06/05/2023 05:53 GMT+7

Vụ gửi tiết kiệm bị 'hô biến' thành bảo hiểm nhân thọ: Không phải trả tiền là xong chuyện

Ngày 5-5, nhiều khách hàng tới gặp đại diện Công ty bảo hiểm Manulife làm thủ tục hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã tham gia tại Ngân hàng SCB, và được hứa sẽ được trả lại 100% số tiền đã đóng nhưng phải ký cam kết giữ bí mật tuyệt đối.

Trước khi Manulife chịu ngồi lại trao đổi, hàng trăm khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến công an - Ảnh: BÔNG MAI

Trước khi Manulife chịu ngồi lại trao đổi, hàng trăm khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến công an - Ảnh: BÔNG MAI

Đồng thời không khiếu nại, khiếu kiện. Liệu dân "im lặng" thì Manulife đã hết trách nhiệm?

Lấy tiền và giữ im lặng

Sau khi ký giấy để nhận lại tiền, một khách hàng cho Tuổi Trẻ biết: "Thấy giải quyết cũng nhanh, không vặn vẹo gì, hẹn trả tiền trong vòng 10 ngày".

Một khách hàng khác vẫn cảm thấy ấm ức vì phải ký vào "giấy im lặng", không được tiết lộ sự việc. "Tiền của mình chứ không phải ăn trộm mà phải giấu", khách hàng chia sẻ.

Cùng tới Công ty bảo hiểm Manulife để đối chất, nhưng vẫn có những khách hàng phải ra về tay trắng, chỉ nhận được lời hẹn khoảng một tuần sau công ty sẽ trả lời.

"Họ bắt bẻ, vặn vẹo đủ chuyện. Sau đó bắt mình phải về chờ. Tiền trăm triệu chứ có phải mấy đồng bạc lẻ đâu", một khách hàng thất vọng cho hay.

Trong buổi gặp gỡ vừa diễn ra, khách hàng này không gặp được đại lý bảo hiểm nhân thọ để đối chất trực tiếp, chỉ được gặp nhân viên do công ty bảo hiểm cử xuống ghi nhận thông tin.

Bên cạnh những khách hàng đã đồng ý ký tên, giữ "im lặng" để được nhận tiền, vẫn có một số ít khách hàng cho biết trong vài ngày tới mới đến lịch hẹn, cho rằng bản thân đã bị lừa nên sẽ khởi kiện để buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường, thay vì ký giấy "im lặng". 

Bởi cùng số tiền trên, với mục đích ban đầu là gửi tiết kiệm, sau khoảng thời gian 1 - 3 năm qua thì họ có thể nhận được một khoản lãi tương đối lớn, nhất là không phải lao tâm tổn sức đi khiếu nại.

Theo tìm hiểu, với những người đồng ý nhận tiền phải ký vào giấy "thỏa thuận giải quyết khiếu nại" được phía doanh nghiệp in sẵn có nội dung yêu cầu khách hàng chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu thanh toán và/hoặc bất kỳ hành động nào chống lại công ty bảo hiểm này và các cấp quản lý, nhân viên của công ty.

Đáng chú ý, khách hàng còn phải cam kết giữ bí mật tuyệt đối về nội dung, điều khoản của "thỏa thuận giải quyết khiếu nại".

Dân "im lặng", cơ quan điều tra vẫn xử lý

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán (thành viên Hội Luật gia Việt Nam) nhận định ban đầu hợp đồng bảo hiểm là một thỏa thuận dân sự, tuân theo Luật Kinh doanh bảo hiểm và các luật chuyên ngành. 

Tuy nhiên nếu trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến lừa dối, chiếm đoạt tài sản, và khách hàng có bằng chứng chứng minh đã bị lừa dối, thì khách hàng có quyền và trách nhiệm phải tố cáo đến cơ quan chức năng.

Bộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo bán bảo hiểm qua ngân hàngBộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo bán bảo hiểm qua ngân hàng

Sau 2 tháng triển khai đường dây nóng, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 491 kiến nghị, phản ánh cùa người dân liên quan đến bảo hiểm. Đáng chú ý, bộ này đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bán bảo hiểm qua ngân hàng.

"Nói một cách dễ hiểu, nếu một người bị cướp tiền, sau đó kẻ cướp cảm thấy áy náy và trả lại tiền, thì việc trả lại tiền chỉ là hành vi nhằm khắc phục thiệt hại, chứ không phải làm hành vi phạm tội kia mất đi. Như vậy, khách hàng có quyền nhận lại tiền, đồng thời vẫn có quyền tố giác tới công an, khởi kiện ra tòa để được bồi thường tương xứng", ông Đán lý giải.

Luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng liên quan đến vụ việc này cơ quan công an (C03) đã thụ lý đơn tố giác của người dân thì vẫn tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định pháp luật, dù người dân có tiếp tục tố giác hay không.

Về phía người dân, pháp luật quy định họ phải có nghĩa vụ tố giác tội phạm. Đó là một trong những cơ sở để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, xử lý. Việc người dân có thỏa thuận không tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện, giữ bí mật thì cũng chỉ là thỏa thuận dân sự. 

Trường hợp người dân do đã thỏa thuận, đã nhận tiền nên không khiếu nại khiếu kiện thì người dân chỉ từ bỏ quyền dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên đối với nội dung người dân tố giác thì kể cả khi họ không tiếp tục tố giác nữa, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục hoạt động tố tụng. 

Đồng thời, cơ quan điều tra vẫn có quyền yêu cầu người dân cung cấp hồ sơ, tài liệu có giá trị chứng minh hành vi phạm tội dù họ có thỏa thuận với Manulife về việc giữ "bí mật". Nếu không chấp hành người dân sẽ bị xem xét về hành vi che giấu tội phạm.

Qua xác minh nếu có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án để điều tra.

Hành vi mà người dân tố cáo có dấu hiệu về tội danh lừa dối khách hàng. Đối với tội danh này thì khi người dân rút đơn tố giác, rút yêu cầu xử lý hình sự thì cơ quan điều tra vẫn xử lý, không đình chỉ vụ án.

"Trong tình huống vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì người dân được tham gia tố tụng với tư cách người bị hại. Quyền lợi bị hại trong vụ án hình sự được bảo đảm tốt hơn so với việc người dân khởi kiện dân sự...", luật sư Tấn Thuấn phân tích.

Sau khi trải qua hành trình khiếu nại đầy gian nan, nhiều khách hàng cảm thấy mệt mỏi - Ảnh: B.M.

Sau khi trải qua hành trình khiếu nại đầy gian nan, nhiều khách hàng cảm thấy mệt mỏi - Ảnh: B.M.

Cơ hội để phát triển lành mạnh hơn

Từ vụ việc khách hàng tố giác Manulife và SCB, bàn về giải pháp để ngăn chặn những vụ việc tương tự như trên, luật sư Trần Minh Hải, giám đốc Công ty luật BASICO, cho rằng Nhà nước cần xem lại cơ chế hợp tác độc quyền với các hãng bảo hiểm của ngân hàng để làm lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như thị trường bảo hiểm.

Theo luật sư Minh Hải, ở Việt Nam thời gian gần đây việc các hãng bảo hiểm sử dụng ngân hàng là kênh hợp tác độc quyền để mở rộng khách hàng mua các sản phẩm nhân thọ kèm đầu tư của hãng bảo hiểm trở nên phổ biến. 

Hãng bảo hiểm thường sẽ ứng trước khoản vốn cho ngân hàng để ngân hàng độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm. Phía ngân hàng cũng như từng nhân viên sẽ chịu áp lực với hãng bảo hiểm về doanh số nên phải tìm kiếm nhiều khách hàng hơn cho hãng bảo hiểm. 

Đây là tiềm ẩn nguy cơ tư vấn mập mờ, làm hồ sơ không đúng... gây thiệt hại cho khách hàng khi họ giao dịch với ngân hàng.

Vì vậy, theo luật sư Hải, để giải quyết cái gốc của vấn đề, cơ quan có thẩm quyền cần xem lại cơ chế hợp tác độc quyền với các hãng bảo hiểm, nếu thấy bất hợp lý, bất tương xứng, bất bình đẳng, tiềm ẩn các nguy cơ bất ổn cho thị trường, thiệt hại cho người dân thì cần chấn chỉnh, sửa đổi.

"Theo tôi, Nhà nước cần có biện pháp bảo đảm sự lành mạnh môi trường kinh doanh bảo hiểm, giải quyết cái gốc vấn đề. 

Riêng vụ Manulife, nếu Manulife thỏa thuận, giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân mà vụ việc cơ quan công an cũng chưa khởi tố - nghĩa là chưa xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì cơ quan tố tụng cũng nên xem xét để giải quyết vụ việc trên dưới góc độ dân sự, không nhất thiết phải hình sự hóa. Thông qua đó, người mua - khách hàng và bên bán bảo hiểm cũng rút ra các bài học cần thiết...", ông Hải góp thêm một góc nhìn về giải pháp.

Phân loại xử lý 350 đơn tố cáo bán bảo hiểm qua ngân hàng

Trong thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí chiều 5-5, Bộ Tài chính cho biết sau hai tháng triển khai đường dây nóng, đến ngày 25-4 đã nhận được 491 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và email. Đáng chú ý, bộ này đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Đồng thời, phía Bộ Tài chính cũng có một loạt công văn chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Ngoài việc thanh tra năm doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch năm nay, căn cứ vào tình hình thực tế, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiếp tục phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) để thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát.

Chuyển các đơn thư có nội dung phản ánh các hành vi có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

L.THANH

Bộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo bán bảo hiểm qua ngân hàngBộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo bán bảo hiểm qua ngân hàng

Sau 2 tháng triển khai đường dây nóng, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 491 kiến nghị, phản ánh cùa người dân liên quan đến bảo hiểm. Đáng chú ý, bộ này đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên