18/09/2023 22:24 GMT+7

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: 'Chưa tìm được tên thay cho tòa án tỉnh, huyện'

Liên quan đề xuất đổi tên tòa án huyện, tỉnh, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay đã triệu tập anh em đặt tên khác nhưng 'nghĩ mãi không ra được tên nào'.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đổi tên các tòa án chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề

Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết dự thảo quy định tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp huyện.

Ví dụ Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, Tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm… để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết một số ý kiến cho rằng việc "đổi tên" các tòa án như dự thảo luật nhưng tòa án nhân dân sơ thẩm, phúc thẩm vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh.

Thẩm quyền xét xử và tổ chức của các tòa án vẫn không thay đổi, do đó, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử".

Việc đổi tên các tòa án này dẫn tới không tương thích với tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự).

Bên cạnh đó, việc đổi tên tòa án nhân dân phúc thẩm nhưng tòa án này vẫn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ án.

Việc thay đổi về tên gọi của cả hai cấp tòa án dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp có liên quan, như các luật tố tụng, Luật Thi hành án dân sự... Do đó đề nghị giữ tên gọi của các tòa án như luật hiện hành.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay về tên gọi chỉ là vấn đề kỹ thuật, vì "đổi tên nhưng lại không thay đổi chức năng nhiệm vụ".

Ông đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lập luận thêm cho thuyết phục và trình Quốc hội xem xét, quyết định nên hay không.

"Cần đánh giá giữa chi phí và lợi ích, lợi thì được thêm cái gì, không lợi thì có cái gì, chi phí tuân thủ pháp luật, riêng khắc lại dấu đã ốm rồi, tên trụ sở cũng phải thay đổi", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay các lập luận của ban soạn thảo chưa thực sự thuyết phục.

"Tên gọi cần gắn với mô hình tổ chức, nếu tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính thì việc đổi tên gọi như dự thảo không làm thay đổi gì nhiều mà còn gây phiền hà, tốn kém. Do đó, đề nghị báo cáo rõ hơn về sự cần thiết và tác động của việc đổi tên...", bà Thúy Anh nêu.

Tiếp tục suy nghĩ tên gọi

Giải trình sau đó về các ý kiến băn khoăn đối với tên gọi của tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói sau hôm làm việc với Ủy ban Tư pháp, đã về triệu tập anh em đặt tên khác nhưng "nghĩ mãi không ra được tên nào".

"Thực sự cũng đặt ra rất nhiều phương án chữ nọ, chữ kia để diễn tả, đừng nghĩ đến tòa án Hiến pháp nhưng anh em suy nghĩ chưa ra, từ nay đến lúc trình Quốc hội tiếp tục suy nghĩ tên gọi.

Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà có chỉ đạo về tên gọi của việc này thì chúng tôi rất cảm ơn", ông Bình chia sẻ.

Chính phủ: Cháy tại khu dân cư phức tạp, kiểm tra, xử lý có nơi còn Chính phủ: Cháy tại khu dân cư phức tạp, kiểm tra, xử lý có nơi còn 'qua loa, chiếu lệ'

Chính phủ cho hay công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn có nơi, có lúc bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên