Có vụ án bị chuyền qua đẩy lại nhiều lần mới được giải quyết.
Bở hơi tai với hai tòa án quận
Tháng 11-2021, bà T.T.H. (ngụ quận Tân Phú) nộp đơn khởi kiện ông H.D.K. (ngụ quận Tân Bình) đến TAND quận Tân Bình. Theo đơn khởi kiện, bà H. cho biết bà là chủ sở hữu của toàn bộ nội thất và năm tầng lầu trong một căn nhà ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1.
Trước đó, bà ký hợp đồng cho ông K. thuê để kinh doanh phòng ở, thời hạn thuê đến hết ngày 31-10-2021. Dù đã hết hạn hợp đồng nhưng ông K. vẫn chưa trả lại các tài sản thuê.
Bà H. đề nghị tòa án buộc ông K. hoàn trả toàn bộ tài sản, tiền thuê trong thời gian chậm trả và chịu trách nhiệm với các rủi ro, mất mát, hư hỏng đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả. Tổng giá trị tạm tính là 170 triệu đồng.
Sau khi xem xét đơn khởi kiện của bà H. cùng các tài liệu chứng cứ, TAND quận Tân Bình cho rằng tranh chấp giữa bà H. với ông K. là nội thất hiện hữu tại một căn nhà ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1; đối tượng tranh chấp là những tài sản gắn liền với nhà, đất nên thuộc thẩm quyền của TAND quận 1.
Nhận được hồ sơ từ TAND quận Tân Bình, TAND quận 1 có thông báo thụ lý vụ án. Tuy nhiên, tháng 9-2022 TAND quận 1 lại quyết định chuyển hồ sơ trở lại cho TAND quận Tân Bình để giải quyết.
Theo TAND quận 1 thì đối tượng tranh chấp là tài sản thuê (như kệ tivi, bàn trang điểm, nệm, tủ quần áo...) tại phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) nhưng đây là động sản (là những tài sản di dời, không gắn liền với nhà đất), không phải là bất động sản, nên TAND quận 1 không có thẩm quyền giải quyết. Và bị đơn có địa chỉ cư trú tại quận Tân Bình nên thẩm quyền của TAND quận Tân Bình.
Mãi đến tháng 1-2023, TAND quận Tân Bình mới thông báo thụ lý vụ án trên, nhưng hơn một tháng sau lại chuyển hồ sơ vụ án về lại TAND quận 1 vì cho rằng đối tượng tranh chấp trong vụ án là tài sản gắn liền với bất động sản nên thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án nơi có bất động sản. Đồng thời, tòa này cho rằng tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi hợp đồng được thực hiện để giải quyết.
Sau khi nhận lại hồ sơ, TAND quận 1 đã có công văn xin ý kiến TAND TP.HCM về thẩm quyền giải quyết vụ án. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND TP.HCM cho rằng đối tượng tranh chấp trong vụ án này không phải là tài sản gắn liền với bất động sản như TAND quận Tân Bình nhận định.
Bị đơn có địa chỉ cư trú tại quận Tân Bình, nên việc nguyên đơn đã lựa chọn khởi kiện tại Tân Bình là đúng quy định. Từ đó, TAND TP.HCM kết luận thẩm quyền thuộc TAND quận Tân Bình.
Thụ lý cả năm mới phát hiện chưa đúng thẩm quyền
Tháng 8-2020, một nhóm khách hàng đặt cọc mua căn hộ hình thành trong tương lai tại dự án Đức Long Western Park (tọa lạc tại phường An Lạc, quận Bình Tân) của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai (trụ sở ở huyện Bình Chánh) và nộp đơn khởi kiện công ty này tại TAND huyện Bình Chánh.
Sau hai tháng nhận đơn, TAND huyện Bình Chánh cho rằng tranh chấp liên quan đến bất động sản tọa lạc tại quận Bình Tân nên đã chuyển đơn khởi kiện đến TAND quận Bình Tân.
Tháng 12-2020, TAND quận Bình Tân thụ lý vụ án. Thế nhưng sau hơn một năm thụ lý, cuối tháng 3-2022 tòa này bất ngờ chuyển hồ sơ về TAND huyện Bình Chánh vì cho rằng tranh chấp chỉ liên quan đến hợp đồng đặt cọc nên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nơi có trụ sở của bị đơn là TAND huyện Bình Chánh. Sau khi nhận được quyết định chuyển hồ sơ, nhiều đương sự đã khiếu nại.
Họ cho rằng trong đơn khởi kiện ghi đầy đủ thông tin địa chỉ của bị đơn, phiếu cung cấp thông tin doanh nghiệp đều thể hiện trụ sở của Công ty Đức Long Gia Lai ở huyện Bình Chánh, nhưng sau hơn một năm thụ lý tòa lại chuyển hồ sơ. Việc các tòa đùn đẩy, không giải quyết, kéo dài sau đó chuyển hồ sơ vụ án làm đương sự bức xúc.
Chờ đợi quá lâu, tháng 5-2023 một số khách hàng đã đồng ý hòa giải với Công ty Đức Long Gia Lai và vẫn được TAND quận Bình Tân ra quyết định công nhận thỏa thuận, còn nhiều khách hàng khác vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện tại tòa này.
Hồ sơ "lang thang" 8 tháng
Tháng 3-2019, bà Lê Thị Thu Hà đi xe khách Phương Trang từ TP Nha Trang vào TP.HCM khám bệnh. Trên đường đi, chiếc xe này bị tai nạn, khiến bà Hà bị thương tật 60%. Tháng 7-2019, bà Hà khởi kiện Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (trụ sở tại quận 7, TP.HCM) yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại và được TAND quận 7 thụ lý.
Sau bốn tháng thụ lý, TAND quận 7 đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm nhưng hoãn rồi chuyển hồ sơ vụ án cho TAND quận 1 để giải quyết theo thẩm quyền. Lý do là bị đơn cung cấp địa chỉ Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines ở quận 1.
Tháng 4-2020, TAND quận 1 lại chuyển hồ sơ vụ án về lại TAND quận 7 với lý do căn cứ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bị đơn là Công ty Phương Trang có địa chỉ trụ sở chính tại quận 7 nên vụ án thuộc thẩm quyền của TAND quận 7.
Gần một năm theo đuổi vụ kiện, tháng 5-2020 bà Hà chết, chồng bà là ông Hồ Xuân Quý kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng. Tháng 9-2020, TAND quận 7 đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Như vậy, hồ sơ vụ án mất hơn tám tháng chỉ để đi từ tòa này sang tòa khác rồi về lại tòa án thụ lý ban đầu.
* TS Cao Vũ Minh (giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TP.HCM):
Không để tùy tiện chuyển thẩm quyền
Hiện nay số lượng án phải giải quyết của tòa án quá nhiều, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Việc chuyển hồ sơ qua lại giữa các tòa như một "thủ thuật" để giãn đầu việc, né án tồn. Bộ luật Tố tụng dân sự trao cho đương sự quyền khiếu nại đối với quyết định chuyển hồ sơ vụ án nhưng thời hạn khiếu nại rất ngắn, chỉ ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định.
Trong khi đó, tâm lý của đương sự phần lớn chấp nhận theo quyết định của tòa. Tòa hướng dẫn phải đến đâu thì họ đến đó, đến khi tòa chuyển thẩm quyền nhiều lần, kéo dài thì đương sự mới bức xúc.
Như vậy, cơ chế bảo vệ quyền lợi của đương sự đã có nhưng khó khăn trong việc "kích hoạt".
Hơn nữa, pháp luật có quy định cụ thể về thời gian thụ lý. Nếu tòa thấy không thuộc thẩm quyền của mình thì phải nhanh chóng chuyển hồ sơ đến nơi có thẩm quyền. Pháp luật không cho phép tòa "ngâm" cả năm rồi mới chuyển hồ sơ đi.
Để bảo vệ quyền lợi cho đương sự và tránh tình trạng chuyển thẩm quyền lòng vòng thì cần phải điều chỉnh quy định về thời hạn, thay vì ba ngày kể từ khi nhận được quyết định thành ba ngày kể từ khi đương sự nhận thức được quyết định mang tính chất trái quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, chánh án TAND tối cao cũng cần có thông tư quy định về việc xử lý kỷ luật đối với chủ thể có vi phạm về thời hiệu giải quyết, chuyển hồ sơ lòng vòng. Ngoài ra, khi thẩm phán chuyển hồ sơ không đúng quy định thì cần phải tính thời gian thụ lý kể từ khi bắt đầu thụ lý vụ án lần đầu để tránh việc chuyển hồ sơ lòng vòng, né thời hạn giải quyết án.
* Luật sư Hà Hải (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):
Đương sự cũng cố tình "câu giờ"
Thực tế có tình trạng các đương sự cố tình gây khó khăn, kéo dài quá trình giải quyết vụ án.
Tôi cũng từng gặp một số vụ tranh chấp tài sản rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, mỗi đương sự chọn khởi kiện ở một tòa án khác nhau và đều được các tòa thụ lý.
Về nguyên tắc, một vụ án chỉ có một tòa thụ lý nhưng tòa nào cũng có lý và quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình, khi đó buộc một trong hai tòa phải chuyển hồ sơ cho tòa còn lại thì mới có thể giải quyết.
Ngoài ra, có nhiều vụ việc quy định là phải khởi kiện tại nơi cư trú của bị đơn nhưng bị đơn cố tình chuyển nơi ở để "câu giờ", chuyển địa chỉ cư trú liên tục khiến nguyên đơn gặp khó khăn trong việc xác định nơi thụ lý hoặc khi tòa án đã thụ lý rồi nhưng phải chuyển cho tòa khác mà nguyên nhân do bị đơn không cư trú thực tế tại địa phương.
Có những vụ án kéo dài, tòa án muốn giải quyết nhanh cũng không được khi đương sự cố tình "đá bóng" từ tòa này qua tòa kia. Tôi nghĩ pháp luật cần rõ ràng hơn, không để cho đương sự lợi dụng quyền của mình để kéo dài vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận