20/03/2023 09:30 GMT+7

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Án hành chính 'có vấn đề, rất nhiều tồn tại'

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ trong quá trình xét xử các vụ án liên quan UBND cùng cấp, có câu chuyện nể nang của thẩm phán nhưng tỉ lệ không nhiều.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Án hành chính có vấn đề, rất nhiều tồn tại - Ảnh 1.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 20-3, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn tại phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có cả nể của thẩm phán

Đại biểu Mai Phương Hoa (đoàn Nam Định) nói tỉ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao.

“Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, phải chăng còn một bộ phận thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong giải quyết vì bên bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính?

Giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này?”, bà Hoa chất vấn.

Trả lời câu hỏi, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay án hành chính hiện nay đang có vấn đề và "đang có rất nhiều tồn tại xung quanh án hành chính". Trong đó, tỉ lệ thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội.

Với năm 2022, theo ông Bình, tỉ lệ xét xử án hành chính đạt yêu cầu của Quốc hội và đã tăng nhưng không nhiều (vượt 12%). Tuy nhiên, do tỉ lệ giải quyết Quốc hội giao chỉ tiêu xét xử án hành chính tương đối thấp nên tòa án đã cố gắng vượt.

Xung quanh án hành chính, theo ông Bình có một số tồn tại. Tỉ lệ hủy sửa nhiều, có năm lên tới 4%, trong khi tỉ lệ Quốc hội cho phép là 1,5% (cao hơn yêu cầu của Quốc hội).

Án hành chính không được thực thi, có bản án rồi nhưng UBND các cấp không thực thi nghiêm túc gây bức xúc cho người dân.

Những tồn tại này có phải do thẩm phán nể nang hay không? Ông Bình nêu rõ, việc "nể nang là có thật". Thẩm phán khi xét xử các vụ án liên quan UBND cùng cấp có câu chuyện nể nang nhưng tỉ lệ không nhiều. Tuyệt đại đa số các thẩm phán đều phát huy bản lĩnh, chuyên nghiệp xét xử vụ án nghiêm túc nhưng có việc nể nang.

Tuy nhiên, việc nể nang không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ hủy sửa cao, mà việc này do nhiều nguyên nhân khác.

Cụ thể, do việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân là không đầy đủ. Riêng án hành chính và án dân sự, trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ thuộc các bên.

Việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không đủ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Các bên chuẩn bị tài liệu không đầy đủ có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

Ông Bình nói luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu cho người dân nhưng việc cung cấp này trên thực tế không đầy đủ.

Cạnh đó, sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế. Việc này có nhiều lý do.

"Luật quy định chủ tịch UBND các cấp khi bị kiện thì phải ra tòa, nếu ủy quyền thì chỉ được ủy quyền cho cấp phó, không được ủy quyền sâu hơn.

Xong với các vụ án cấp tỉnh, do chủ tịch UBND cấp tỉnh rất nhiều việc nên khả năng tham gia phiên tòa hạn chế, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người dân.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến án hành chính bị hủy sửa, chậm được khắc phục, chứ không phải do cả nể, dù cả nể là có", ông Bình nêu.

Về giải pháp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, kể cả các loại án, nhiệm kỳ trước đã có hội nghị chánh án 4 cấp thảo luận về việc này, đã đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử.

Đối với việc cả nể, dù ít nhưng ông Bình nêu rõ cũng cần phải được đặt ra. Nhiệm kỳ trước, ông nói đã đổi mới tố tụng hành chính bằng cách với vụ án huyện xử lý thì giao cho tòa án tỉnh xử, đối với vụ án tỉnh xử thì tỉnh vẫn xử.

Trong lần sửa đổi này, tòa án tối cao dự kiến sửa đổi vụ án cấp huyện do tỉnh xử, vụ án cấp tỉnh do tòa chuyên trách, chuyên biệt xử.

Không nên đưa hết cho tòa

Đại biểu Hoa nêu dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa hết tranh chấp đất đai, kể cả trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra tòa giải quyết.

Trả lời câu hỏi này, ông Bình nói luật hiện hành người dân có thể kiện ra UBND, kiện ra tòa, tùy theo lựa chọn.

Nếu giao hết cho tòa, có thể đã hạn chế quyền lựa chọn của người dân. Nhưng việc xét xử hành chính của người dân tại ủy ban có lợi rất lớn là cấp dưới sai thì ủy ban cấp trên có tài liệu, khả năng sửa chữa ngay, không cần đưa ra tòa, mất nhiều thời gian...

"Không nên đưa hết cho tòa. Còn cuối cùng án hành chính xử không được thì vẫn đưa đến tòa", ông Bình nói thêm.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Lê Minh Trí sẽ trả lời chất vấnChánh án Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Lê Minh Trí sẽ trả lời chất vấn

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp tháng 3-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên