![]() |
Tụ tập xem bóng đá quốc tế qua truyền hình là niềm vui của nhiều nông dân nghèo ấp Thiềng Liềng,xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Nhưng sắp tới, niềm vui ấy sẽ phải bỏ vì khó kham nổi mức phí cao -Ảnh: XUÂN TRƯỜNG |
Như tin đã đưa, vào cuối tháng 4 năm nay, Chính phủ Singapore đã phải can thiệp vào cuộc cạnh tranh quyết liệt của hai đài truyền hình trả tiền thuộc SingTel và StarHub. Nguyên nhân là hai đài này ngày càng chạy đua trong việc thu hút thuê bao về phía mình bằng những chương trình độc quyền mua lại của các hãng truyền hình phương Tây, các công ty sản xuất chương trình. Chuyện này dẫn đến việc người xem bị xoay mòng mòng, vì khi hết thời hạn độc quyền thì chương trình họ yêu thích lại bị đài khác nẫng tay trên, khiến “thượng đế” phải chuyển đài.
Câu chuyện này y như ở VN. Xin lấy chuyện Giải ngoại hạng Anh làm ví dụ: liên tục trong ba mùa, từ 2007-2008 cho đến 2009-2010, Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) dù sinh sau đẻ muộn nhưng đã “chơi” Đài truyền hình VN (VTV) một cú rất đau là nhanh tay mua đứt bản quyền phát sóng giải này tại VN. VTC thời điểm ấy liên tục cho VTV tụt lại phía sau trong hàng loạt phi vụ mua bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao. Và đương nhiên, trong những năm ấy, VTC tha hồ bán đầu thu kỹ thuật số.
Nhưng năm nay, đối với người hâm mộ Giải ngoại hạng Anh, đầu thu kỹ thuật số của VTC trở nên thừa thãi khi bản quyền giải này đã về tay Công ty MP&Silva, sau đó gói béo bở nhất (độc quyền ngày chủ nhật) đã rơi vào tay K+, một sản phẩm của VTV liên doanh với một đài truyền hình Pháp. Và giờ đây, những ai mê bóng đá Anh chỉ còn một cách là đi mua đầu thu và chảo của K+.
Chắc chắn nếu cứ thả nổi chuyện chạy đua của các đài truyền hình, ba năm sau K+ sau khi phủ phê thu tiền bán chảo và đầu thu sẽ bị một ông N+ nào đấy hạ đo ván, và khi ấy người xem truyền hình lại cho chảo và đầu thu của K+ vào sọt rác.
Chính phủ Singapore đã rất sáng suốt khi ra tay ngăn chặn những cuộc đua không có điểm dừng của các đài truyền hình thu tiền bằng việc bắt buộc phải chia sẻ với nhau những chương trình có bản quyền. Và khi ấy, các đài sẽ phải cạnh tranh nhau bằng việc chăm sóc khách hàng chu đáo; bằng việc đầu tư sản xuất những chương trình riêng của mình...
Nghĩ đến đây, chúng tôi chợt giật mình tự hỏi: trong đại đa số chương trình truyền hình hiện nay ở VN có gì hay? Trong lĩnh vực phim ảnh gần như mở kênh nào cũng thấy sản phẩm của Hàn với Trung. Phim Việt toàn hàng cũ, và nếu mới cũng là kịch bản vay mượn của Hàn. Một kênh hài mới ra đời toàn chiếu chương trình cũ! Rồi game show cũng là đồ mua lại của nước ngoài chứ chẳng có ý tưởng nào mới lạ “made in Vietnam”. Ngay thể thao cũng rất khỏe khi cứ mua bản quyền phát sóng các giải đấu rồi truyền hình trực tiếp.
Bên cạnh sự nghèo nàn của chương trình, các đài còn rất tệ trong việc chăm sóc khách hàng khi nay cắt kênh này, mai bỏ kênh kia (xin xem thêm phần ý kiến người xem).
Giá như các nhà đài ở VN cạnh tranh nhau bằng việc sáng tạo trong sản xuất chương trình cho riêng mình thật hấp dẫn, thật bổ ích, mang tính giáo dục cao; đầu tư đào tạo đội ngũ bình luận viên thể thao thật sự am hiểu, sâu sắc, dí dỏm...; phần dịch vụ biết chăm sóc, tôn trọng, lắng nghe khách hàng..., khi ấy giá có cao người dân cũng mua!
Không biết bao giờ mới đến ngày ấy?
Ý kiến người xem Sau bài trả lời phỏng vấn của ông Cao Văn Liết - tổng giám đốc VSTV (sở hữu kênh K+), đã có hơn 150 email của bạn đọc gửi về. Hầu hết ý kiến đều cho rằng: làm ơn đừng so sánh với các nước trong khu vực. Nếu bắt buộc phải làm chuyện này, nhớ so giùm cả mức thu nhập. * Tiếp nối điện và nước Kính thưa ông Liết, chúng tôi xin nói thật lòng là toát cả mồ hôi khi thấy ông so sánh: “Tại Indonesia, để được xem các chương trình bóng đá như Giải ngoại hạng Anh, người tiêu dùng phải trả khoảng 22,56 USD/tháng, Thái Lan khoảng 48,5 USD/tháng. Trong khi đó, gói cước đắt nhất của VSTV chỉ khoảng 13,08 USD/tháng”. Xin nói thật với ông rằng chuyện so sánh này không mới vì mấy ông điện và nước đã áp dụng rồi. Nếu ông thích so sánh thì đây, tôi so sánh cho ông thấy: thu nhập bình quân theo đầu người của nước ta năm 2009 là 1.060 USD/người. Trong khi đó với Indonesia là 2.329 USD/người, gấp gần 2,5 lần VN. Còn với Thái Lan là 3.939 USD/người, gấp gần 3,5 lần VN. Thật ra, ông còn thua ông điện với nước, đó là chưa dám so sánh với giá ở Mỹ, ở Pháp..., khi ấy mới thấy các gói cước của K+ rẻ ơi là rẻ! * Giá rẻ hay để kiếm thêm tiền? Ông tổng giám đốc VSTV cho biết sẽ xin phép Bộ Thông tin - truyền thông thành lập thêm kênh K+2, K+3 để phục vụ những người nghèo có thu nhập thấp. Nhưng, những người nghèo lỡ mê bóng đá quốc tế xin đừng mừng vội. Cái gì cũng có cái giá của nó. Mọi người hãy tự hỏi có bao nhiêu người hâm mộ bóng đá ở VN yêu thích những đội bóng như Birmingham, Stoke City hay Sunderland...? Tôi dám cá rằng ở những kênh dành cho người nghèo toàn chiếu mấy đội này mà thôi! Bên cạnh đó, nếu theo góc nhìn kinh tế thì K+ có thể khiến cho những người có thu nhập trung bình và thấp sẽ mở hầu bao mà vẫn phải mỉm cười. Cái này gọi là tận thu đấy mà! Đúng là nước cờ cao của VSTV. Không độc quyền? Ông Cao Văn Liết bảo rằng mình không độc quyền và đang tiến hành thương thảo với các công ty truyền hình cáp. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn chưa có công ty truyền hình cáp nào bắt tay được với K+. Nhiều người bạn của tôi làm trong lĩnh vực truyền hình khẳng định: K+ toàn đưa ra những điều kiện trời ơi, toàn nắm đằng cán thì làm sao các công ty truyền hình cáp chịu được. Vì vậy, nói là không độc quyền nhưng thực chất là độc quyền vậy! * Tôi quyết không bị lừa nữa Trước đây, tôi đã dùng tất cả các dịch vụ VCTV, SCTV, HCTV, DTH để được theo dõi các trận bóng đá cuối tuần. Thế rồi lần lượt tất cả bị cắt xén chương trình, bị đổi kênh, cắt kênh do cái kênh K+ xuất hiện. Đầu năm 2009, VTV quảng cáo kênh Bóng đá TV DTH có phát bóng đá Tây Ban Nha, Ý, mua một đầu thu xem được vài trận, nhưng cuối năm họ cắt bóng đá Tây Ban Nha cái rụp không một lời thông báo, sau mới biết giải này chỉ được phát trên kênh K+! Tìm xem trên kênh S3 của HTVC thì kênh này bị đóng, kênh S3 trên SCTV bị đổi thành kênh Bóng đá TV. Nghĩa là mọi con đường để đi tới Giải Tây Ban Nha đều bị phong tỏa. Cuối cùng để thỏa mãn sự yêu thích bóng đá Tây Ban Nha, tôi phải xem trên mạng. Lần này tôi quyết không để bị lừa nữa, không thể phung phí tiền bạc vô lý như vậy. Không có gì bảo đảm là sau kênh K+, họ sẽ không còn đẻ thêm ra những kênh gì nữa để móc túi người tiêu dùng.
|
______________________
* Tin bài liên quan:
Vụ K+: Người hâm mộ ngán ngẩmDoanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hộiCuộc tranh mua không đáng cóGà nhà đá nhau, người ngoài hưởng lợi!Thấy bở, nên đào mãiĐộc quyền phát sóng, người xem méo mặtTổng giám đốc VSTV nói gì?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận