Thị trưởng Eric Adams giải thích băng video hướng dẫn người dân những việc cần làm trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân là bước chủ động bảo vệ an toàn công cộng để đối phó với môi trường an ninh toàn cầu thay đổi sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ.
Luồng gió mạnh vũ khí hạt nhân nguy hiểm chết người
Chiến sự đã thổi bùng nỗi sợ hãi về vũ khí hạt nhân vốn đã lắng xuống từ sau Chiến tranh lạnh. Song giáo sư Dimitris Drikakis - nhà nghiên cứu động lực học chất lỏng tại Đại học Nicosia (Cyprus) - nhận thấy mọi người biết rất ít về tác động của vụ nổ hạt nhân đối với người ở trong nhà cách vụ nổ vài km (vùng thiệt hại trung bình), khoảng cách đủ xa để các tòa nhà không bị phá hủy. Chính vì vậy ông cùng đồng nghiệp Ioannis Kokkinakis đã nghiên cứu chủ đề này.
Tình huống giả định như sau: tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá 750 kiloton được phóng đi và phát nổ cách mặt đất 3km trên khu vực đô thị. Hai nhà nghiên cứu đã mô phỏng vụ nổ hạt nhân trên máy tính để giải đáp câu hỏi vụ nổ xảy ra như thế nào, cách sóng xung kích đi qua các tòa nhà gồm phòng, tường, góc, cửa ra vào, hành lang, cửa sổ và cửa ra vào. Nhà phải ở vùng thiệt hại trung bình, tức cách xa vụ nổ từ 4-50km.
Khi vụ nổ xảy ra, chỉ trong chớp nhoáng đầu đạn hạt nhân không chỉ giải phóng bức xạ dưới dạng ánh sáng chói lòa và sức nóng thiêu đốt mà còn tạo ra các luồng sóng xung kích mạnh có thể truyền đi nhiều km. Mức hủy diệt phụ thuộc vào quy mô vụ nổ nhỏ hay lớn, khoảng cách xảy ra vụ nổ gần hay xa. Chưa kể bụi phóng xạ sẽ có hậu quả kéo dài nhiều năm.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Physics of Fluids của Viện Vật lý Mỹ vào trung tuần tháng 1-2023 ghi nhận một đầu đạn 750 kiloton có thể phá hủy mọi thứ trong bán kính 4km nhưng những người ở ngoài bán kính đó vẫn có cơ hội sống sót nếu trú ẩn đúng chỗ trong một cấu trúc kiên cố.
Họ có từ 5-10 giây sau ánh chớp sáng ban đầu để tìm nơi an toàn. Nếu họ ở trong một cấu trúc bê tông dày có ít cửa nẻo như ngân hàng hoặc tàu điện ngầm, họ có thể tận dụng thời gian giới hạn này để chạy đến nơi an toàn.
Những nơi nguy hiểm nhất trong nhà cần tránh là cửa sổ, hành lang và cửa ra vào vì chúng hoạt động như đường hầm gió đẩy nhanh sóng xung kích.
Do đó, nơi tốt nhất là phân nửa xa nhất của tòa nhà trong căn phòng không cửa sổ. Không gian kín có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi lẽ các luồng gió mạnh phát sinh nguy hiểm chết người hơn chính vụ nổ. Chúng có thể quăng quật bất kỳ ai vào tường ở tốc độ cao, đặc biệt với người gần cửa ra vào, gần cửa sổ, trong hành lang hoặc lối ra vào.
TS vật lý hạt nhân Ferenc Dalnoki-Veress tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey (Mỹ) giải thích nếu có nhiều tòa nhà chắn giữa ngôi nhà bạn đang có mặt và sóng xung kích của vụ nổ thì lực và vận tốc của luồng gió sẽ giảm và cơ hội sống sót cao hơn.
TS Dylan Spaulding thuộc Liên minh Các nhà khoa học quan tâm (Mỹ) nhận xét không nên hiểu nghiên cứu nêu trên là cách thức bảo đảm an toàn trong vụ nổ hạt nhân vì ngoài sóng nổ, vũ khí hạt nhân còn phóng thích ra ngoài bức xạ ion hóa và nhiệt còn có bụi phóng xạ.
Phơi nhiễm phóng xạ qua da hoặc hít phải sẽ gây tác hại nhiều đến sức khỏe như bỏng da, tổn thương nội tạng và ung thư. Phạm vi tiếp xúc với bức xạ có thể rộng hàng chục km.
Ông ghi nhận nghiên cứu của giáo sư Drikakis chỉ liên quan đến tên lửa đạn đạo liên lục địa nhưng nguy cơ còn có thể đến từ bom hạt nhân chiến thuật (vũ khí hạt nhân phi chiến lược) được ném từ máy bay vì bom mang tính hủy diệt không kém.
Ở trong nhà kín, đừng dùng dầu gội
Cách đây năm năm, vào 8h10 sáng ngày cuối tuần 13-1-2018, nhà báo Melinda Sacks của tạp chí Stanford Magazine (Mỹ) đang tận hưởng kỳ nghỉ trong ngôi nhà thuê homestay ven biển Honolulu (bang Hawaii). Điện thoại reo.
Cô đọc tin nhắn: "Nguy cơ tên lửa đạn đạo đang đe dọa Hawaii. Tìm chỗ ẩn náu ngay. Đây không phải diễn tập". Melinda xóa tin nhắn vì cứ tưởng tin nhắn rác. Song chồng và hai con cũng nhận được tin nhắn tương tự. Ông chủ nhà thông báo tin nhắn là thật rồi bảo gia đình cô kéo rèm và trú ẩn tại chỗ.
38 phút sau tin nhắn ban đầu, họ nhận được tin nhắn thứ hai: "Không có đe dọa hoặc nguy cơ tên lửa nào đối với bang Hawaii. Lặp lại. Báo động nhầm".
Nhiều câu chuyện cười ra nước mắt như ai cũng cố chạy về nhà nên giao thông hỗn loạn, nhân viên khách sạn không hề biết chỗ ẩn náu ở đâu, người lớn mở nắp hố ga đưa trẻ em xuống. Melinda chua chát tự hỏi: "Điều rõ ràng sau báo động nhầm kinh hoàng sáng nay là chúng ta không chuẩn bị gì hết. Thật ra có cách nào chuẩn bị cho ngày tận thế hay không?".
TS Irwin Redlener - chuyên gia về chuẩn bị thảm họa (Mỹ) - nhận xét nếu người dân có chuẩn bị sẵn sàng, họ có thể sống sót trong trường hợp xảy ra vụ nổ hạt nhân thực sự. Khi nhận được cảnh báo sớm về vụ tấn công hạt nhân và đủ thời gian báo động, Chính phủ Mỹ sẽ phát cảnh báo tương tự câu chuyện ở Hawaii nêu trên.
Ngay sau khi nhận được cảnh báo, người dân nên tìm nơi trú ẩn trong tòa nhà kiên cố bằng bê tông và đừng nhìn về hướng vụ nổ. Nếu bị mắc kẹt ở xa nhà, cố tìm nơi trú ẩn trong tòa nhà gần nhất thay vì lái xe về nhà để tránh phơi nhiễm phóng xạ.
Sau khi vào trong nhà, nên tránh xa cửa sổ và xuống tầng hầm nếu có hoặc ẩn náu sau cầu thang vì đây là chỗ chắc chắn nhất trong nhà. Một khi đã ở trong nhà an toàn thì đừng ra ngoài cho đến khi cơ quan chức năng thông báo có thể ra ngoài an toàn và hướng dẫn hướng di chuyển.
Sau vụ nổ hạt nhân sẽ có 15 phút trước khi các hạt phóng xạ bắt đầu rơi xuống. TS Redlener khuyến cáo trong 15 phút này "bạn không thể làm gì ngoài việc đừng để bản thân bị bỏng nặng hoặc chấn thương do phóng xạ".
Nên cởi bỏ lớp quần áo bên ngoài có thể dính bụi phóng xạ và cho vào túi. Tắm, gội đầu và cơ thể thật kỹ để hạn chế tiếp xúc với bụi phóng xạ nhưng không dùng dầu gội vì có thể làm bụi phóng xạ dính vào tóc. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Nếu có vật nuôi nên nhốt chúng trong nhà.
Nhà báo Garrett Graff (Mỹ) hướng dẫn cách tốt nhất là ở trong hầm trú ẩn 14 ngày đến khi phóng xạ giảm xuống mức tương đối an toàn.
Điều đáng lo là nhiều hầm trú ẩn không được thiết kế đặc biệt để tránh bụi phóng xạ như không có bộ lọc không khí. Do đó, ông cho rằng nếu sống trong khu chung cư với hệ thống lọc không khí khá tốt, cách tốt nhất là ở trong nhà, miễn là... nhà nằm ngoài bán kính vụ nổ.
Tuy nhiên, dù gì đi nữa, chiến tranh hạt nhân vẫn là điều không và không bao giờ để xảy ra.
Thực phẩm phải được niêm phong. Nước phải là nước đóng chai. Thuốc men phải được gói kín. Chỉ có thể uống nước vòi nếu không còn lựa chọn nào khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận