào tháng 3-2019.
Hủy án, xét xử lại từ đầu
Tại phiên tòa phúc thẩm, con ruột ông Hùng là ông Cao Hồng Hạnh giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị xác định căn nhà là thuộc quyền sở hữu của ông Hùng, hủy giấy phép mua bán nhà do vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hà bán cho bà Q. và yêu cầu bà Q. giao trả căn nhà. Trong khi đó, bị đơn và luật sư vắng mặt.
Theo hội đồng xét xử, tại bản án phúc thẩm năm 2013 tuyên hủy án sơ thẩm đã đề nghị thu thập hồ sơ liên quan việc đăng ký quyền sở hữu căn nhà để làm rõ những mâu thuẫn liên quan đến 3 văn tự mua bán nhà nhưng chưa được tòa sơ thẩm thu thập và đánh giá.
Trong hồ sơ vụ án thể hiện sổ tổng hợp bản gốc các giấy tờ liên quan đến việc mua bán căn nhà nhưng thực tế chỉ có bản photocopy, chứng cứ bản gốc vẫn chưa được tòa sơ thẩm thu thập.
Cấp phúc thẩm cho rằng việc mua bán căn nhà trên là có thật nhưng bán cho ông Hùng hay bà Q., hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ và chưa được đánh giá toàn diện.
Ngoài ra, suốt quá trình tố tụng, nguyên đơn chỉ yêu cầu công nhận quyền sở hữu căn nhà là của nguyên đơn, tuy nhiên bản án sơ thẩm lần 3 bác yêu cầu này nhưng lại buộc bị đơn trả cho nguyên đơn 42 cây vàng là vượt quá phạm vi khởi kiện của đương sự.
Cho rằng tòa sơ thẩm có thiếu sót nghiêm trọng và vi phạm tố tụng, chưa thu thập đầy đủ chứng cứ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung, khắc phục được nên tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận