19/03/2023 13:54 GMT+7

Vũ khí hạt nhân và 'bóng ma ngày tận thế' - Kỳ 3: Báo động hạt nhân khủng khiếp lúc 3h sáng

Thế giới đã có lúc ở thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi Mỹ cảnh báo hàng ngàn tên lửa đạn đạo liên lục địa Liên Xô đang phóng về hướng Mỹ. Hóa ra máy tính đã cảnh báo sai!

Đường vào NORAD trên núi Cheyenne đầu những năm 1980 - Ảnh: Getty Images

Đường vào NORAD trên núi Cheyenne đầu những năm 1980 - Ảnh: Getty Images


1.400 tên lửa đạn đạo bay tới Mỹ?

Hồi ký của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert M.Gates xuất bản năm 1996 kể lại có lần cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski được đại tá William Odom đánh thức lúc nửa đêm để báo tin khủng khiếp... Mỹ bị tên lửa Liên Xô tấn công.

Hồi ký có đoạn:

"Như đã kể lại với tôi, Brzezinski được (trợ lý quân sự William) Odom đánh thức lúc 3h sáng. Odom báo cáo khoảng 250 tên lửa Liên Xô đã được phóng đến Mỹ. Brzezinski biết thời gian tổng thống quyết định ra lệnh trả đũa là từ 3-7 phút, do đó ông nói với Odom ông sẽ chờ cuộc gọi tiếp theo để xác nhận vụ phóng và các mục tiêu bị tấn công trước khi báo cáo tổng thống.

Brzezinski tin rằng chúng ta phải đánh trả và yêu cầu Odom xác nhận Bộ Tư lệnh không quân chiến lược đang triển khai máy bay. Odom gọi lại báo cáo đã có 2.200 tên lửa được phóng đi. Đây là cuộc tấn công tổng lực.

Một phút trước khi Brzezinski định gọi cho tổng thống, Odom gọi lần thứ ba thông báo các hệ thống cảnh báo khác không ghi nhận Liên Xô phóng tên lửa. Ngồi một mình lúc nửa đêm, Brzezinski không đánh thức vợ dậy và suy tính mọi người có thể sẽ chết trong vòng nửa tiếng. Rốt cuộc đây là báo động nhầm. Ai đó đã đưa nhầm các băng diễn tập quân sự vào hệ thống máy tính".

Câu chuyện nêu trên không nêu rõ ngày xảy ra sự kiện nhưng dựa vào tình tiết "ai đó đã đưa nhầm các băng diễn tập quân sự vào hệ thống máy tính", đó chỉ có thể là lần báo động nhầm ngày 9-11-1979 xảy ra vào buổi sáng.

Chuyên gia phân tích cấp cao William Burr tại Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ nhận xét ông Gates dựa vào lời của Brzezinski, còn Brzezinski lại nhầm lẫn giữa hai lần báo động nhầm vào ngày 9-11-1979 và ngày 3-6-1980.

Trung tuần tháng 3-2020, lần đầu tiên Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia đã công bố tài liệu giải mật về các vụ báo động nhầm tên lửa Liên Xô tấn công trong năm 1979-1980. Tài liệu này bổ sung nhiều chi tiết về các vụ báo động nhầm được giải mật năm 2012.

Theo tài liệu giải mật năm 2020, lần báo động nhầm vào ngày 9-11-1979 xảy ra giữa buổi sáng, còn lần xảy ra vào ngày 3-6-1980 là lần báo động nhầm duy nhất lúc nửa đêm trong những năm Tổng thống Carter cầm quyền.

Trong vụ báo động nhầm vào sáng ngày 9-11-1979, màn hình cảnh báo tên lửa của Bộ Tư lệnh phòng vệ không phận Bắc Mỹ (NORAD) trên núi Cheyenne hiển thị 1.400 tên lửa đạn đạo Liên Xô tấn công.

Tám phút sau khi màn hình phát cảnh báo, NORAD kết luận vụ tấn công đang diễn ra.

Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ

Tám phút sau, NORAD kết luận: "Vụ tấn công đang diễn ra". Thật ra một nhân viên NORAD đã đưa băng diễn tập hạt nhân vào máy tính để kiểm tra, vì vậy máy tính phát đi cảnh báo sai.

Thông tin từ đoạn băng diễn tập xuất hiện cùng lúc trên bảng điều khiển cảnh báo của Lầu Năm Góc, Bộ Tư lệnh không quân chiến lược (SAC) và một số nơi khác, do đó các biện pháp đối phó đã được triển khai, trong đó lực lượng đánh chặn của NORAD đã nhận lệnh báo động.

Đánh giá về sự cố này, NORAD nhận định các kỹ thuật viên của NORAD sẽ có thể dẫn đến các lỗi tương tự do thiếu hiểu biết về tính tổng thể của hệ thống và thường dễ chấp nhận các yêu cầu kiểm tra không cần thiết.

Ngoài ra họ không hiểu đầy đủ hậu quả xảy ra của hoạt động kiểm tra có thể liên quan đến toàn hệ thống. Tin báo động nhầm nhanh chóng được đăng trên báo chí Mỹ. Ngày 14-11-1979, Tổng bí thư Leonid Brezhnev đã gửi một thông điệp cho Mỹ qua trung gian đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoly Dobyrnin bày tỏ mối quan ngại về "mức độ cực kỳ nguy hiểm" của sự cố này.

Trung tâm tác chiến của NORAD khoảng năm 1982 - Ảnh: Cơ quan Thông tin Mỹ

Trung tâm tác chiến của NORAD khoảng năm 1982 - Ảnh: Cơ quan Thông tin Mỹ

Chỉ vì một con chip giá 46 xu

Bảy tháng sau lại có ba lần cảnh báo sai vào ngày 28-5-1980, 3-6-1980 và 6-6-1980. Hôm 3-6-1980, màn hình radar tại Lầu Năm Góc và SAC đã hiển thị 200 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và sau đó là 2.020 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) bay đến Mỹ.

Tại SAC, các máy bay ném bom và máy bay chở nhiên liệu được lệnh khởi động động cơ. Trạm chỉ huy trên không của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương được đưa vào hoạt động trong khuôn khổ báo động khẩn cấp. Sở Chỉ huy trên không khẩn cấp quốc gia (NEACP) tại căn cứ không quân Andrews được đặt trong tình trạng sẵn sàng hành động khẩn cấp.

Dù vậy, NORAD đã không triển khai tên lửa đánh chặn có lẽ do đã rút kinh nghiệm lần báo động nhầm vào tháng 11-1979.

Nguyên nhân báo động nhầm là do vi mạch tích hợp (con chip) giá 46 xu trong một máy tính tại NORAD và thiết kế thông báo bị lỗi. Theo quy trình gửi thông báo định kỳ tới SAC và Trung tâm Chỉ huy quân sự quốc gia (NMCC) của Lầu Năm Góc, thông báo ghi "000" để không có tên lửa phóng đi. Song con số 0 lại bị ghi nhầm thành số 2 nên số "000" hiển thị thành "002" hoặc "200" khiến tưởng nhầm là 2 tên lửa hoặc 200 tên lửa.

Đầu thập niên 1960, Lầu Năm Góc bắt đầu sử dụng Hệ thống Cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEWS) có thể cảnh báo sớm 15 phút. Sau đó đến các hệ thống tán xạ thẳng (radar vượt đường chân trời OTHR) cảnh báo sớm từ 5-7 phút và hệ thống 474N cảnh báo sớm từ 3-7 phút.

Cuối thập niên này, Mỹ triển khai các vệ tinh thuộc Chương trình Hỗ trợ quốc phòng sử dụng công nghệ hồng ngoại có thể phân biệt vụ phóng tên lửa là thử nghiệm hay tấn công căn cứ số lần phóng và quỹ đạo tên lửa. Chương trình phát cảnh báo sớm từ 25-30 phút cùng thông tin về quỹ đạo và mục tiêu của tên lửa.

Năm 1972, NORAD bắt đầu kết nối các hệ thống cảnh báo thành mạng liên kết. Trong cuốn sách "Giới hạn của an toàn: Tổ chức, sự cố và vũ khí hạt nhân", GS Scott Sagan ở Đại học Stanford chua chát nhận định "thất bại có tính tổ chức" của hệ thống cảnh báo sớm Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh vì hệ thống máy tính phức tạp khó tránh khỏi bị hỏng hóc, bị lỗi hoặc nhầm lẫn.

Một báo cáo giải mật tại Thư viện Carter đã thống kê các thời điểm phát cảnh báo sai vô cùng nguy hiểm nhưng nhiều sự cố hầu như không được biết đến.

Sau sự cố báo động nhầm ngày 3-6-1980, NORAD cho hệ thống máy tính chạy ba ngày liên tục để xác định lỗi. Đến chiều ngày 6-6, lỗi tương tự lại xảy ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown đã cảnh báo với Tổng thống Carter: "Chúng ta phải chuẩn bị khả năng hôm nào đó lại xảy ra trục trặc khác có khi không liên quan đến cảnh báo sai". Song ông trấn an: "Chúng ta phải tiếp tục đặt niềm tin vào yếu tố con người (các nhân viên đọc dữ liệu) trong hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công".

Báo chí đã từng hỏi Lầu Năm Góc rằng liệu các sĩ quan trực ban Liên Xô có tưởng cảnh báo của Mỹ là đúng không? Một quan chức quốc phòng Mỹ không nêu tên cho rằng không có gì bảo đảm phản ứng dây chuyền sẽ không xảy ra.

Chưa có người phụ nữ nào dẫn đầu đoàn đàm phán trong lịch sử 50 năm đàm phán vũ khí hạt nhân. Song khi đàm phán hiệp ước New START sau này lại xuất hiện một bóng hồng.

Kỳ tới: Từ cuộc gọi nhỡ đến bàn đàm phán

Vũ khí hạt nhân và "bóng ma ngày tận thế" - Kỳ 2: "Siêu bom" hạt nhân 100 megaton kiểu MỹVũ khí hạt nhân và 'bóng ma ngày tận thế' - Kỳ 2: 'Siêu bom' hạt nhân 100 megaton kiểu Mỹ

Theo nhiều tài liệu giải mật của Mỹ, trong một thời gian dài các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu "siêu bom" hạt nhân với sức công phá lên đến 100 megaton, tức gấp đôi sức nổ bom Tsar Bomba của Liên Xô.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên