Một vụ va chạm giao thông ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, hai tài xế đã ôn hòa, lịch sự trao đổi số điện thoại và chụp ảnh giấy tờ xe, sau đó giao cho bảo hiểm giải quyết - Ảnh: T.T.D.
Xung đột dẫn đến hành vi này lại là tình huống quen thuộc rất dễ nổi nóng hằng ngày trên đường. Đó là chuyện bật đèn xinhan, tiếng còi, chuyện xin đường, nhường đường và ứng xử giữa những người cùng đi đường với nhau.
Ông T. sai, đã làm hư hỏng tài sản người khác, điều này không phải bàn thêm nữa. Nhưng còn tiếng còi ôtô kia sai hay đúng, cần thiết hay không? Xe máy bật đèn xin đường, ôtô nhường chút được không? Khi đôi bên cùng nổi nóng, xin lỗi nhau một tiếng rồi vui vẻ tiếp tục hành trình có được không? Rất nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng lên án hành vi của ông T..
Tuổi Trẻ ngày 9 và 10-9 nêu vấn đề về người nước ngoài vi phạm giao thông, giờ là chuyện người vi phạm mặc áo nhà chùa. Nghĩ cho cùng, đây là những cái sai cá biệt từ những người đặc biệt nhưng đều phản ánh câu chuyện giao thông của số đông chúng ta.
Từ chuyện bật xinhan xin đường đến chuyện những tiếng còi đinh tai nhức óc mọi lúc mọi nơi của xe lớn. Đây là cái sai số đông đầy rẫy trên đường. Và số đông hơn (gồm cả những người đang cố gắng đi đúng luật) đang chịu đựng nhau hằng ngày.
Bạn có chắc là mình đủ bình tĩnh nói rằng tôi chưa bao giờ nổi nóng hay bực mình vì ai đó ngoài đường khi thực tế muốn đi đúng luật cũng không dễ, đi đúng cũng bị làm phiền bởi người chen lấn, giành đường, và xin đường lắm khi không được nhường.
Và khổ nhất là kính thưa các loại tiếng còi, xe lớn còi lớn, xe nhỏ, xe máy còi nhỏ hơn thì "tích cực" bấm còi tùy thích, bất kể lý do gì, bất kể đang ngang qua bệnh viện, trường học hay đêm khuya trong hẻm vắng khi bà con đang say giấc.
Điếc tai vì tiếng còi, điên đầu vì kiểu đi đứng hỗn loạn hằng ngày, thậm chí gây gổ xô xát nhau... rồi sao nữa? Người người sẽ tiếp tục chịu đựng hay lên tiếng phản ứng trước những hành vi làm phiền cộng đồng? Bạn chọn cách ứng xử nào? Và lên tiếng cách nào cho đúng luật?
Đây không phải là câu chuyện của vài trăm người nước ngoài hay là chuyện của ông T. mà là chuyện về chấp hành luật, chuyện ứng xử và văn minh giao thông của cả cộng đồng.
Cái sai của ông T. là cái sai cá biệt. Chuyện lái xe sai luật, giành đường, cái sai của số đông mới là chuyện đáng bàn hơn, đáng cố gắng để sửa, mỗi ngày, mỗi người.
Sáng 9-9, ông L.V.T. đi xe máy trên đường Nguyễn Tất Thành đến ngã ba giao với Ama Khê (TP Buôn Ma Thuột), ông bật đèn xinhan xin rẽ trái. Ông N.Q.N. điều khiển ôtô bấm còi hàm ý không cho vượt. Ông T. bức xúc đề nghị ông N. phải xuống xe xin lỗi mình vì tiếng còi, ông N. không đồng ý. Ông T. dùng gậy tre đập vào xe ông N. làm hư hỏng kính xe.
Dễ "phát điên" vì tiếng còi!
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bản tin đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 10-9-2019: "Bức xúc vì bị bấm còi inh ỏi, thầy chùa dùng gậy đập bể kính ôtô" xảy ra tại Đắk Lắk.
Một số bạn đọc cho rằng hành vi của ông L.V.T. là thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, không ít ý kiến cảm thông. "Hành vi dùng gậy đập bể kính xe là không thể chấp nhận. Người đi ôtô bóp còi inh ỏi thì cũng không đúng" - bạn đọc An Nhiên nhận xét.
Bạn Anh Sang cho rằng: "Bị kích động vì hành vi của người đi đường đã rất đáng báo động! Tôi cũng nhiều lần bị kích động bởi các kiểu đi ẩu, pha đèn, bóp còi giành đường một cách vô ý thức".
Nhiều bạn đọc "lên án" thói quen nhấn còi xe. "Đi đường tức nhất vì tiếng còi, một thói quen rất xấu, gây khó chịu, ức chế tâm lý cho mọi người. Nhanh hơn vài giây chẳng giải quyết được gì nhưng nhiều người cứ nhấn còi điếc tai để giành đường" (xuanlanh...@gmail.com). Còn với bạn Duong Ngang: "Bấm còi vô tội vạ là vô văn hóa và cực kỳ đáng ghét".
"Vấn đề ở đây là việc bấm còi vô tội vạ không bị phạt nên đã thành vấn nạn. Xe máy chạy vô làn xe ôtô, họ nhấn còi, đôi khi ôtô lấn làn cũng bấm còi như dọa nạt nhau. Ở đâu ra văn hóa bậy bạ như vậy?" - bạn đọc Tri Bui góp lời.
Bạn đọc Long Nguyễn nêu vấn đề: tiếng còi làm hại thính giác người đi đường. "Một kiểu ý thức rất lạ, rất tệ. Ngay cả khi có biển báo gần bệnh viện họ cũng cứ bấm còi hết cỡ, bất kể ngày đêm" - bạn Bingboong.
"Ra đường nghe tiếng còi xe thực sự không chịu nổi. Tiếng còi quá lớn, liên tục làm người ta dễ phát điên. Nên có những xử phạt cứng rắn hơn nữa về việc này" - bạn đọc Hoan.
Đ.Q. ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận